Đừng yêu cầu sự hoàn hảo khi dạy dỗ con cái
Trẻ nhỏ khó có thể làm tốt ngay từ lần đầu tiên được cha mẹ chỉ dạy. Chúng cần có thời gian để luyện tập và hoàn thiện các kỹ năng. Cha mẹ cần kiên nhẫn để đồng hành cùng con.
Cách phản ứng điển hình của tôi trước hành động chiếm đoạt của con chính là cách bố mẹ tôi phản ứng khi tôi còn nhỏ: Tôi gạt bàn tay nhỏ bé mũm mĩm của con bé và nói gì đó đại loại “Không lấy đồ của mẹ!” Kế đó tôi diễn giải hành động hay thái độ của con là đòi hỏi và kiểm soát (tôi vẫn nghe tiếng mẹ văng vẳng trong đầu: “Con bé muốn kiểm soát con đấy, Michaeleen”).
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ người bản địa ở đây lại vui vẻ khi những em bé thích chiếm đoạt ấy nhảy vào giúp đỡ. Họ mừng khi thấy trẻ chủ động. Sự tự khẳng định của trẻ được họ xem như mong muốn được đóng góp cho gia đình. Vấn đề chỉ là đứa trẻ còn quá nhỏ để biết thế nào là cách giúp tốt nhất. Con có thể học điều đó.
“Một bà mẹ kể với chúng tôi rằng ‘Hồi đầu, khi con rửa bát, nước lênh láng khắp nơi, nhưng tôi vẫn để cháu làm vì đó là cách để con học.’” Rebeca kể về các cuộc phỏng vấn của cô với những bà mẹ dòng dõi Nahua ở Guadalajara.
Những phụ huynh trên xem sự lộn xộn như một khoản đầu tư. Nếu bạn khuyến khích một đứa bé đang muốn rửa bát, dù bé chưa đủ khả năng, thì qua thời gian, khi trẻ lên chín, chúng sẽ thành thạo và vẫn muốn phụ giúp bạn, điều đó thực sự tạo nên khác biệt.
Rebeca cũng lấy câu chuyện của một nhà bán thịt làm ví dụ. Một trong những cậu con trai của gia đình thích thú với việc nấu nướng từ rất nhỏ. Người mẹ sẽ vừa bế cậu vừa nấu. Thỉnh thoảng, bà để cậu bé gắp thịt từ nồi sang đĩa và luôn chú ý quan sát vì cậu bé có thể bị bỏng.
Qua thời gian, khả năng và sự hứng thú của cậu bé với công việc kinh doanh của gia đình ngày một lớn dần. Đến khi chín tuổi, cậu đã góp phần đáng kể vào công việc buôn bán. Cậu thậm chí có thể phụ giúp cắt thịt.
Tới đây, chúng ta có một vài lưu ý. Cha mẹ đừng đồng ý mọi đề nghị giúp đỡ của trẻ. Nếu nhiệm vụ quá phức tạp so với khả năng của con, cha mẹ nên bỏ qua hoặc chia nhỏ hơn để trẻ có thể làm được. Nếu những nguồn lực phục vụ công việc có giá trị cao, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ sử dụng chúng một cách hiệu quả, hoặc nếu trẻ lãng phí cha mẹ có thể yêu cầu trẻ đi chỗ khác.
Trong cộng đồng người Maya ở Chiapas, Mexico, cha mẹ cố tình từ chối lời đề nghị giúp đỡ từ trẻ nhằm tăng động lực của chúng đối với bất kỳ nhiệm vụ nào. Ví dụ, cậu bé Beto hai tuổi muốn giúp cha láng nền xi măng, công việc quá khó đối với một em bé.
Lúc đầu, người cha phớt lờ lời nài nỉ được tham gia của Beto. Kế đó, ông giải thích rằng cậu bé cần đợi lớn hơn chút nữa mới có thể làm được công việc này. Sự từ chối đầy ẩn ý ấy càng khiến cậu bé muốn được làm hơn. Cuối cùng, cậu giành lấy dụng cụ và bắt đầu láng xi măng. Nhìn cậu con trai đầy háo hức, ông bố vui vẻ mỉm cười. Ông thận trọng quan sát Beto và đưa ra một vài hướng dẫn đơn giản, như là “Bé yêu, không phải như thế.”
Khi Beto làm sai và bước lên trên nền xi măng ướt, người cha chỉ ra đâu là điều con làm sai (“Này bé con, con bước lên nó... Con làm hỏng nó mất rồi.”), và ông kết thúc sự tham gia của cậu bé bằng cách nói rằng mẹ đang tìm cậu.
Ngay từ những năm đầu đời, trẻ đã học và biết vị trí của mình trong gia đình. Để trẻ cùng tham gia vào một công việc nào đó chính là cách hiệu quả để cha mẹ nói với chúng rằng, “Con là một thành viên của gia đình, chúng ta cùng làm việc, giúp đỡ nhau và góp sức bất cứ khi nào có thể.”
Các nhà tâm lý học tin rằng nếu được tham gia giúp đỡ công việc gia đình càng sớm, thậm chí từ khi còn chập chững thì càng nhiều khả năng trẻ sẽ biết giúp đỡ công việc nhà khi lớn lên. Sớm tham gia vào công việc nhà định hình nên con đường trở thành người biết tình nguyện giúp đỡ ở giai đoạn sau của cuộc đời. Điều này thay đổi hoàn toàn vai trò của trẻ trong gia đình và cộng đồng. Chúng trở thành một thành viên có trách nhiệm và biết đóng góp.
Mặt khác, nếu bạn liên tục ngăn cản trẻ giúp đỡ, chúng sẽ tin rằng vai trò của chúng khác với những thành viên còn lại trong gia đình. Vai trò của chúng là chơi và tránh đi chỗ khác. Nói một cách khác: Nếu bạn nói với một đứa trẻ đủ nhiều rằng “Không, con không được làm việc này,” thì sau cùng đứa trẻ sẽ tin bạn và không còn muốn giúp nữa. Trẻ học được rằng giúp đỡ việc nhà không phải là trách nhiệm của chúng.
Nhà tâm lý học Lucia Alcalá và đồng nghiệp đã chứng minh tác động này tại phòng thí nghiệm. Cô và cả nhóm giao cho các cặp anh chị em cùng làm một nhiệm vụ. Chúng phải giúp nhau chọn đồ từ một mô hình cửa hàng bách hóa. Với cặp anh em người Âu Mỹ, cậu em không ngừng đưa ra các gợi ý về thứ cần mua.
“Cậu bé thì cố giúp, nhưng anh lớn thì đẩy em ra hết lần này đến lần khác. Có lúc, cậu anh còn gạt cánh tay em để cậu bé không chỉ trỏ vào các món đồ nữa,” Lucia nói.
Sau một vài lần thử, cậu em hoàn toàn mất hứng thú với nhiệm vụ được giao. “Cậu chui xuống dưới gầm bàn và bỏ cuộc. Trong một trường hợp khác, người em đi ra và không muốn tiếp tục vì không thấy mình là một phần của hoạt động,” Lucia nhớ lại.
Lucia cho rằng kịch bản tương tự cũng sẽ diễn ra khi cha mẹ không ngừng bảo trẻ đi chơi khi họ làm việc nhà.Từ đó trẻ học được rằng vai trò của chúng trong gia đình là chơi xếp hình và xem video trong lúc cha mẹ nấu cơm và dọn dẹp.
May mắn là không phải mọi thứ đều mất đi. Trẻ em ở mọi độ tuổi (kể cả một vài người lớn mà tôi biết) cực kỳ dễ uốn nắn, và mong muốn được giúp đỡ người khác ở chúng đủ mạnh mẽ để thay đổi hình mẫu trên.
Cha mẹ cần thay đổi suy nghĩ của mình về con trẻ, khuyến khích chúng tham gia dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Hãy làm theo những gợi ý ở chương tiếp theo để thay vì chỉ biết đến bản thân mình, con bạn sẽ trở thành một cái máy sấy bát đĩa lúc nào không hay.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-yeu-cau-su-hoan-hao-khi-day-do-con-cai-post1472919.html