Đừng vì vài tấn cá 'đánh trộm' mà 'giết' ngành thủy sản

Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hôm 27-5 đã khởi tố vụ án hình sự về tội 'cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử' đối với 19 chủ tàu cá tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, bởi tháo thiết bị giám sát hành trình (VMS) và gửi trên tàu khác.

Công an tỉnh này cũng cho biết đang xử lý 2/6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự liên quan về xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản cùng vụ 4 tàu tháo gỡ và lưu giữ VMS đi khai thác hải sản không theo quy định. Hai tàu cá vi phạm khai thác hải sản không theo quy định và 3 tàu cá có hành vi tự ý tháo VMS.

Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, cơ quan công an tỉnh Kiên Giang, địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất Việt Nam, cho biết họ cũng đã khởi tố 4 vụ án với 6 bị can trong các vụ vi phạm pháp luật khai thác thủy sản.

Điều này cho thấy chính quyền các địa phương đã mạnh tay với khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định – mà lâu nay hay gọi là IUU, chứ không còn cảnh phạt vi phạm hành chính như trước. IUU (Illegal, unreported and unregulated fishing, viết tắt là IUU) có nghĩa là khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo thẻ vàng đối với khai thác hải sản của Việt Nam vào tháng 10-2017, cho tới nay EC đã 5 lần sang thanh tra nhưng vẫn chưa “gỡ thẻ vàng”.

Hiếm có ngành hay lĩnh vực nào lại tập trung sự quan tâm của chính quyền từ trung ương đến địa phương, sự tham gia của nhiều ngành mang tính chất hỗ trợ như việc chống khai thác hải sản IUU trong những năm qua. Từ các chỉ thị, nghị quyết, hội nghị bàn giải pháp của Ban bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương ven biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát Biển và thậm chí của cả lực lượng hải quân.

Khi EC rút thẻ vàng hải sản Việt Nam, thực ra có làm suy giảm xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam nhưng không nhiều, vì ai cũng biết xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam hiện nay chủ yếu là thủy sản nuôi trồng.

Nhưng một khi Việt Nam không “gỡ thẻ vàng” thì rất có khả năng EC rút “thẻ đỏ”, tức cấm xuất khẩu hải sản khai thác biển sang EU. Điều đó mới đáng lo ngại và đặc biệt lại là không phải kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU. Trong khi, nói như lãnh đạo Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đó là vị thế của ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế, và một khi bị “thẻ đỏ”, gần như thủy sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ở tất cả các thị trường khác chứ không chỉ EU.

Tháng 10 năm ngoái, EC lần thứ 5 sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá cao việc chống khai thác IUU theo khuyến nghị của họ vào lần trước, nhưng lần này, họ vẫn khuyến nghị Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, kiểm soát đội tàu khai thác, tăng cường thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Điều mà EC quan tâm là còn tồn tại tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình dài ngày, xử lý vi phạm về IUU còn thấp, số tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt vẫn còn ở mức cao.

Phải nói ngành nông nghiệp và chính quyền từ trung ương tới địa phương đã nỗ lực để phòng chống IUU. Chẳng hạn đến nay Việt Nam đã lắp thiết bị VMS trên 28.605 chiếc tàu cá, tức tới 98,2% số lượng tàu theo chuẩn khai thác xa bờ, cùng với đó là hoàn thiện thể chế, cơ bản phù hợp quy định quốc tế, đáp ứng các khuyến nghị của EC.

Nhưng, căn bệnh của ngư dân là “tắt” VMS và phổ biến hơn là tháo VMS “gửi” tàu cá khác nhằm né việc định vị để có thể ra ngư trường nước ngoài khai thác trái phép. Có địa phương đã xử phạt 45 tàu cá với số tiền 3,6 tỉ đồng, tước 21 văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá với lý do “nhận/gửi” VMS.

Bộ đội Biên phòng một tỉnh trong một năm trực theo dõi hệ thống giám sát tàu cá, phát hiện 1.787 tàu mất kết nối trên 6 giờ, 33 tàu mất kết nối trên 10 ngày. Vào năm ngoái, có tàu cá khi cơ quan chức năng ập đến kiểm tra trên biển, phát hiện có giấu 10 thiết bị VMS, chủ tàu khai “nhận” 7 VMS của Cà Mau và 3 VMS của Kiên Giang. Các tàu “gửi” VMS cho tàu khác thường sẽ đưa cho tàu “nhận” VMS 50-60 lít dầu. Ở Kiên Giang từng có lần Cảnh sát Biển phát hiện một tàu cá giấu 14 thiết bị VMS của các tàu khác.

Nhưng, nay tình hình đã khác, chính quyền đã quyết tâm chống IUU mà việc đầu tiên là xử lý các trường hợp mất kết nối VMS và sẽ chuyển từ xử lý hành chính sang hình sự trường hợp tàu cá “nhận/gửi” VMS.

Đừng vì lợi ích cá nhân của vài tấn cá trong những lần đi “đánh trộm” ở nước ngoài mà có thể giết chết của ngành thủy sản Việt Nam!

Hồng Văn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dung-vi-vai-tan-ca-danh-trom-ma-giet-nganh-thuy-san/