Dược liệu trong những ấm trà của người Việt ít ai biết

Uống trà là một nét văn hóa ẩm thực của người Việt. Các loại trà mà người Việt Nam sử dụng không chỉ là thức uống đơn thuần mà còn có tác dụng phòng và chữa bệnh. Mỗi loại trà có tính chất và tác dụng khác nhau.

Uống trà là một nét văn hóa ẩm thực của người Việt. Trên thực tế, uống trà rất đa dạng. Uống trà đơn giản là dùng trà hoặc lấy trà làm chủ phối hợp với các vị thuốc khác nhằm mục đích phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe; hoặc uống trà với nghĩa rộng hơn một dạng thực - dược phẩm bao gồm một hay nhiều loại dược liệu hoặc thực phẩm được chế biến. Cách sử dụng giống như trà uống hằng ngày, nhưng kỳ thực không hề có chút lá trà nào trong thành phần, người ta gọi là “dĩ dược đại trà” (lấy thuốc thay trà) như: lá vối, hoa hòe, hoa cúc, atiso…

Các loại trà Việt với những dược liệu có tác dụng hỗ trợ trong việc điều trị bệnh của con người - Ảnh: PV

Các loại trà Việt với những dược liệu có tác dụng hỗ trợ trong việc điều trị bệnh của con người - Ảnh: PV

Từ “trà” được sử dụng như là một phương thức sử dụng thảo mộc dưới dạng nước hãm, hoặc ngâm, rộng hơn “trà” với ý nghĩa là trà xanh.

BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện đại học y dược TP.HCM, cho biết các loại trà mà người Việt Nam sử dụng không những là thức uống đơn thuần mà còn có tác dụng phòng và chữa bệnh. Mỗi loại trà có tính chất và tác dụng khác nhau như:

Trà xanh: Trà xanh có tên khoa học là Camellia sinensis (Thea chinensis Seem), thuộc họ chè (Theaceae). Cây trà - nguyên liệu cơ bản của trà dược thảo điển hình, có nguồn gốc ở Trung Quốc. Người Trung Quốc đã biết dùng trà từ 2.500 năm trước Công Nguyên, sau đó tới Nhận Bản và nhiều nước Châu Á khác.

Thành phần sinh hóa gồm: nước; nhóm hợp chất polyphenol - tanin trà hàm lượng có trong lá trà từ 12 - 25% và chiếm khoảng 50% hàm lượng chất khô hòa tan của trà. Chất polyphenol có khả năng ức chế các gốc tự do oxy nên có tác dụng phòng ngừa được các bệnh ung thư và làm chậm quá trình lão hóa. Caffeine kích thích nhẹ thần kinh trung ương, hệ hô hấp và tim mạch, tạo cảm giác sảng khoái, dễ chịu; kích thích hoạt động của thận và tăng cường sự lưu thông máu. Nhờ đó giúp cơ thể nhanh chóng thải bỏ các sản phẩm thừa của quá trình trao đổi chất, tăng cường sự trao đổi chất và sự hấp thụ oxy trong cơ thể.

Nhóm enzyme thủy phân gồm: Amilaza, invectaza, glucozidata, proteaza. Các enzym này có tác dụng làm tăng hàm lượng chất hòa tan, hình thành nên các chất có hương vị, màu sắc đặc trưng cho trà. Nhóm enzyme oxy hóa khử gồm: Catalaza, polyphenoloxidaza, peroxydaza. Các enzym này giúp phát triển quá trình lên men. Tuy nhiên, chúng làm cho tanin trà biến đổi sâu sắc. Nhóm sắc tố Chlorophyll (chất diệp lục) làm cho lá có màu xanh, khó tan trong nước nóng.

Theo y học cổ truyền, trà xanh có tác dụng thanh nhiệt giải khát, giúp tiêu hóa tốt, lợi tiểu, định thần... Lá trà xanh, ngoài việc nấu nước còn có thể ngâm rửa vết bỏng hay lở loét với tác dụng sát khuẩn, chóng lên da non...

Vối: Cây vối có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus, thuộc họ sim (Myrtaceae), là loại cây mọc nhiều ở vùng nhiệt đới.

Ở nước ta cây vối mọc hoang, hoặc trồng. Cây vối thường cao chừng 5 - 6m, cuống lá dài 1- 1,5cm. Phiến lá cây vối dai, cứng. Hoa vối gần như không cuống, màu lục nhạt, trắng. Quả vối hình trứng, đường kính 7 - 12mm, có dịch. Lá, cành non và nụ vối đều có mùi thơm dễ chịu đặc biệt của vối.

Từ lâu, người Việt đã biết sử dụng cây vối (với lá, nụ, vỏ, rễ) để làm trà uống giải khát. Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng, chát trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa; chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, tinh dầu vối có tính kháng khuẩn nhưng đặc biệt không hại vi khuẩn có ích trong ruột.

Theo tài liệu nghiên cứu của giáo sư Đỗ Tất Lợi, lá và nụ vối có chất kháng sinh thực vật, diệt được nhiều mầm vi khuẩn gây bệnh, kể cả vi trùng gram- và gram+. Theo Đông y, vối có vị hơi chát, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt giải biểu, tiêu trệ, sát khuẩn. Dân gian thường dùng lá, vỏ, thân, hoa làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng.

Hoa cúc: Hoa cúc còn gọi là cam cúc hoa, bạch cúc hoa, cúc hoa trắng, cúc điểm vàng, Hoàng cúc. Tên khoa học Chrysanthemum sinense Sabine, thuộc họ cúc Asteraceae (Compositae).

Cúc hoa (Flox Chrysanthemi) là hoa cúc phơi hay sấy khô. Người dân còn dùng cả hoa của cây cúc hoa vàng hay dã cúc, kim cúc, cúc riềng vàng Chrysanthemum indicum L. (Chrysanthemum procumbens Lour.) cùng họ.

Thành phần chủ yếu có trong tinh dầu hoa cúc là bisabolol (levomenol) – thành phần hoạt chất có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Bisabolol có tác dụng chống kích ứng, chống viêm và chống vi khuẩn.

Không những vậy, hoạt chất này còn giúp phái nữ sở hữu làn da rạng ngời hơn. Chúng được dùng như thành phần dưỡng da, giúp giảm bong tróc và kích thích quá trình tự phục hồi của da.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, trong hoa cúc chứa apigenin – một chất có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng, khiến chúng nhạy cảm hơn với thuốc trị ung thư.

Cây hoa cúc được trồng nhiều ở nước ta để lấy hoa làm thuốc hay ướp trà, nấu rượu. Theo tài liệu cổ, hoa cúc trắng có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn; hoa cúc vàng có vị đắng cay, tính ôn vào 3 kinh phế, can và thận. Có tác dụng tán phong, thấp, thanh đầu, mục, giáng hỏa, giải độc. Dùng chữa phong mà sinh hoa mắt, nhức đầu, mắt đỏ đau, nhiều nước mắt, đinh nhọt.

Atiso: Atiso là một cây thuốc nam quý, có tên khoa học là Cynara Scolymus L., thuộc họ Cúc (Compositae). Loại cây này chỉ cao khoảng 1 - 2m; thân và lá có lông trắng như bông; lá mọc so le, phiến khía sâu, có gai. Cụm hoa hình đầu, màu tím nhạt. Lá bắc ngoài của cụm hoa dày và nhọn. Phần gốc nạc của lá bắc và đế hoa ăn được. Lá to, dài 1-1,2m, rộng 50cm, mặt dưới lá có nhiều lông hơn mặt trên.

Hoạt chất chính của atisô là cynarine (Acide 1- 3 dicaféin quinic). Ngoài ra còn có inulin, inulinaza, tanin, các muối hữu cơ của các kim loại kali, canxi, magie, natri... Atiso có tác dụng hạ cholesterol và urê trong máu, tạo mật, tăng tiết mật, lợi tiểu, thường được làm thuốc thông mật, thông tiểu tiện, chữa các chứng bệnh về gan, thận. Tuy chất cynarin đã tổng hợp được nhưng người ta vẫn dùng chế phẩm từ cao lá atiso tươi.

Atiso đã được sử dụng trong y học cổ truyền từ nhiều thế kỷ cho việc khắc phục các vấn đề cụ thể của lá gan và túi mật. Trong hệ thống y học cổ truyền của Brazil, các chế phẩm từ lá Atiso được sử dụng cho các vấn đề gan và túi mật, tiểu đường, cholesterol cao, huyết áp cao, thiếu máu, tiêu chảy, sốt, chứng viêm loét, và bệnh gút. Tại châu Âu, Atiso cũng được sử dụng cho các rối loạn về gan và túi mật; ở một số nước các loại thuốc thảo dược tiêu chuẩn hóa được sản xuất và bán như các loại thuốc theo toa cho những người rối loạn tiêu hóa và gan, cholesterol cao.

Theo BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ, trà vừa là thức uống (thực phẩm) nhưng vừa là thuốc (dược phẩm), nên khi dùng phải chú ý. Tam nhân chế nghi, nghĩa là tùy người (nhân thân), tùy theo điều kiện địa lý và môi trường sống (nhân địa) và tùy mùa, tùy thời gian (nhân thời) mà lựa chọn và sử dụng sao cho đạt được hiệu quả cao nhất và dự phòng các tác dụng phụ không mong muốn.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/duoc-lieu-trong-nhung-am-tra-cua-nguoi-viet-it-ai-biet-224864.html