Đừng vô cảm trước hoạn nạn của đồng bào!

Khi miền Trung oằn mình trong cơn lũ dữ, khi cộng đồng đang hướng về miền Trung bằng những nghĩa cử cao cả thì đâu đó vẫn có những người thờ ơ, vô cảm với nỗi khổ của đồng bào.

Cơn lũ tháng mười đã khiến huyện Cẩm Xuyên, nhiều xã ở Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh chìm trong biển nước

Nhận được tin một số địa bàn Hà Tĩnh bị cô lập, chìm trong biển nước, người dân rơi vào tình trạng đói khát, chị Nhung (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) đã cùng với các mẹ, các chị trong tổ dân phố kêu gọi quyên góp để nấu cơm, nấu cháo hỗ trợ đồng bào.

Trong lúc chị và một số chị em tất tả ngược xuôi lo đi chợ, sửa soạn nấu nướng rồi mượn xe kéo vận chuyển thức ăn đến chỗ tập kết thì ngay trong tổ dân phố có một số chị em vẫn thờ ơ, cho rằng đó là việc “vác tù và hàng tổng” và tụ tập chuyện phiếm.

Trong lúc nhiều chị em sửa soạn nấu cơm...

Chị Nhung chia sẻ: “Biết là một số người kinh tế khó khăn nên tôi cũng không kêu gọi họ đóng góp, thay vào đó tôi tìm nguồn hỗ trợ từ bạn bè phương xa và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn, chỉ mong họ hỗ trợ lúc sửa soạn nấu nướng và vận chuyển.

Tuy nhiên, tôi rất buồn khi có một số chị em không ủng hộ việc tôi làm, đã không giúp đỡ họ thậm chí còn lên tiếng “dè bỉu”. Tôi không thể giải thích được vì sao họ lại vô tâm đến thế”.

Trong biến cố của người dân Hà Tĩnh những ngày gần đây, sự chia sẻ của cộng đồng trong và ngoài tỉnh, của đồng bào Hà Tĩnh ở nước ngoài là sự động viên rất lớn cho bà con. Trong khi có những người ở xa vận chuyển ca nô, xuồng máy và trực tiếp điều khiển phương tiện đi cứu giúp người dân thì ngay tại Hà Tĩnh vẫn có những người ích kỷ, lo cất giữ phương tiện không cho mượn lúc xã hội cần.

...vào tình nguyện phát cơm, phát cháo cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng như người dân vùng lũ, thì vẫn có nhiều người thờ ơ, vô cảm không quan tâm đến hoạn nạn của đồng bào.

Anh Ngọc ở Nghi Xuân cho biết: “Sau khi quyên góp được hàng hóa, nhu yếu phẩm, tôi tha thiết mượn một chiếc thuyền của ngư dân trên địa bàn để đi trao quà nhưng họ nhất định không cho. Cực chẳng đã, tôi đành tự đóng bè để vận chuyển hàng.

Tôi nghĩ, ngư dân là người đã từng trải qua những biến cố khi đi biển, lẽ ra họ phải là người dễ chia sẻ, dễ thông cảm với hoạn nạn của đồng bào, đằng này, họ quá ích kỷ”.

Trước khi Hà Tĩnh ngập trong lũ lụt, nhiều tổ chức, cá nhân đã quyên góp ủng hộ Nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và một số gia đình có người tử nạn trong các vụ sạt lở.

Trong hoạn nạn, truyền thống tương thân tương ái của người Việt được phát huy, nhiều lực lượng đã xung kích cứu hộ cứu nạn nhưng đâu đó vẫn còn những hành vi khiến không ít những tấm lòng thiện nguyện phải buồn lòng.

Tuy nhiên, nhiều người lại tỏ ra thờ ơ, không quan tâm, họ cho rằng, những vụ việc đó không thuộc địa bàn Hà Tĩnh nên chẳng cần phải để tâm. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không ai có quyền bắt họ phải quan tâm đến những hoàn cảnh, số phận ấy. Cũng nhiều ý kiến lại phê phán, đó chính là biểu hiện của sự vô cảm.

Văn hóa truyền thống của người Việt là “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… Thực tế, xã hội ngày nay đã phát huy rất tốt những giá trị văn hóa truyền thống đó.

Trong khi ngày càng có nhiều gương người tốt, việc tốt, rất nhiều tấm lòng vì cộng đồng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để cứu người thì đâu đó vẫn có những người vô cảm.

Xét cho cùng, lối sống ích kỷ, vô cảm là một biểu hiện của sự băng hoại đạo đức xã hội. Bởi vậy, thói vô cảm trong xã hội, dẫu ít nhưng cũng cần phải loại bỏ.

Phong Linh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/ban-doc-viet/dung-vo-cam-truoc-hoan-nan-cua-dong-bao/200761.htm