Tesla, Google, chủ Calvin Klein và nhiều công ty Mỹ có thể bị ảnh hưởng khi Trung Quốc trả đũa ông Trump
Trung Quốc đã công bố hàng loạt biện pháp nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm Google, các nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp và công ty sở hữu thương hiệu thời trang Calvin Klein, chỉ vài phút sau khi Mỹ chính thức áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa quốc gia châu Á này.
Các biện pháp đó được công bố cùng lúc Trung Quốc áp thuế lên một số sản phẩm của Mỹ như than đá, khí đốt và xe tải điện, nhằm đáp trả nhanh chóng các mức thuế mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc. Điều này làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã đưa PVH Corp (công ty mẹ của thương hiệu Calvin Klein và Tommy Hilfiger) cùng hãng công nghệ sinh học Illumina (Mỹ) vào "danh sách thực thể không đáng tin cậy".
Bộ này tuyên bố PVH Corp và Illumina đã thực hiện "các biện pháp phân biệt đối xử với doanh nghiệp Trung Quốc, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc".
Những công ty bị đưa vào danh sách đen này có thể phải chịu các khoản phạt và hàng loạt biện pháp trừng phạt khác, gồm cả đóng băng giao dịch thương mại và thu hồi giấy phép lao động của nhân viên nước ngoài.
Cuộc điều tra chống độc quyền với Google
Cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết Google bị nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền của nước này và đã bắt đầu cuộc điều tra theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan đó không cung cấp thêm chi tiết về cuộc điều tra hoặc cáo buộc cụ thể với Google.
Các sản phẩm Google bị chặn ở Trung Quốc, gồm cả công cụ tìm kiếm, và doanh thu của công ty Mỹ từ thị trường này chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu toàn cầu.
Năm 2017, Google công bố kế hoạch mở một trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) nhỏ tại Trung Quốc, nhưng dự án này đã bị giải tán hai năm sau đó. Hiện Google không tiến hành nghiên cứu AI tại Trung Quốc nhưng vẫn hợp tác với các đối tác nước này, gồm cả các nhà quảng cáo.
Google, PVH Corp và Illumina chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận ngoài giờ làm việc chính thức ở Mỹ.
Trước đó, PVH Corp đã bị cơ quan quản lý Trung Quốc giám sát vì hành vi "không phù hợp" liên quan đến khu vực Tân Cương.
Tesla và các công ty thiết bị nông nghiệp
Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo áp thuế 10% với thiết bị nông nghiệp của Mỹ, có thể ảnh hưởng đến các công ty như Caterpilla, Deere & Co và AGCO, cũng như một số loại xe tải và sedan động cơ lớn nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc.
Điều này có thể áp dụng với cả Cybertruck, mẫu xe bán tải điện mà Tesla (do Elon Musk điều hành) đang quảng bá tại Trung Quốc trong khi chờ phê duyệt quy định để bắt đầu bán hàng.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc phân loại Cybertruck là "xe chở khách" trong một thông báo hồi tháng 12.2024, nhưng thông tin này sau đó đã bị xóa ngay lập tức.
Nếu Cybertruck bị phân loại là xe tải điện, Tesla sẽ phải chịu mức thuế 10% với bất kỳ sản phẩm nhập khẩu nào từ nhà máy của họ tại bang Texas (Mỹ).
Tesla chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết mức thuế mới với hàng hóa Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 10.2.
Những thông báo trên đánh dấu sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn trước đó chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực công nghệ dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, khi ông tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận các loại chip bán dẫn cao cấp.
Vào tháng 12.2024, Trung Quốc tuyên bố mở cuộc điều tra Nvidia về nghi vấn vi phạm luật chống độc quyền của nước này. Đây là động thái được xem như sự trả đũa với các biện pháp hạn chế mới nhất của Mỹ với ngành công nghiệp chip Trung Quốc.
Các sản phẩm Intel tại Trung Quốc cũng bị yêu cầu xem xét an ninh cuối năm ngoái bởi một hiệp hội công nghiệp có ảnh hưởng của nước này.
Hôm 4.2, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sẽ bị áp thuế 15% khi nhập khẩu vào quốc gia châu Á này. Dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ô tô từ Mỹ đến Trung Quốc phải chịu mức thuế 10%.
Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc cho biết sẽ thắt chặt xuất khẩu hàng loạt nguyên tố quan trọng như tungsten, tellurium, ruthenium, molybdenum "để bảo vệ an ninh quốc gia".
Theo lệnh mà ông Trump ký cuối tuần trước, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc từ ngày 4.2. Lý do vì Trung Quốc không chặn được hoạt động buôn lậu fentanyl sang Mỹ.
Fentanyl là một loại thuốc giảm đau opioid tổng hợp cực mạnh, mạnh hơn morphine khoảng 50–100 lần. Ban đầu, fentanyl được sử dụng trong y học để điều trị đau nặng, đặc biệt là cho bệnh nhân ung thư hoặc sau phẫu thuật. Tuy nhiên, do tác dụng mạnh và nguy cơ gây nghiện cao, fentanyl đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng ma túy và sốc thuốc quá liều trên toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ.
Opioid là một nhóm chất tác động lên hệ thần kinh trung ương, có tác dụng giảm đau mạnh, nhưng cũng có nguy cơ gây nghiện cao. Opioid bao gồm cả chất tự nhiên, bán tổng hợp và tổng hợp.
Hôm 3.2, ông Trump cảnh báo có thể nâng mức thuế với Trung Quốc lên trên 10% và sẽ thảo luận với giới chức nước này trong ngày 4.2 hoặc sau đó. "Hy vọng Trung Quốc sẽ chặn được dòng chảy fentanyl vào Mỹ. Nếu không, thuế nhập khẩu sẽ tăng đáng kể", Tổng thống Trump tuyên bố.
Thêm điểm đáng chú ý là lệnh áp thuế mới với Trung Quốc của ông Trump quy định rõ rằng miễn trừ de minimis với các gói hàng nhỏ sẽ không còn được áp dụng. Theo quy định đó, các sản phẩm có giá trị dưới mức 800 USD trước đây có thể vào Mỹ mà không bị đánh thuế, từng là lợi thế lớn cho các nhà bán lẻ thương mại điện tử Trung Quốc, vốn thường xuyên gửi hàng hóa giá rẻ trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ.
Phạm vi đầy đủ của những thay đổi với quy định de minimis (chỉ áp dụng cho thuế quan mới được ban hành hôm 1.2 hay cả các mức thuế thương mại trước đó) vẫn chưa rõ ràng. Một phát ngôn viên Nhà Trắng không trả lời câu hỏi về phạm vi của biện pháp này.
Tuy nhiên, các luật sư thương mại cho biết ngôn ngữ của ông Trump trong việc siết chặt miễn trừ de minimis có thể được áp dụng rộng rãi, thậm chí với các mức thuế hiện hành với Trung Quốc, Canada và Mexico.
Tác động của thay đổi này chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc, cụ thể là các nhà bán lẻ như Alibaba, JD.com, Temu của PDD Holdings và Shein (chuyên về thời trang). Trong 9 tháng đầu năm 2024, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đã nhập khẩu khoảng 48 tỉ USD hàng hóa qua kẽ hở này, theo ước tính của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP).
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Theo số liệu Hải quan Trung Quốc công bố tháng 12.2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 4.898 tỉ nhân dân tệ (668 tỉ USD) năm 2024. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại với Trung Quốc rất lớn khiến Mỹ không hài lòng nhiều năm qua. Năm 2024, mức thâm hụt lên tới 361 tỉ USD.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại dài 2 năm với Trung Quốc, áp thuế 25% lên khoảng 300 tỉ USD hàng hóa nước này. Trung Quốc cũng trả đũa bằng chính sách tương tự, đồng thời dừng mua nhiều nông sản Mỹ. Việc này gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây thiệt hại cho kinh tế thế giới.
Để chấm dứt chiến tranh thương mại, vào năm 2020, Trung Quốc và Mỹ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo đó, Trung Quốc chấp thuận mua thêm 200 tỉ USD hàng Mỹ mỗi năm. Tuy vậy, kế hoạch này bị đình trệ do đại dịch COVID-19.