Cụ bà 75 tuổi bị đối tượng giả danh công an lừa 500 triệu đồng

Tin và làm theo đối tượng giả danh công an, bà X. ở quận Hà Đông (Hà Nội) đã chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 20/6, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội để xác minh, điều tra vụ giả danh công an, lừa đảo chiếm đoạt 500 triệu đồng.

Cụ thể, ngày 31/5, bà X. (SN 1949, ở quận Hà Đông) nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ công an. Người này nói bà X. liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu bà chuyển tiền để xác minh.

Do lo sợ nên bà X. đã chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau đó, bà X. biết mình bị lừa nên đã cơ quan công an trình báo.

Từ vụ việc này, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Theo Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây có nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn nêu trên. Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo và mong muốn lấy lại số tiền đã mất, thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản quảng cáo hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Thực chất đây tiếp tục là chiêu trò lừa đảo để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Theo đó các đối tượng lập các trang facebook giả mạo các cơ quan chức của như Bộ Công an như: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Học viện Cảnh sát nhân dân, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao…), Bộ Tài chính, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia NCSC, Văn phòng luật sư (Liên đoàn Luật sư Việt Nam/Tư vấn pháp lý miễn phí,… Sau đó, đăng tải nhiều video clip, bài viết có nội dung cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản đồng thời lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"…

Khi bị hại có nhu cầu liên hệ để nhờ hỗ trợ thu hồi tài sản bị lừa, đối tượng hướng dẫn bị hại gửi thông tin cá nhân, chuyển ảnh chụp sao kê giao dịch chuyển tiền bị lừa đảo, thông tin app lừa đảo, các đoạn nhắn tin để chứng minh mình bị lừa đảo… Sau đó, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển thêm các khoản tiền phí, đến khi bị hại nghi ngờ hoặc không còn khả năng chuyển tiền đối tượng sẽ chặn liên lạc.

Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo; không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng không quen biết trên không gian mạng.

Nguyễn Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cu-ba-75-tuoi-bi-doi-tuong-gia-danh-cong-an-lua-500-trieu-dong-20240620213052181.htm