Dựng xây 'thế trận lòng dân' nơi biên giới

BĐBP không chỉ là những người lính giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của non sông, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, mà còn thi đua phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05. Với BĐBP tỉnh Cao Bằng, học Bác, làm theo Bác không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hay những buổi sinh hoạt chính trị, mà đã trở thành lẽ sống, thành hành động cụ thể bằng sự tận tụy, giản dị trong từng việc làm, là sự gần gũi, sẻ chia cùng đồng bào nơi biên giới, là tinh thần dấn thân không ngại gian nan, để cùng dân giữ đất, cùng dân dựng bản, để xây nên thế trận lòng dân vững chãi nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Cao Bằng phối hợp với dân quân và nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Huy Dương

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Cao Bằng phối hợp với dân quân và nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Huy Dương

Những năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng (nay là Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng) quán triệt sâu rộng, trở thành "kim chỉ nam" trong mọi mặt công tác, đặc biệt là công tác vận động quần chúng. Không còn là một nhiệm vụ mang tính hình thức hay nhất thời, học và làm theo Bác đã dần thấm sâu vào tư duy, hành động và lối sống của từng cán bộ, chiến sĩ, trở thành chuẩn mực đạo đức và phương châm hành động trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, vai trò nòng cốt của BĐBP trong xây dựng “thế trận lòng dân” nơi biên giới ngày càng được khẳng định rõ nét. Đây chính là nền tảng quan trọng góp phần củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân gắn với thế trận biên phòng toàn dân vững chắc - tạo thế đứng bền vững cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Những bước chân người lính Biên phòng âm thầm in dấu nơi triền núi, bên những nếp nhà sàn ẩn mình giữa sương núi, từ buổi sớm mờ sương đến tận chiều muộn-đó không chỉ là hình ảnh của trách nhiệm, mà còn là hiện thân sống động cho việc học tập và làm theo gương Bác từ những điều giản dị nhất: gắn bó với nhân dân, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, từng nỗi lo thường nhật. Sự hiện diện gần gũi và nghĩa tình ấy chính là chất keo kết nối giữa Đảng với dân, là nền tảng để củng cố thế trận lòng dân vững chắc nơi tuyến đầu. Thượng tá Lương Tuấn Long, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về "dân là gốc" không còn là khẩu hiệu suông, mà đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt trong từng việc làm của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi xác định rõ: giữ đất biên cương trước hết là giữ lòng dân”.

Từ quan điểm xuyên suốt ấy, BĐBP tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược và lâu dài nhằm gắn bó máu thịt với nhân dân. 56 cán bộ được tăng cường về các xã biên giới, trong đó, 26 đồng chí đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại địa phương; 430 đảng viên Biên phòng trực tiếp phụ trách, đồng hành cùng hơn 2.000 hộ dân khu vực biên giới. Những người lính quân hàm xanh trở thành cầu nối tin cậy giữa ý Đảng và lòng dân, là lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ngay từ gốc rễ. Hàng loạt mô hình dân vận sáng tạo, hiệu quả đã được triển khai và lan tỏa sâu rộng. Trong suốt hơn một thập kỷ, các chiến sĩ Biên phòng bền bỉ tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt: từ những buổi “Tiếng loa Biên phòng”, phát thanh lưu động, tuyên truyền tập trung đến những cuộc trò chuyện thân tình ngay tại sân nhà, bờ rẫy... Hơn 5.390 buổi tuyên truyền pháp luật được tổ chức, thu hút gần 550.000 lượt người dân tham gia. Nhưng điều đáng quý không chỉ nằm ở những con số mà ở giá trị của từng cuộc trò chuyện, từng ánh mắt tin tưởng, nơi người lính không lên lớp bằng lý thuyết khô khan mà kể chuyện về pháp luật, về tình yêu biên giới bằng tất cả sự chân thành và trái tim thấm đẫm tình người.

Quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, BĐBP tỉnh Cao Bằng không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động, mà còn cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, mô hình giàu tính nhân văn và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Những chương trình như “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, “Thắp sáng vùng biên”, “Giúp dân di dời chuồng trại”, “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”... đã và đang tiếp thêm nguồn lực và niềm tin cho hàng nghìn hộ dân nơi phên dậu Tổ quốc. Tổng giá trị hỗ trợ lên tới hàng chục tỷ đồng không chỉ là những con số biết nói, mà còn là những dấu ấn đầy tình người, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số yên tâm ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với quê hương biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Cao Bằng tham gia lắp đặt đèn năng lượng mặt trời, góp phần “Thắp sáng vùng biên”. Ảnh: Huy Dương

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Cao Bằng tham gia lắp đặt đèn năng lượng mặt trời, góp phần “Thắp sáng vùng biên”. Ảnh: Huy Dương

Chia sẻ thêm về quan điểm này, Thượng tá Lương Tuấn Long nhấn mạnh: “Không có sự gắn bó máu thịt với nhân dân thì không thể xây dựng "thế trận lòng dân" vững mạnh. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn tâm niệm: khi sống chan hòa, hết lòng giúp đỡ nhân dân bằng sự chân thành và trách nhiệm, thì người dân sẽ đặt niềm tin nơi mình, sẽ cùng mình bảo vệ biên giới như chính mái nhà, mảnh đất của họ”.

Từ sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, thế trận an ninh nhân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc từng bước được củng cố vững chắc. Hàng trăm nghìn lượt người dân tự nguyện sát cánh cùng bộ đội tham gia tuần tra, phát quang đường biên, chăm sóc mốc quốc giới. Hàng ngàn vụ việc vi phạm pháp luật được kịp thời phát hiện, xử lý; an ninh trật tự vùng biên ổn định; các loại tội phạm xuyên quốc gia từng bước bị đẩy lùi. Song song với đó, công tác đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân tiếp tục được mở rộng, phát huy vai trò cầu nối hữu nghị, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc. Không chỉ để lại dấu chân nơi những cung đường tuần tra heo hút, người lính Biên phòng còn để lại trong lòng dân những dấu ấn nghĩa tình. Từng hành động bình dị như giúp dân thu hoạch vụ mùa, dựng lại căn nhà bị lũ cuốn, hay đơn giản là thăm hỏi khi ốm đau... chính là cách họ học Bác giữa đời thường, kiên trì xây dựng “pháo đài lòng dân” từ sự tin yêu và gắn bó máu thịt với nhân dân, là một minh chứng sống động về hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ", người lính Biên phòng trong thời kỳ mới: giản dị, chân thành, lặng lẽ hy sinh, nhưng thấm đẫm tình người.

Huy Dương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dung-xay-the-tran-long-dan-noi-bien-gioi-post491899.html