Dược sĩ 73 lần hiến máu cứu người
Với tâm niệm giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại, đến nay dược sĩ Hồ Văn Thúc, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã có 73 lần hiến máu cứu người.
* Chuyện đời, chuyện nghề
Chân trái lành lặn, còn chân phải đã bị teo cơ khiến việc đi lại của dược sĩ Hồ Văn Thúc khá khó khăn. 59 năm tuổi đời thì có đến 56 năm dược sĩ Thúc phải sống trong tình cảnh “lấy tay đỡ chân” để đi. Dù vậy, ông luôn vui vẻ, lạc quan, phúc hậu.
Những người như dược sĩ Thúc chính là “chiến sĩ thầm lặng”. Ở tuổi 59, ông đã có 73 lần hiến máu cứu người khẩn cấp. Trung bình, mỗi năm, ông hiến máu từ 4-5 lần. Năm 2018, ông là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu được Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tôn vinh.
Ông Thúc kể, khi lên 3 tuổi, ông bị sốt bại liệt. Gia đình nghèo sinh sống tại tỉnh Quảng Trị, có đến 9 người con, ngay cả cái ăn còn rất thiếu thốn. Do vậy, trận sốt bại liệt của ông Thúc không được chữa trị đến nơi đến chốn. Khi ấy, việc tiêm vaccine ngừa bệnh là vô cùng xa vời, không ai nghĩ đến. Hậu quả, sau trận sốt năm ấy, một bên chân của ông Thúc teo dần, không cảm giác và không đi lại được. Ông thành người khuyết tật.
“Ở thế hệ của tôi thời ấy, những người bị tật sau sốt bại liệt không phải là ít. Có người bị teo cả 2 chân, 2 tay và phải nằm một chỗ. Tôi còn may mắn là chỉ bị teo 1 chân, không làm được ruộng nhưng vẫn có thể đi học” - dược sĩ Thúc nhớ lại.
Quảng Trị vào thập niên 60, 70 của thế kỷ XX vẫn còn rất khó khăn. Việc nuôi 9 người con trưởng thành của một gia đình thuần nông không hề dễ dàng. Do đó, gia đình ông đã quyết định chuyển vào sinh sống tại Đồng Nai. Vào vùng đất mới, ông vẫn được gia đình “ưu ái” cho đi học vì ông học khá giỏi. Ông được gửi ở nhờ nhà người quen gần trường học. Hằng ngày, trên đôi chân tật nguyền, ông đi bộ khoảng 2km để đi học. “Trong 9 anh chị em thì tôi cũng là người mê học nhất” - dược sĩ Thúc chia sẻ.
“Trời không phụ người có lòng”, cậu học sinh ngày ấy đã thi đậu vào Trường đại học Y dược TP.HCM đúng như ý nguyện trở thành nhân viên y tế.
Sau khi ra trường năm 1988, dược sĩ Thúc về công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. 3 tháng sau, bệnh viện cử dược sĩ Thúc học chuyên về xét nghiệm, truyền máu huyết học. “Tôi nhớ, thời đó nhiều người “bán máu”, nhất là những người nghèo. Riêng tôi đã chìa tay hiến máu thay vì bán máu” - dược sĩ Thúc kể. Từ đó, ông thường xuyên hiến máu cứu người, nhất là trong những lúc nguy cấp.
* Chủ động hiến máu cứu người
Năm 1998, khi Ngân hàng Máu sống của bệnh viện mới được thành lập, có một cô giáo sinh con tại bệnh viện tư, sau đó bị băng huyết, tình trạng rất nguy kịch, tiên lượng tử vong và được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Sản phụ cần được bổ sung một lượng máu lớn, tuy nhiên người nhà của sản phụ bị viêm gan B nên không thể cho máu. “Tôi chủ động hiến máu để cứu mẹ con cô giáo vì tình cảnh lúc đó rất nguy cấp. Chúng tôi phải chạy xe lên tận TP.HCM mua máu, nhưng khi ấy, máu trong ngân hàng dự trữ chỉ có hạn sử dụng trong 21 ngày. Máu trong ngân hàng dự trữ như “cơm nguội” nhưng bệnh nhân cần “cơm nóng” để qua khỏi cơn nguy kịch” - dược sĩ Thúc nhớ lại.
Theo Giám đốc Bệnh vịên Đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên, dược sĩ Hồ Văn Thúc là ngươì đâù tiên và tâm huyết nhất trong vịêc thành lập Ngân hàng Máu sống tại bệnh vịên. Bất kể ngày hay đêm, chỉ cần báo cần máu để cưú ngươì là dược sĩ Thúc luôn sẵn sàng cho máu. Đây là điêù không phải ai cũng có thể làm được. Vơí những cống hiến thầm lặng, năm 2014 dược sĩ Thúc được Chủ tịch nước tặng danh hịêu Thâỳ thuốc ưu tú.
Tuy nhiên, lượng máu lấy được vẫn chưa đủ nên dược sĩ Thúc đã kêu gọi các thành viên trong Ngân hàng Máu sống, chủ yếu là các y, bác sĩ trong bệnh viện tham gia hiến để cứu mẹ con sản phụ. Thấy được hành động đầy nhân ái của các nhân viên y tế, nhiều giáo viên là đồng nghiệp của sản phụ đã kêu gọi và cùng nhau hiến máu cứu sản phụ. “Một chiếc xe ô tô chở hơn 20 người là giáo viên, cán bộ trong trường học, nơi sản phụ làm việc, đã có mặt tại bệnh viện tiến hành xét nghiệm và lấy máu. Điều này khiến các bác sĩ cảm thấy ấm lòng, việc làm của mình cũng đã có tác động xã hội” - dược sĩ Thúc nhớ lại.
Trường hợp khác, một cha xứ trên đường đi hành lễ bằng xe máy và va chạm với xe tải, bị giập nát một phần từ bụng xuống chân, mất máu nghiêm trọng. Trong thời khắc cấp bách ấy, dược sĩ Thúc cùng những thành viên trong Ngân hàng Máu sống tại bệnh viện trực tiếp hiến máu để cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, lượng máu lấy được không đủ để đáp ứng, ông đã trực tiếp gọi điện thoại về nhà thờ, kêu gọi mọi người hiến máu cứu người. Sau đó, rất đông đồng bào có đạo đến bệnh viện đăng ký để được hiến máu với mong muốn cứu sống vị cha xứ. Bệnh nhân đã may mắn qua cơn nguy kịch và được chuyển lên bệnh viện chuyên khoa để tiếp tục điều trị.
* Giọt máu cho đi…
Một buổi sáng giữa tháng 6-2020, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận bà T. vào nhập viện trong tình trạng chấn thương ngực bụng (vỡ gan, vỡ lách, gãy đa xương sườn và giập phổi), choáng mất máu nặng. Bà T. trong tình trạng thập tử nhất sinh và không thể chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Các bác sĩ đã chuyển bà T. vào phòng mổ cấp cứu.
Khi mổ cả ổ bụng và lồng ngực, máu ngập tràn, máu của cơ thể mất gần hết, mất hơn 4 lít máu. Các bác sĩ vừa truyền máu, vừa mổ xử lý tổn thương. Ngân hàng Máu dự trữ không đáp ứng yêu cầu và cần lượng máu tươi để truyền. “Nhóm máu của tôi trùng với nhóm máu của bệnh nhân. Chờ đợi người khác vào thử máu rồi mới lấy để truyền rất lâu, tôi đã lấy ngay máu của mình. Vì hiến máu thường xuyên, được kiểm tra “chất lượng” thường xuyên nên tôi rất tự tin để cho máu” - dược sĩ Thúc cười nói.
Năm 1998, nguồn điện chưa ổn định nên việc dự trữ máu cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Mỗi lần cần truyền máu cho bệnh nhân thì phải đi lên TP.HCM để mua. Đường xa, có khi máu về không kịp truyền cứu người. Từ nỗi trăn trở đó, không chỉ tự nguyện hiến máu cứu người lúc nguy cấp mà dược sĩ Thúc còn đề xuất với lãnh đạo bệnh viện và Hội Chữ thập đỏ tỉnh thành lập Ngân hàng Máu sống tại bệnh viện.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cũng là đơn vị đầu tiên của cả nước có Ngân hàng Máu sống. Những ngày đầu, Ngân hàng Máu sống có gần 70 thành viên, đều là các y, bác sĩ trong bệnh viện. Đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, ngân hàng đã quy tụ được gần 500 thành viên. Trung bình mỗi năm, Ngân hàng Máu sống Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận hơn 120 đơn vị máu, cứu sống kịp thời 30 trường hợp bệnh nhân nguy kịch.