Dược Cửu Long nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP

Ngày 22/11/2022, Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long đã được Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Long An trao Quyết định và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Dược phẩm theo tiêu chuẩn EU-GMP.

Đây là một trong 12 dự án tiêu biểu của tỉnh Long An.

Dự án Nhà máy Dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP của Dược Cửu Long có quy mô 50.000 m2, tổng vốn đầu tư 1,035 tỷ đồng, được xây dựng tại Lô G-1, đường N2, Khu Công nghiệp Hựu Thạnh, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Công suất sản xuất thuốc, dược phẩm của nhà máy đạt 1,6 tỷ sản phẩm/năm, các vật tư y tế như bơm kim tiêm, dây tuyền dịch, ống mẫu máu, kim luồn tĩnh mạch … đạt 360 triệu đơn vị sản phẩm/năm.

Công ty Dược Cửu Long nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP

Công ty Dược Cửu Long nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP

Trong xu thế hội nhập toàn cầu về lĩnh vực dược phẩm hiện nay, tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu EU -GMP (Good Manufacturing Practices - European Union) là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cao nhất của các nhà máy dược phẩm trên thế giới.

Đây là bộ các nguyên tắc, tiêu chuẩn được xây dựng và ban hành bởi Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu, nhằm kiểm soát các hoạt động hoặc vấn đề xảy ra tại các cơ sở sản xuất dược phẩm, sản xuất ra thuốc có chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Năm 2019, Thông tư 15/2019/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành chính thức có hiệu lực, đã thay đổi tiêu chí trong phân chia các nhóm thuốc tham gia đấu thầu.

Trong đó, các thuốc sản xuất từ những nhà máy của Dược Cửu Long được xếp vào nhóm 1 và nhóm 2. Thuốc được sản xuất từ những nhà máy đạt GMP EU ở Việt Nam sẽ là lựa chọn hàng đầu để thay thế cho các loại thuốc biệt dược gốc và thuốc generic nhập ngoại.

Sau khi dự án Nhà máy Dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP của đi vào hoạt động sẽ tạo bước tiến lớn cho Dược Cửu Long trong việc khẳng định lợi thế cạnh tranh về chất lượng và sản phẩm, góp phần vào sự phát triển của ngành dược Việt Nam trên bản đồ dược phẩm thế giới, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động tại địa phương.

Với hơn 45 năm hoạt động trong lĩnh vực dược, Dược Cửu Long đã trở thành cái tên thân quen, uy tín với người tiêu dùng, các nhà thuốc và các bệnh viện lớn trên các tỉnh thành của Việt Nam.

Với sự đầu tư lớn mạnh từ công ty mẹ, Dược Cửu Long đặt mục tiêu trở thành công ty dược Việt Nam uy tín hàng đầu, được đánh giá cao nhất bởi bệnh nhân và cộng đồng thông qua sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân về chất lượng sản phẩm, hệ thống phân phối rộng khắp, từ đó hoàn thành sứ mệnh kết nối và cải thiện cuộc sống của cộng đồng thông qua những giải pháp sức khỏe tối ưu.

Tính đến quý III/2022, tổng tài sản Dược Cửu Long đạt hơn 2.138 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 174% so với thời điểm 31/12/2015, vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.443 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2015, tăng trưởng 154% so với 2015. Hiện tại, hoạt động kinh doanh của Dược Cửu Long vẫn đang diễn ra đúng theo kế hoạch kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Kết quả lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần trên báo cáo tài chính hợp nhất của Dược Cửu Long ghi nhận đạt 670,71 tỷ đồng, tăng 161,86 tỷ đồng so với cùng kì năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 69,081 tỷ đồng.

Cùng với đó, Dược Cửu Long tiếp tục đầu tư để mở rộng, nâng cấp nhà máy, gia tăng công suất. Trong đó, đối với Nhà máy Capsule, tiếp tục dự án mở rộng giai đoạn 5 với vốn đầu tư khoảng 232,5 tỷ đồng, nâng tổng công suất nhà máy tăng thêm 2,8 tỷ nang/năm.

Với nhà máy Vật tư thiết bị y tế, triển khai xây dựng mới 01 nhà máy vật tư thiết bị y tế với quy mô 10,846,6 m2. Vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Công suất đạt 21,5 triệu sản phẩm/tháng.

Liên quan đến thông tin Dược Cửu Long có liên quan tới vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Y tế và các cá nhân đơn vị liên quan đã và đang xét xử theo thẩm quyền, ông Lương Trọng Hải, Tổng giám đốc Công ty khẳng định: “Đối với những vấn đề sai phạm trong quá khứ của Dược Cửu Long khi còn là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp điều tra nhằm tuân thủ đúng pháp luật và không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty, từ đó đảm bảo quyền lợi của người lao động, các cổ đông, tổ chức liên quan cũng như xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, tạo an tâm cho các nhà đầu tư.

Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long hiện nay đang hoạt động bình thường, đạt tăng trưởng cao và tiếp tục được đầu tư để mở rộng quy mô.

Kể từ quý I/2015, SCIC đã thoái vốn tại Dược Cửu Long. Theo đó, cùng với kế hoạch tái cấu trúc toàn diện, Dược Cửu Long đã được bổ sung những nhân lực chủ chốt trong hoạt động quản trị, điều hành, sản xuất, bán hàng... nhằm mục tiêu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, kèm theo kiểm soát tốt công tác quản lý của công ty.

Vụ án liên quan đến hợp đồng sản xuất thuốc Oseltamivir giữa Bộ Y tế và Dược Cửu Long), trong đó có nội dung về việc sử dụng số tiền 3.848.000 USD chưa trả nhà cung cấp sau khi hạch toán giảm giá vốn mua nguyên liệu Oseltamivir và ghi nhận lợi nhuận vào các năm 2006, 2007, 2008.

Theo đại diện của Dược Cửu Long, đơn vị đã tích cực phối hợp để vụ việc sớm có kết luận. Các sai phạm trong vụ án sản xuất thuốc Oseltamivir diễn ra trong khoảng 2006 - 2008 không liên quan đến Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long giai đoạn hiện tại (từ 2015 -2022).

Theo các văn bản Dược Cửu Long đã gửi cho các cơ quan chức năng, giai đoạn 2006 -2014, Dược Cửu Long thuộc quản lý của nhà nước, đại diện là SCIC. Năm 2015, SCIC thoái vốn thông qua giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán.Vì thế, các sai phạm diễn ra trong giai đoạn 2006 -2008 không liên quan đến Dược Cửu Long giai đoạn hiện nay (2015 – 2022).

Theo Cáo trạng số 4410/CT-VKSTC-V5 ngày 08/09/2022 của Viện Kiểm sát Tòa án Nhân dân tối cao, việc hạch toán, sử dụng khoản tiền 3.848.000 USD, tương đương 61.692.238.500 đồng do các cá nhân Ban điều hành Dược Cửu Long giai đoạn 2006 - 2014 quyết định hạch toán giảm giá vốn trái nguyên tắc kế toán, từ đó, sử dụng khoản tiền này vào thời điểm 2006-2008 cho các việc: chi trả cổ tức cho các cổ đông, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chi trả thù lao thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, thưởng và trích các quỹ đầu tư, phúc lợi xã hội của Công ty.

Do vậy, các thành viên Ban điều hành Công ty giai đoạn 2006-2014 và các cá nhân, đơn vị liên quan đang bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố về hành vi sai phạm của mình gây ra (nếu có).

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/duoc-cuu-long-nhan-dang-ky-dau-tu-cho-du-an-nha-may-duoc-pham-dat-tieu-chuan-eu-gmp-d178413.html