Dược sĩ chỉ cách sử dụng kháng sinh đúng ở trẻ nhỏ

Sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách hay lạm dụng kháng sinh đang trở thành 1 trong 10 mối nguy hại lớn nhất cho sức khỏe trong thời hiện đại.

"Kháng sinh là loại thuốc cứu sống, nếu chúng ta tiếp tục sử dụng không phù hợp, chúng ta sẽ mất công cụ mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để chống lại các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng" - Đây là lời cảnh báo của Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật CDC Hoa Kỳ Tom Frieden, còn bạn, bạn có đang sử dụng kháng sinh đúng cách không?

1. Thuốc kháng sinh là gì?

Kháng sinh là loại thuốc nhằm kìm hãm hoặc tiêu diệt sự phát triển, sinh sôi của vi khuẩn. Chỉ khi nào trẻ bị bệnh do vi khuẩn mới có thể dùng kháng sinh để trị. Nếu trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn do siêu vi (virus), không có kháng sinh nào có thể trị được, chỉ có thể chờ hệ miễn dịch của cơ thể chống lại siêu vi đó.

Thuốc kháng sinh dùng để chữa các bệnh do vi khuẩn gây ra.

2. Kháng sinh trị bệnh gì?

Những bệnh lý sau đây có thể do vi khuẩn thông thường gây nên và được điều trị bằng kháng sinh:

20% viêm họng (do liên cầu khuẩn nhóm A, thường gặp ở trẻ 3-15 tuổi) với các biểu hiện như amidan sưng to, có mủ, thường không có ho và sổ mũi.
Một số trường hợp viêm phổi

Đối với các nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm tai giữa (nhiễm trùng tai), nhiễm trùng xoang có thể tự hồi phục sau vài ngày mà không cần sử dụng kháng sinh.

3. Kháng sinh KHÔNG trị được bệnh gì?

Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với những bệnh nhiễm khuẩn do siêu vi, chẳng hạn như:

Hầu hết các trường hợp sốt ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi
Cảm lạnh và sổ mũi, ngay cả khi trẻ có dịch nhầy đặc, màu vàng hoặc xanh
Hầu như tất cả những trường hợp viêm thanh quản, viêm phế quản hay viêm tiểu phế quản
Cúm
99% trường hợp ho
99% trường hợp bị ói và tiêu chảy
90% viêm họng

Đa số bệnh do siêu vi sẽ thuyên giảm và tự hết sau 2 tuần. Trẻ sẽ có triệu chứng ban đầu như sốt, ho, sổ mũi... và sau đó sẽ khỏi. Cha mẹ có thể sử dụng thuốc giảm triệu chứng hoặc một số biện pháp hỗ trợ để giảm khó chịu cho trẻ.

Trên thực tế, để xác định được tác nhân gây bệnh là do siêu vi hay do vi khuẩn, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và làm xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số bạch cầu. Nếu chỉ số bạch cầu bình thường, nhiều khả năng là do nhiễm siêu vi. Chỉ số bạch cầu tăng cao đột biến rất có thể trẻ bị nhiễm vi khuẩn. Từ đó sẽ kê thuốc kháng sinh cho trẻ.

4. Kháng sinh KHÔNG phòng được bội nhiễm

Nội dung

1. Thuốc kháng sinh là gì?
2. Kháng sinh trị bệnh gì?
3. Kháng sinh KHÔNG trị được bệnh gì?
4. Kháng sinh KHÔNG phòng được bội nhiễm
5. Sử dụng kháng sinh đúng cách
6. Tác dụng phụ của kháng sinh
7. Đề kháng kháng sinh nguy hiểm thế nào?

Bội nhiễm là tình trạng cơ thể bị nhiễm trùng thêm vi khuẩn khi đang bệnh do siêu vi với các biểu hiện trẻ ho nặng hơn, sốt nhiều hơn, có thể li bì, mệt mỏi, bỏ ăn. Lúc này, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và có thể sử dụng kháng sinh nếu trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đã được bác sĩ chẩn đoán.

Việc cho trẻ uống kháng sinh sớm hoàn toàn không có tác dụng phòng ngừa bội nhiễm, thậm chí còn làm tăng nguy cơ bội nhiễm cao hơn và khiến việc điều trị về sau phức tạp hơn.

Kháng sinh không phân biệt được vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Do đó, kháng sinh tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể, làm mất cân bằng hệ sinh thái, càng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển, khiến trẻ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hơn.

Trên thực tế, tỷ lệ trẻ bị bội nhiễm không cao. Đó là lý do vì sao không nên dùng kháng sinh sớm, chỉ khi có nhiễm vi khuẩn mới cần điều trị kháng sinh.

5. Sử dụng kháng sinh đúng cách

Khi trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đã được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn thuốc kháng sinh, cha mẹ cần lưu ý những điều sau đây để sử dụng kháng sinh cho trẻ an toàn và hiệu quả:

- Không nên ngừng uống kháng sinh giữa chừng: Khi cha mẹ thấy con khỏe lại thường tự cho con ngừng thuốc giữa chừng, không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Việc này vô hình trung khiến một số vi khuẩn còn sót lại sẽ sinh sôi nảy nở tiếp và làm triệu chứng quay trở lại, thậm chí vi khuẩn có thể đề kháng kháng sinh. Vì vậy, trẻ cần uống đủ liều kháng sinh để ức chế vi khuẩn hoàn toàn.

- Không tự ý dùng kháng sinh cho lần ốm sau của trẻ: Là một dược sĩ, tôi đã từng gặp trường hợp người mẹ mang theo đơn của bác sĩ từ đợt ốm trước để mua kháng sinh cho trẻ uống với lý do "lần này con tôi cũng có những biểu hiện y như lần đó". Có cùng biểu hiện không có nghĩa là lần trước và lần này trẻ đều nhiễm vi khuẩn, có thể lần này trẻ nhiễm siêu vi thì cũng có những biểu hiện như vậy. Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để biết trẻ có cần uống kháng sinh hay không.

Chỉ dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

6. Tác dụng phụ của kháng sinh

Kháng sinh không giúp phòng ngừa các biến chứng bội nhiễm như viêm hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa... Song việc cho trẻ uống kháng sinh có thể khiến trẻ gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc như phát ban, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốc phản vệ thậm chí tử vong.

7. Đề kháng kháng sinh nguy hiểm thế nào?

Lạm dụng kháng sinh (hay còn gọi sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách) khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ đề kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh là hiện tượng vi khuẩn có thể chống lại tác dụng của thuốc kháng sinh. Vi khuẩn đã biến đổi, làm giảm hoặc mất hiệu quả của thuốc kháng sinh. Điều này rất nguy hiểm và nó đã trở thành một trong những mối nguy hại lớn nhất đến sức khỏe con người.

Khi cần kháng sinh để trị bệnh thì nó không còn tác dụng. Vì vậy, người bệnh sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể tử vong. Có thể nói, đây là hậu quả tất yếu nếu chúng ta cứ tiếp tục lạm dụng và sử dụng kháng sinh không đúng cách như hiện nay.

Trong cuộc đua giữa nghiên cứu khoa học và vi khuẩn, con người luôn phải đuổi theo sự thay đổi tinh vi của vi khuẩn. Nếu không chủ động nâng cao nhận thức, thế hệ tương lai có thể gặp nguy hiểm trước khi những loại kháng sinh thế hệ mới được ra đời. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hiểu về việc sử dụng kháng sinh để chăm sóc con đúng cách và hiệu quả.

DS Ngô Thị Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//su-dung-thuoc-o-tre-em-duoc-si-chi-cach-su-dung-khang-sinh-dung-16921121210304846.htm