Dụng ý khó hiểu của Trung Quốc khi đổi biển tên tàu điện ngầm trước Olympic

Thời gian gần đây, người dân thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc nhận thấy biển báo trên hệ thống tàu điện ngầm thành phố có sự thay đổi không nhỏ.

Dán đè bính âm Hán ngữ lên tên dịch tiếng Anh

Theo hãng tin CNN, một loạt từ “station” (nhà ga) trong tiếng Anh được thay bằng từ “Zhan” trong hệ thống bính âm Hán ngữ.

Trong một số trường hợp, tên nhà ga theo tiếng Anh như Olympic Park và Terminal 2 ở sân bay Bắc Kinh được bổ sung thêm phiên âm "Aolinpike Gongyuan" và "2 Hao Hangzhanlou" còn bản dịch tiếng Anh vẫn được giữ nhưng đặt ở dưới, nằm trong ngoặc kép.

Sự thay đổi này dường như được thực hiện từ tháng trước, vài tuần trước sự kiện Olympic Bắc Kinh sắp diễn ra vào tháng 2 và gây tranh cãi không nhỏ trong dư luận Trung Quốc.

>

Tên nhà ga tàu điện ngầm tiếng Anh được thay bằng bính âm. Ảnh - CNN

Tên nhà ga tàu điện ngầm tiếng Anh được thay bằng bính âm. Ảnh - CNN

Trong thông báo cuối tuần qua, đơn vị quản lý tàu điện ngầm Bắc Kinh cho biết, sự thay đổi này là một phần trong những nỗ lực của thành phố để thống nhất phiên âm tên của các nhà ga tàu điện ngầm phù hợp với quy định liên quan.

Song, lời giải thích trên gần như không thuyết phục được nhiều cư dân mạng Trung Quốc.

Một cư dân Weibo (mạng xã hội tương tự Twitter) bình luận: Kiểu phiên âm như vậy là dư thừa vì phần dịch tiếng Anh là để người nước ngoài đọc. Còn nếu không phục vụ người nước ngoài, sao không để luôn độc nhất tiếng Trung Quốc!”.

Tuần trước, tờ Guangming Daily cũng có bài xã luận liên quan tới vấn đề này và đặt câu hỏi: Đơn vị quản lý tàu điện ngầm Bắc Kinh đưa thêm bính âm để nhắm tới đối tượng nào?

Trong bài xã luận, Guangming Daily phân tích: Đối với người Trung Quốc, đa phần người dân không cần bính âm mới đọc được tiếng Trung Quốc,… thậm chí nhiều người cao tuổi, người Trung Quốc ở nước ngoài không hiểu bính âm là gì. Bính âm Hán ngữ được phát triển vào năm 1950, sau đó mới được dạy tại các trường tiểu học trên toàn Trung Quốc.

Đối với người nước ngoài, đa phần đều không hiểu bính âm. Như vậy, người Trung Quốc không cần, người nước ngoài không hiểu.

Hai kỳ Olympic, hai thái độ với tiếng Anh khác nhau?

Mặc dù chưa có thông tin nào cho thấy sự thay đổi này có liên quan tới sự kiện thể thao quốc tế mùa đông Bắc Kinh sắp tới nhưng một số người đã liên hệ sự việc này với chiến dịch cải thiện phần dịch biển đường tiếng Anh tại thời điểm Bắc Kinh chuẩn bị khai mạc Olympic mùa hè năm 2008 để cho thấy sự thay đổi quan điểm của Trung Quốc về tầm quan trọng của tiếng Anh qua 2 kỳ Olympic.

Một số người cho rằng, có thể, Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực giảm nhẹ tiếng Anh giữa lúc nước này gia sức ngăn chặn sự ảnh hưởng từ phương Tây với xã hội.

“Họ đang dần bỏ tiếng Anh. Thái độ cuồng học tiếng Anh ở thời điểm Olympic Bắc Kinh năm 2008 dường như đã lùi vào dĩ vãng” – một cư dân mạng chia sẻ trên trang Douban – website nổi tiếng về đánh giá phim, sách, âm nhạc.

Nên đọc

Trung Quốc cải cách lớn về giáo dục, xem nhẹ môn tiếng Anh

Cách đây 14 năm, Trung Quốc coi Olympic 2008 là cơ hội hiếm có để Trung Quốc thể hiện với cả thế giới, Bắc Kinh khuyến khích người dân học tiếng Anh để đón tiếp hàng chục nghìn vị khách nước ngoài.

Trước thềm sự kiện, chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến dịch đồng loạt tìm kiếm và sửa lỗi dịch sai trên biển đường, tên các hội trường công cộng. Thậm chí, đây được coi là “chiến dịch hàng loạt” để nâng cao nhận thức Olympic của người dân, cải thiện năng lực tiếng Anh và dân trí, theo thông tin của đài truyền hình trung ương CCTV tại thời điểm đó.

Song kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức, mọi thứ đã thay đổi. Trong đó, ông chú trọng thúc đẩy tự tôn văn hóa và văn hóa truyền thống của Trung Quốc đồng thời cẩn trọng hơn với sách, phim và nhiều hình thức gây ảnh hưởng nhận thức từ phương Tây.

Hồi tháng 8, các cơ quan về giáo dục tại Thượng Hải – thành phố quốc tế hóa nhất Trung Quốc - đã ban hành lệnh cấm trường tiểu học địa phương thi học kỳ môn tiếng Anh.

Mặc dù quy định này nằm trong chiến lược rộng hơn của Trung Quốc để giảm áp lực học hành với trẻ em nhưng vẫn khiến các bậc cha mẹ tầng lớp trung lưu nước này bị sốc vì lo lắng các thành phố khác có thể có động thái tương tự.

Trước nữa, hồi tháng 3, một cố vấn chính phủ đưa ra quan điểm nên giảm nhẹ tầm quan trọng của tiếng Anh trong nhà trường và không nên đưa vào làm môn thi bắt buộc trong kỳ thi đại học.

Hiện chưa rõ chính xác lý do Trung Quốc thay đổi phiên âm nhưng theo bài bình luận trên tờ Guangming Daily, “khi đất nước đang mở cửa với thế giới, nhiệm vụ của chúng ta phải là cung cấp cho khách du lịch nước ngoài sự thuận tiện. Chúng ta đang sống trong thời kỳ toàn cầu hóa nên chắc chắn cần sự giao tiếp giữa con người với con người. Làm thế nào để các cơ sở và biển hiệu này trở nên có ích hơn, làm thế nào để đồng bộ các tiêu chuẩn tốt hơn - đó là điều chúng ta cần cân nhắc”.

Trang Trần (Theo CNN)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/y-do-kho-hieu-cua-trung-quoc-khi-doi-bien-ten-tau-dien-ngam-truoc-olympic-d538358.html