Được ăn, được nói, được gói mang về!
Cái sự cưới xin ngày nay cũng khác xưa nhiều, trước thì 'cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy'; nay ngược lại.
Xưa việc xem ngày giờ cưới hỏi thường được các bậc phụ huynh nhờ thầy (nói vui là do thầy cúng chỉ định), ngày nay nếu đám nào mà đã “ăn kem trước cổng” (có bầu) thì được gọi là do… bác sĩ chỉ định! Tếu táo một chút để thấy rằng, sự cưới hỏi cũng thay đổi theo trào lưu, sự vận hành chung của xã hội…
Ở TP, người ta thường mời cưới vào 2 buổi trưa và tối, còn ở nông thôn có thể sáng - trưa - chiều, tùy gia cảnh. Từ lâu rồi quê tôi có tục mời ăn cưới vào buổi sáng, và người ta đi ăn cưới sớm lắm.
Mùa Hè từ sáng sớm (ngoài 5 giờ), người ta đã ý ới gọi nhau, vì ăn cỗ để… còn kịp giờ đi làm. Mùa Đông thì “muộn” hơn một chút nhưng ngoài 7 giờ, cỗ bàn đã được “đánh” sạch. Ai đến muộn một chút, là làm phiền gia chủ vì phải “điều” người để ghép cho đủ mâm! Người nông thôn không có ngày nghỉ, nên kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, việc ăn cỗ vẫn diễn ra như vậy.
Trước đây, cỗ bàn là việc của đàn ông, nhưng gần đây có xu hướng chuyển giao nhiệm vụ. Nguyên do là khi đã ngồi xuống mâm cỗ, cánh đàn ông bao giờ cũng khề khà chén rượu, cốc bia, như vậy vừa tốn thời gian của bản thân, vừa làm phiền gia chủ, bởi đôi lúc rượu vào nhời ra.
Các bà thì khác, chỉ chốc lát tiệc tùng đã được xử lý xong, bởi họ chỉ xơi vài món canh riêu, rau xào, cơm tẻ. Giò chả, thịt gà, tôm, cá rán, đều được chia phần, mỗi người một đũm - không ai hơn kém…
Mặt khác, cánh đàn ông đi ăn cỗ mà còn tòng teng đùm thức ăn từ bàn tiệc đem về, xem ra cũng “giơ”; vậy nên việc đi ăn cỗ cơ bản được “phó thác” cho phụ nữ Thoạt đầu người vùng khác còn dè bỉu chuyện đi ăn cỗ lấy phần của làng tôi, nhưng qua thực tế - điều này hoàn toàn có lý.
Bởi lẽ, vừa mới bửng mắt ra mà “chêm” ngay thịt gà, giò nạc, giò thủ, tôm rán vào bụng thì dẫu có khỏe đến mấy cái bụng vẫn ấm ách, vậy thì cứ mấy món canh riêu cho nó… nhẹ dạ.
Mặt khác món ăn “khổ chủ” đã làm ra, không dùng thì đem phần về chả có gì là xấu; bởi một đám cưới (nhiều thì cả trăm, ít cũng dăm bảy chục mâm cỗ), nếu khách không đem phần về, gia chủ chỉ còn nước đổ đi…
So về cấp độ, cỗ quê không hề kém cạnh. Nhà hàng khách sạn chỉ sang hơn cái không gian, bàn ghế, âm thanh, ánh sáng mà thôi, cách bày trí, vẽ vời trong mâm cỗ... Còn nói về cách chế biến, tuy chỉ là những người “tay ngang” nhưng đàn ông quê tôi nấu ngon có tiếng và mâm cỗ lúc nào cũng đầy đặn! Về mùa cưới, việc người ta phải chạy sô đi ăn cỗ là thường.
Tuy nhiên ở phố (nếu không tham dự được), chỉ cần nhờ bạn bè đóng hộ cái phong bì, sau đó đọc cho nhau số tài khoản, nợ được trả ngay tắp lự. Nhưng ở quê nó khác (thời buổi công nghệ, vẫn có thể nhờ đóng hộ cái phong bì tiền mừng, nhưng người ta vẫn phải đến dự đám để còn… ăn cỗ và lấy phần. Bởi không đến dự, cả mấy chục mâm cỗ biết ai “giúp” cho gia chủ? Đổ đi thì vừa lãng phí, vừa mang tiếng.
Vậy là cứ hôm nào có vài đám cưới, phần lớn người làng đều không phải mua thức ăn bởi (phần đem về) từ 2 cỗ cưới cũng đủ cả nhà lặc lè, vì cỗ quê tôi làm to lắm!
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/duoc-an-duoc-noi-duoc-goi-mang-ve.html