Được mùa nhưng mất giá, người trồng cói xứ Thanh gặp khó
Nếu như năm ngoái, giá cói giao động từ 14.000-18.000 đồng/kg cói khô, thì năm nay chỉ được 12.000 đồng/kg, thời điểm đầu vụ chỉ được 7.000-8.000 đồng/kg cói khô.
Thời điểm này, hàng nghìn hộ dân trồng cói ở các huyện vùng ven biển xứ Thanh như Quảng Xương, Nga Sơn, Nông Cống đang tất bật thu hoạch cói vụ chiêm.
Do áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh cùng với thời tiết thuận lợi nên cây cói phát triển tốt, chiều dài cây trung bình đạt trên 1,8m, nhiều diện tích đạt tới 2m, năng suất cói dự kiến đạt khoảng 80 tạ/ha.
Tuy nhiên, so với các năm trước, giá cói năm nay xuống thấp, khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm chính vụ, nắng nóng gay gắt, gia đình bà Phạm Thị Hồng và hàng trăm hộ dân xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương phải dậy từ mờ sáng ra đồng cắt cói để tránh nắng.
Cói được trồng vào tháng 2-3 Âm lịch, tuổi thọ mỗi lứa cói có thể kéo dài đến 5 năm.
Mỗi năm, cao điểm thu hoạch cói diễn ra từ tháng 4-5 đến tháng 9-10.
Cói sau khi cắt sẽ được gom thành từng bó, rồi giũ, nhặt sạch cỏ, rác, sợi hỏng, sau đó chẻ thành sợi nhỏ, đem phơi, rồi tiếp tục giũ.
Phơi khô là công đoạn quan trọng nhất, bởi chỉ cần gặp mưa hoặc thiếu nắng là sợi cói không đạt độ chín, giảm giá trị.
Chính vì vậy, trời càng nắng nông dân càng phải lao ra đồng. Mỗi ngày, 4 người làm cật lực mới có thể thu hoạch xong 1 sào cói.
Chia sẻ về nghề trồng cói gắn bó với gia đình hàng chục năm nay, bà Hồng cho biết nghề cói cực nhọc không khác gì nghề muối, càng nắng càng phải dầm mình ngoài đồng.
Vì quá vất vả nên bây giờ thanh niên không chịu làm, chỉ còn người trung niên, người già cố theo nghề.
Nếu như năm ngoái, giá cói giao động từ 14.000-18.000 đồng/kg cói khô, thì năm nay chỉ được 12.000 đồng/kg, thời điểm đầu vụ chỉ được 7.000-8.000 đồng/kg cói khô.
Mặc dù giá cói xuống thấp và thị trường xuất khẩu thu hẹp, nhưng xác định đây là nguồn thu nhập chính, giúp cải thiện đời sống, nên gia đình vẫn cố gắng duy trì.
Ông Nguyễn Văn Hòa, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, cho biết với đặc thù đất nhiễm phèn, mặn không trồng các cây khác được, nên từ lâu cây cói trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho gia đình.
Năm nay, thời tiết thuận lợi và chăm bón tốt nên sản lượng cói tăng cao, tuy nhiên giá cói xuống thấp hơn mọi năm 3-4 giá.
Mong muốn thời gian tới, giá cói lên cao và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mở rộng để người nông dân bớt vất vả...
Xã Quảng Phúc là địa phương có diện tích trồng cói lớn nhất huyện Quảng Xương với gần 400ha đất cói. Đây là vùng đất chiêm trũng, màu mỡ, nguồn mặn vừa phải rất phù hợp cho cây cói phát triển.
Những năm 2004 trở lại đây, một số hộ dân trong xã đã đầu tư mua máy dệt chiếu phục vụ sản xuất.
Đến nay, trên địa bàn xã Quảng Phúc đã có hơn 200 máy dệt chiếu.
Năm 2020, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc được thành lập và đang từng bước cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng để khẳng định thương hiệu chiếu cói Quảng Phúc ở thị trường trong nước.
Mỗi năm, Quảng Phúc sản xuất khoảng 500.000 lá chiếu/năm. Nghề dệt chiếu cói Quảng Phúc không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 1.000 lao động địa phương.
Ông Lê Trọng Sơn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay của Hợp tác xã là thiếu vốn để thu mua nguyên liệu cho bà con và đầu tư máy móc, thiết bị.
Bên cạnh đó, mấy năm gần đây thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giảm nên người trồng cói gặp nhiều khó khăn.
Mong muốn thời gian tới, nhà nước hỗ trợ vốn, có chính sách khuyến khích để người nông dân giữ lại nghề truyền thống.
Hiện nay, huyện Quảng Xương có 550ha diện tích đất trồng cói, tập trung ở các xã: Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn. Sản lượng cói toàn huyện đạt gần 7.000 tấn/năm.
Để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, huyện Quảng Xương đã tập trung đầu tư nâng cấp đường giao thông, kênh mương nội đồng tạo thuận lợi cho bà con nông dân phát triển, mở rộng diện tích đất trồng cói; khuyến khích người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, thâm canh tăng năng xuất, chất lượng cây cói. Từ đó, góp phần đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nghề dệt chiếu cói truyền thống của người dân trong và ngoài địa bàn.
Theo ông Trần Văn Chung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, xác định duy trì và mở rộng diện tích trồng cói có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ nghề dệt chiếu cói truyền thống của huyện, hiện nay các địa phương đang tích cực vận động bà con nông dân tham gia hợp tác xã; ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong thâm canh.
Địa phương hướng đến xây dựng cánh đồng mẫu lớn; thực hiện các chính sách phát triển vùng cói, nhất là nâng cao năng lực tưới tiêu giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, phôi phục và mở rộng diện tích trồng cói, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Mặc dù giá cói năm nay xuống thấp, nhưng xác định đây là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập chính cho người dân, hiện nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
Đến nay, toàn huyện Quảng Xương có 450 máy dệt chiếu. Sản lượng sản xuất hàng năm đạt khoảng 3 triệu đôi chiếu các loại.
Nghề dệt chiếu cói Quảng Xương không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 5.000 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-7 triệu đồng/người/tháng.
Đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng nên chiếu cói Quảng Xương không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh ở thị trường ngoài tỉnh như Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên.../.