Đừng 'vẽ' thêm việc cho giáo viên
Chuyện lương giáo viên chưa đảm bảo cho cuộc sống đó là nguyên nhân khách quan, là cơ chế. Song áp lực công việc ngày càng lớn khiến người thầy không còn thời gian nghiên cứu, bồi dưỡng, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn để bắt kịp với sự phát triển của xã hội thì lại là nguyên nhân chủ quan.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi tuần giáo viên tiểu học phải dạy 23 tiết, THCS là 19 tiết, THPT là 17 tiết. Với định mức tiết dạy như vậy chẳng có gì để nói nếu không có hàng trăm công việc trong và ngoài chuyên môn khác mà thầy cô phải “gồng gánh” như: soạn giáo án, làm hồ sơ sổ sách, hội họp, dự giờ, lên chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, hội giảng, sinh hoạt ngoại khóa, thu các loại tiền…
“Ngán” và mất nhiều thời gian nhất là những buổi hội họp. Từ họp hội đồng, chuyên môn, liên tịch, tổ khối, đoàn thể, phụ huynh, họp chủ nhiệm đến họp đột xuất. Rồi còn phải phụ đạo, bồi dưỡng học sinh và hàng chục các hội thi, phong trào từ trường cho đến cấp ngành, ngoài ngành; thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi; dự giờ, dự chuyên đề, thanh tra, thao giảng, coi thi, chấm thi...
Hết việc ban ngày, tối đến giáo viên còn phải làm hồ sơ sổ sách và chấm bài. Giáo án gần 30 tiết với vô số thứ lồng ghép như: an toàn giao thông, môi trường, hoạt động ngoài giờ lên lớp, kỹ năng sống, nha học đường, ma túy, tiết kiệm năng lượng, phòng chống tham nhũng, giáo dục địa phương… Làm sổ chủ nhiệm, sổ liên lạc, sổ dự giờ, sổ điểm, sổ họp chuyên môn, họp hội đồng, tổ chuyên môn, sổ báo giảng, sổ kế hoạch bộ môn, sổ chuyên đề, sổ mượn đồ dùng dạy học, sổ phân tích bài thi, sổ bồi dưỡng, phụ đạo học sinh, sổ học bồi dưỡng thường xuyên, sổ ghi chép các tiết dạy bằng công nghệ thông tin, sổ học tập…
Cực nhất và ai cũng ngại là thu các khoản tiền của học sinh như: bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế, dụng cụ học sinh, quỹ cha mẹ học sinh… Đây đều là những việc đòi hỏi giáo viên mất không ít công sức thành ra không còn thời gian trống để thầy cô đọc tài liệu tham khảo phục vụ cho chuyên môn.
Việc “bội thực” công việc của giáo viên sẽ khó giải quyết được nếu như người làm công tác quản lý giáo dục không chịu đổi mới tư duy, cách làm, cứ vẫn quản lý theo kiểu “hành chính” hóa giấy tờ như hiện nay.