Đừng vì hám lợi mà đánh đổi tình thân

Khi đất đai ngày càng có giá trị, 'tấc đất, tấc vàng', thì việc tranh chấp đất đai diễn ra ngày càng nhiều, không chỉ giữa những người xa lạ mà còn với cả những người ruột thịt trong gia đình. Để rồi, anh em ruột thịt phải dắt díu nhau ra tòa, lao vào vòng kiện tụng, vừa hao tốn tiền của, vừa sứt mẻ tình cảm gia đình, rất khó hàn gắn. Câu chuyện sau đây sẽ phản ánh rõ về một hiện thực đau lòng mà trong chúng ta không ai mong muốn…

 Minh họa: L.N.D

Minh họa: L.N.D

Ông T.X.D. và bà N.T.N. ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh có 4 người con. Sau khi dựng vợ, gả chồng cho 3 người con đầu và tạo điều kiện cho các con ra ở riêng, ông D. và bà N. ở chung với người con trai út. Tài sản của gia đình ông D., bà N. là một ngôi nhà gỗ ba gian, trên thửa đất có diện tích 546 m2 . Năm 2001, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD), gọi tắt là sổ đỏ, cho hộ gia đình ông D. gồm vợ chồng ông D. và người con trai út là anh .A. Anh A. ở chung và phụng dưỡng cha mẹ già. Năm 2002, bà N. qua đời, ông A. tiếp tục sống chung với bố. Năm 2010, anh A. ra ở riêng nhưng làm một ngôi nhà gần nhà bố mẹ để tiện chăm sóc người cha già. Năm 2015, ông D. cũng qua đời vì bệnh tật của tuổi già. “Cứ ngỡ khi cha mẹ mất đi, các anh chị em càng gắn bó thương yêu nhau hơn, nào ngờ dẫn đến cơ sự anh em phải lôi nhau ra tòa, lao vào vòng kiện tụng”, anh A. giọng buồn nói.

Sự việc bắt đầu từ đầu năm 2019 khi ông B. (người anh kế của ông A.) cùng vợ là bà .Y. tiến hành xây dựng một ngôi nhà trên diện tích đất của bố mẹ để lại. Quá bất ngờ vì không có sự bàn bạc giữa các thành viên trong gia đình, ông A. gặng hỏi mãi mới “ngã ngữa” khi biết rằng: Toàn bộ thửa đất đã đứng tên vợ chồng người anh trai, trong khi sổ đỏ được cấp trước đây ông A. đang lưu giữ?! Sự việc không được giải quyết ổn thỏa giữa các thành viên trong gia đình và tranh chấp ngày càng trở nên gay gắt dẫn đến phải nhờ cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết.

Theo các bản án sơ thẩm, phúc thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh và TAND cấp cao tại Đà Nẵng: Tài sản là thửa đất có diện tích 546 m2 và ngôi nhà gỗ ba gian là tài sản chung của ông D., bà N. ông A. và những người đồng thừa kế của bà N. (vì bà N. mất năm 2020 không để lại di chúc). Năm 2013, ông D. bước qua tuổi 83 và bị tai biến phải cấp cứu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến Bệnh viện Trung ương Huế với hồ sơ bệnh án “Đột quỵ, hôn mê, co giật toàn thân, xuất huyết não; phẫu thuật khoan sọ, dõi lưu hai bên…”. Sau khi ra viện, ông D. không tự đi lại được, chỉ nằm một chỗ, không còn minh mẫn, không nói được. Điều này được các thành viên trong gia đình và bà con lối xóm xác nhận. Đến năm 2015 thì ông D. qua đời.

Tuy nhiên, điều đáng nói, mọi thủ tục làm sổ đỏ sang tên cho ông B. đều dược thực hiện trong gian đoạn này. Lấy lý do sổ đỏ bị mất, ông B. mang hồ sơ đến cơ quan chức năng để được cấp lại nhưng lần này là cấp riêng cho D. đứng tên. Từ đây, sổ đỏ tiếp tục được tách thành hai thửa, một thửa ông D .tặng cho ông B., một thửa ông D. lập di chúc để lại cho ông B. “Hành trình” chuyển đổi sổ đỏ được bản án TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng “thể hiện sự gian dối”. Mặt khác, cơ quan cấp đất tại địa phương cũng thẳng thắn thừa nhận việc chuyển đổi sổ đỏ có sự thiếu sót dẫn đến sai phạm. Chính vì vậy các bản án đã tuyên hủy các quyết định cấp đổi, tách thửa, cấp sổ đỏ và các sổ đỏ đã được cấp, đồng thời chính quyền cũng chủ động thu hồi các quyết định, sổ đỏ đã cấp. Bên cạnh đó, các bản án cũng chia lại thừa kế để mỗi người đều được hưởng một phần tài sản do bố mẹ để lại.

Sau khi các bản án được tuyên, cái mất đi không phải là tài sản mà là tình cảm anh em ruột thịt. Một người hàng xóm khi dự phiên tòa đã tặc lưỡi “Tại sao phải cố làm một việc không đúng pháp luật, trái với đạo lý và làm buồn lòng đấng sinh thành đã khuất núi. Rồi đây, dòng họ, anh em, những người thân thích sẽ nghĩ gì, tình cảm “anh em như thể tay chân” còn đâu?”. Lúc này, sự hối hận đã quá muộn màng.

Câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta rằng, đất đai là tài sản có giá trị nhưng sẽ tan đi theo thời gian, còn tình cảm ruột thịt, tình cảm gia đình mới là thứ vô hình nhưng vô giá và có giá trị trường tồn. Người đời vẫn có câu “Của cải là vật ngoài thân”, lúc lìa xa cõi đời này không ai mang sang thế giới bên kia được. Vậy nên, đừng vì một vài tấc đất mà làm rạn nứt tình thân, để rồi đánh mất đi và không bao giờ có lại được.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=151844