Được giao làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, EVN và Petrovietnam kinh doanh ra sao?
Cả EVN và Petrovietnam đều đạt được những kết quả kinh doanh đáng khích lệ trong năm 2024.
Yêu cầu phấn đấu hoàn thành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước 31/12/2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Với nhiệm vụ được giao, EVN và Petrovietnam sẽ cần tập trung nguồn lực và kinh nghiệm để đảm bảo tiến độ và chất lượng của các nhà máy điện hạt nhân này. Trước đó, trong năm 2024, cả hai tập đoàn đã đạt được những kết quả kinh doanh đáng khích lệ, tạo nền tảng tài chính vững chắc cho việc triển khai dự án quan trọng này.
EVN thoát lỗ, tái cân bằng tài chính
Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của EVN, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2023, trong đó, doanh thu của công ty mẹ EVN ước đạt 480.662 tỷ đồng. Giá trị nộp ngân sách ước đạt 25.000 tỷ đồng (bằng 101% so với năm 2023).
Theo lãnh đạo tập đoàn, EVN đã thoát lỗ năm qua. Tuy nhiên, số lãi vẫn chưa được tập đoàn này công bố cụ thể.
Theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, việc tăng giá điện vào tháng 10/2024, kết hợp với lượng mưa thuận lợi, giá than nhập khẩu giảm, huy động điện chạy dầu thấp và một số các biện pháp tiết kiệm của EVN đã đưa bảng cân đối tài chính năm 2024 trở về mức có lợi nhuận. Đó là điều kiện quan trọng để Tập đoàn có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư, sau 2 năm liền báo lỗ.
Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, EVN báo cáo khoản lỗ hơn 13.000 tỷ đồng. Trong năm 2023 trước đó, EVN lỗ 34.245 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, số lỗ sau khi trừ thu nhập tài chính khác ở mức 21.822 tỷ đồng. Năm 2022, EVN cũng báo lỗ gần 36.300 tỷ đồng.
Việc thoát lỗ trong năm 2024 được xem là bước tiến quan trọng đối với EVN, cho thấy những chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn sau giai đoạn khó khăn.
Petrovietnam phá kỷ lục doanh thu
Trong khi đó, 2024 là năm thứ 3 liên tiếp tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) phá kỷ lục doanh thu. Tổng doanh thu toàn tập đoàn đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước COVID-19 (năm 2019). Petrovietnam nộp Ngân sách Nhà nước 165.000 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước COVID-19.
Năm 2024 cũng là lần đầu tiên Petrovietnam đạt kỷ lục toàn diện về các chỉ tiêu tài chính, tăng trưởng cao so với thời kỳ trước COVID-19, bao gồm: Doanh thu hợp nhất đạt 601 nghìn tỷ đồng, tăng 51%; doanh thu Công ty mẹ - Tập đoàn đạt 270 nghìn tỷ đồng, tăng 237%; lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ - Tập đoàn đạt 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 45%. Lợi nhuận hợp nhất của Petrovietnam tiếp tục duy trì đạt trên 2,3 tỷ USD/năm.
Nhờ kết quả này, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ sau 4 năm 2021 - 2024. Trong đó, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 3,5 triệu tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch 5 năm, đạt mức tăng trưởng 16,7%/năm; nộp Ngân sách Nhà nước ạt 600.000 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch 5 năm, tăng trưởng 21,2%/năm.
Việc được giao làm chủ đầu tư các nhà máy điện hạt nhân đặt ra cả cơ hội và thách thức cho EVN và Petrovietnam. Ngoài quản lý tài chính hiệu quả, cả hai tập đoàn cần đảm bảo tiến độ dự án, phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực điện hạt nhân. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai tập đoàn và các đối tác quốc tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công của các dự án này, góp phần vào an ninh năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.