Đừng xem khách hàng là những chú cừu
Chương trình 'Khuyến mại tập trung quốc gia 2024' đang diễn ra rất sôi động, tổ chức đồng thời trên cả nước và kéo dài đến Tết dương lịch 2025. Đây là cao điểm khuyến mại lớn nhất trong năm, cơ hội để người tiêu dùng mua sắm, nhất là người tiêu dùng có thu nhập thấp. Theo kỳ vọng, chương trình sẽ tạo ra một 'mùa đặc biệt' trong năm, chung sức và chia sẻ với cộng đồng; cũng đồng thời kích cầu tiêu dùng cho nhiều thương hiệu Việt.
Như thường lệ, bước vào tháng tiêu dùng đặc biệt này, rất nhiều người háo hức, hoan hỉ. Thế nhưng, theo phản ánh, cũng có nhiều người trở nên thất vọng sau khi tham gia. Thậm chí là mất niềm tin.
Trên mạng xã hội những ngày qua có những status cảm thán đại loại: “Tưởng gì! Bên ngoài treo biển khuyến mại nhưng vào mới biết không phải sản phẩm nào cũng được khuyến mại. Hàng khuyến mại chủ yếu là hàng ế ẩm, lỗi mốt”. Theo người tiêu dùng, đây chỉ là một chiêu đánh lừa thị giác và tâm lý người tiêu dùng.
Cùng với đó, có những khách hàng tố rằng họ thường xuyên đi mua sắm, chứng kiến có những hàng hóa ngày thường giá chỉ khoảng 500.000 đồng/sản phẩm, nhưng trong đợt khuyến mại này cửa hàng đã nâng giá lên gấp rưỡi, kèm theo mức % khuyến mãi hấp dẫn. Thực tế là thông báo khuyến mại đánh vào sự hiếu kỳ của người mua, nhưng thực tế so với ngày thường giá không rẻ hơn. Việc khuyến mại không có gì thay đổi cả ngoài tên gọi.
Còn có những cửa hàng thông báo khuyến mại mua hai tặng một, nhưng mặt hàng được tặng lại không có nhiều giá trị sử dụng hoặc chỉ mua hai tặng một với số lượng có điều kiện.
Thông qua tháng khuyến mại quốc gia, Bộ Công Thương và cơ quan chức năng mong muốn đem đến một giải pháp kích cầu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ hàng hóa từ đó thúc đẩy sản xuất, lưu thông, nhất là hàng Việt; đồng thời giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận và sử dụng những mặt hàng mà bình thường họ khó để mua được. Chủ trương này là rất nhân văn, vì thế cũng rất cần được tổ chức thực hiện một cách nhân văn, đồng bộ, thực chất và đúng nghĩa của việc khuyến mại. Theo đó người bán hàng phải có tâm, đề cao đạo đức kinh doanh; người giám sát phải có trách nhiệm, đề cao đạo đức công vụ trong việc kiểm tra, tiếp nhận thông tin từ người tiêu dùng.
Đến nay đã trải qua rất nhiều cao điểm khuyến mại, và chúng ta đều biết, không phải lúc nào việc khuyến mại cũng đóng vai trò bình ổn giá, tạo ra kênh bán hàng ưu đãi giúp khách hàng có thể tiếp cận được với những mặt hàng chất lượng giá rẻ cả. Câu chuyện núp bóng khuyến mại để trục lợi không khó để bắt gặp, gây bức xúc cho không ít người tiêu dùng. Và thực tế là nhiều khách hàng đã phản ánh bằng thái độ ngao ngán rằng họ bị lừa.
Nhiều người tiêu dùng mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, và cũng kêu gọi người bán hàng có tâm hơn, để tháng khuyến mại quốc gia thực sự ý nghĩa, đem lại cho khách hàng một cơ hội tiếp cận hàng hóa với mức giá phù hợp, chứ không nên xem khách hàng là những chú cừu như một số ý kiến bức xúc trên mạng xã hội.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dung-xem-khach-hang-la-nhung-chu-cuu-34576.htm