Đừng xem nhẹ việc sáng tác văn học dành cho thiếu nhi

Theo xu thế phát triển chung của cuộc sống, hiện nay nhu cầu về đời sống tinh thần của thiếu nhi đang ngày một nâng lên. Tuy nhiên, văn học dành cho các em nhỏ lại không phát triển mạnh mẽ như xưa, thậm chí còn được ví là 'mảnh đất bị quên lãng'. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị.

- Trước tiên, xin được cảm ơn nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã nhận lời mời phỏng vấn của Báo Quảng Trị. Gần đây, nhiều bạn đọc thường nhắc tới ông với những bài thơ, tản văn viết cho thiếu nhi. Đáng chú ý là vừa qua, ông đã cho ra đời cuốn tản văn với tựa đề “Thì thầm tiếng cát” được ví như một món ăn tinh thần rất bổ ích đối với các bạn nhỏ. Đề nghị nhà thơ chia sẻ với bạn đọc Báo Quảng Trị về tập tản văn này?

- Trước tiên, xin được cảm ơn nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã nhận lời mời phỏng vấn của Báo Quảng Trị. Gần đây, nhiều bạn đọc thường nhắc tới ông với những bài thơ, tản văn viết cho thiếu nhi. Đáng chú ý là vừa qua, ông đã cho ra đời cuốn tản văn với tựa đề “Thì thầm tiếng cát” được ví như một món ăn tinh thần rất bổ ích đối với các bạn nhỏ. Đề nghị nhà thơ chia sẻ với bạn đọc Báo Quảng Trị về tập tản văn này?

- Cuốn sách “Thì thầm tiếng cát” tập hợp 19 tản văn của tôi, do Nhà xuất bản Kim Đồng in và phát hành.

Cuốn sách này chủ yếu viết về quãng đời niên thiếu trong sáng, hồn nhiên của tôi. Như lớp người cùng thời, tuổi thơ tôi trải qua cả những năm tháng chiến tranh và hòa bình với nhiều kỷ niệm vui, buồn rất khó quên. Hồi ức ấy đã đi vào trang văn một cách tự nhiên, sâu lắng như chính tình yêu của tôi đối với quê hương, gia đình và cuộc sống. Tôi không ham viết về những cái to tát lớn lao mà dồn tình cảm cho những điều gần gũi, thân thuộc nhất, đó là “Cát làng”; là ngọn gió “Nồm nam một thuở”; là “Một góc trăng quê”; là “Ngôi nhà xưa và “người vợ” ấu thơ”... Đó còn là khoảnh khắc những giọt nước mắt vỡ lòng rơi khi viết chữ O không giống quả trứng gà (“Khóc vì chữ O”). Cuốn tản văn còn in đậm câu chuyện, trò chơi thời con nít với “Dưới bức tượng Chúa”; “Đội chiếu bóng của tôi”; “Con trai không thể không biết đá bóng”; “Con nít mới có nhiều chuyện hay”; “Đi tắm gặp ma rà”...

Các tập bình thơ cho thiếu nhi của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý do Nhà xuất bản Kim Đồng in và phát hành - Ảnh: T.L

Các tập bình thơ cho thiếu nhi của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý do Nhà xuất bản Kim Đồng in và phát hành - Ảnh: T.L

Đó là chút lắng lòng con trẻ được thể hiện qua tản văn “Nhớ Tết”. Và tất nhiên, trong cuốn sách “Thì thầm tiếng cát”, tôi không thể không nhắc tới những người thân thiết nhất trong gia đình qua “Bà và chị”; “Ba và mẹ”... Bên cạnh những kỷ niệm đẹp, cuốn sách còn có những câu chuyện buồn khi viết về câu chuyện mẹ bị bom bi Mỹ giết hại (“Một đêm chiến tranh”) và cuộc đời rất ngắn ngủi của em gái tôi (“Em Hà”). Ngoài ra, tôi còn đưa vào thêm mấy tản văn lúc mình đã trưởng thành viết về thầy giáo (“Quà của thầy”), về con gái mình (“Trung thu xa con”; “Con gái và mèo”)...

- Động lực nào thôi thúc ông có ý tưởng cho ra đời tập tản văn này?

- Với tôi, quá khứ chưa bao giờ bị biến mất trong hiện tại. Ký ức luôn hiển hiện trong tôi với những nét đẹp không thể xóa nhòa. Có thể nói đó là một phần năng lượng sống của tôi. Vì thế, tôi muốn lưu giữ lại những kỷ niệm tuổi thơ. Tôi cũng muốn kể cho con cháu mình và cả các bạn đọc nhỏ tuổi khác nữa về những năm tháng đã đi qua. Hy vọng những trang văn của tôi sẽ góp phần bồi đắp thêm tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên cho các cháu.

- Được biết, ngoài tập tản văn “Thì thầm tiếng cát”, ông còn có nhiều tác phẩm thơ, văn khác dành cho thiếu nhi, trong đó có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa. Mong ông chia sẻ về những “đứa con tinh thần” mà mình sáng tác dành cho các em nhỏ?

- Thực ra, tôi sáng tác cho thiếu nhi khá lâu rồi. Trước đây, tôi từng đoạt giải thưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng dành cho bản thảo tập thơ dự thi “Đội bóng đá xóm Rạm”. Với tập thơ này, tôi cũng đã đoạt giải thưởng trong cuộc vận động viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em và UNICEF tại Việt Nam tổ chức. Bản thân từng có 3 tập bình thơ cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng in gồm: “Hương rừng thơm đồi vắng” (24.168 bản), “Trong lời mẹ ru” (24.184 bản) và “Nếu chúng mình có phép lạ” (15.824 bản). Vừa rồi, tôi cũng đã hoàn thành bản thảo dự thi cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng với tập thơ “Bỗng hóa thành siêu nhân”. Tôi rất vui khi bài thơ “Xôn xao mùa hè” của mình được chọn đưa vào sách Tiếng Việt lớp 4, bộ “Chân trời sáng tạo”. Những thành công nho nhỏ đó đã mang lại cho tôi niềm vui lớn, niềm vui được viết cho thiếu nhi.

- Từ thực tiễn bản thân, ông thấy viết cho thiếu nhi có những khó khăn gì?

- Viết cho thiếu nhi không hề dễ dàng. Những ai cho rằng viết cho thiếu nhi dễ dàng hơn viết cho người lớn là không đúng. Viết cho thiếu nhi trước hết phải hiểu đúng các cháu. Người viết phải thực sự gần gũi nếu như không muốn nói là phải đắm mình trong thế giới tuổi thơ may ra mới viết được. Trẻ con trong sáng hồn nhiên chứ không phải ngây ngô, khờ dại. Chúng ta không nên đánh giá thấp sự hiểu biết của các cháu hiện nay. Các tác phẩm viết cho thiếu nhi cần sự sáng tạo rất lớn. Tôi nghĩ rằng, nếu viết không lạ, không mới thì chắc chắn không thể thu hút được các bạn nhỏ. Mỗi nhà văn muốn có tác phẩm hay viết cho thiếu nhi phải đạt tới điều đó. Thực tế, trẻ em thường “kén ăn” hơn người lớn. Với “món ăn tinh thần” cũng vậy, ta phải dồn sức như thế nào đó đủ cho các cháu thích. Đó chính là cái khó của người viết cho thiếu nhi. Đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao không nhiều các nhà văn, nhà thơ chuyên tâm viết cho thiếu nhi. Trong thời gian qua, ta có cảm giác văn học viết cho thiếu nhi như một “mảnh đất bị quên lãng”.

- Vậy theo nhà thơ, chúng ta phải làm gì để cày xới “mảnh đất” được coi là “bị quên lãng” này?

- Chúng ta thường nói với nhau rằng: “Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em”. Vậy nên, trong văn học, chúng ta cũng nên dành những gì hay nhất cho thiếu nhi. Mỗi trang văn hay, mỗi bài thơ hay đều rất bổ ích với các cháu. Có những bài thơ tôi được học cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng đến giờ vẫn lung linh trong tâm hồn. Do đó, tôi nghĩ đừng bao giờ xem nhẹ việc sáng tác văn học cho thiếu nhi. Chúng ta cần có sự đầu tư đúng mức vào mảng văn học thiếu nhi kể từ đội ngũ sáng tác, hệ thống xuất bản, chế độ nhuận bút, giải thưởng... Điều tiên quyết là xã hội phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của văn học thiếu nhi để có chiến lược phát triển đúng đắn, mang lại hiệu quả lớn. Ngoài ra, chúng ta không thể không nhắc tới sự phối hợp giữa xã hội, nhà trường, gia đình trong việc tạo ra niềm say mê đọc sách cho các em nhỏ. Đây cũng là cái khó trong khi môi trường văn hóa đọc ở nước ta có chiều hướng đi xuống.

Thiết nghĩ cần kéo các bạn nhỏ về với sách, kể cả sách điện tử. Những cuốn sách hay, sách đẹp sẽ là người đồng hành quý giá với tuổi thơ. Không thể nói khác được, đó chính là hạnh phúc của những nhà văn chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi.

- Xin cảm ơn nhà thơ!

Tây Long(thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/dung-xem-nhe-viec-sang-tac-van-hoc-danh-cho-thieu-nhi/182934.htm