Dược sĩ khởi nghiệp với mô hình 'Nuôi thủy sản an toàn sinh học'

Với tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Võ Lê Hoàng Tuấn (sinh năm 1992), ấp 3, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Dược, anh Tuấn công tác tại một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Trong quá trình công tác cấp phát thuốc tại bệnh viện cho bệnh nhân, anh Tuấn phát hiện nhiều loại bệnh do thực phẩm không an toàn đưa vào cơ thể gây nên ngày càng nhiều.

Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh Tuấn nhận thấy hiện nay nhiều loại thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng, làm những việc giúp giữ gìn ngành Nông nghiệp, mang đến cho người tiêu dùng thực phẩm sạch.

Anh Tuấn bên ao nuôi cá chạch lấu, mô hình kinh tế xanh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Nhận thấy thổ nhưỡng tại địa phương phù hợp với nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, anh Tuấn định hướng tìm sản phẩm thiên hướng về dược liệu để khởi nghiệp. Đầu năm 2019, anh quyết định lựa chọn mô hình, phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản bản địa thông qua “Nuôi trồng thủy sản tuần hoàn an toàn sinh học” bảo vệ môi trường. Anh kết hợp 3 hình thức nuôi, trồng, gồm: Nuôi cá chạch lấu, trồng nha đam và nuôi trùn quế, trên diện tích 400 m2.

Anh Tuấn cho biết, trùn quế được anh dùng làm thức ăn cho cá chạch lấu, phân trùn quế dùng bón nha đam, nước nuôi cá chạch lấu tưới nha đam, khi thu hoạch nha đam thì lấy phế phẩm cho trùn quế ăn. Quy trình theo một vòng tuần hoàn, hướng dược liệu, với mục tiêu xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm đặc sản cá chạch lấu an toàn sinh học.

Anh Tuấn còn nuôi xen canh cá chép Koi khoảng từ 1,5 - 3 kg/con.

Anh Tuấn chia sẻ: "Lúc đầu gia đình ngăn cản, chỉ muốn tôi theo ngành Dược, nối nghiệp gia đình. Bởi gia đình tôi không ai theo nghề nông, chỉ sợ tôi không làm được. Nhưng với ý chí và quyết tâm cao của mình, tôi đã một mình tìm thuê đất và bắt đầu khởi nghiệp".

Thời gian đầu, do anh Tuấn chưa có kinh nghiệm nên mấy vụ nuôi cá chạch lấu đầu đều thất bại, cá nuôi chỉ được khoảng 4 tháng thì gặp lỗi kỹ thuật chết hết. Sau những lần thất bại đó cũng không làm anh Tuấn chùn bước. Anh chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ các trại cá do người quen giới thiệu. Hầu như các trại cá khắp các tỉnh miền Tây, anh đều đến để học tập. Ngoài ra, anh còn học hỏi kinh nghiệm từ những cô chú, anh chị đi trước, nghiên cứu thêm qua sách báo, Internet... về nuôi cá chạch lấu. Từ đó, anh Tuấn phân tích và ứng dụng vào thực tế nuôi cá chạch lấu của mình và đã đạt hiệu quả cao.

Theo anh Tuấn, khi đã hiểu kỹ thuật nuôi cá chạch lấu thì rất dễ. Mỗi ngày chỉ việc cho cá ăn 2 lần, sáng và chiều. Anh thiết kế ao nuôi có hệ thống oxy 24/24 giờ, lót bạt dưới đái ao để không có bùn, thiết kế chỗ trú ẩn cho cá vì loài này là loài chui rút rất khó xử lý khi gặp sự cố, có ao lắng xử lý nước; có quy trình xử lý nước vào, nước ra, tầm khoảng 3 - 5 ngày thay nước 1 lần, vệ sinh ao nuôi sạch sẽ. Ngoài ra, cần bổ sung vitamin C, men hỗ trợ tiêu hóa cho cá cùng với các vi sinh vật cải tạo môi trường nước.

Hiện tỷ lệ hao hụt trên vụ mỗi năm là không tới 10% trên số giống thả nuôi. Mỗi năm anh Tuấn thu hoạch 2 tấn cá chạch lấu thương phẩm, giá bán khoảng 250 ngàn đồng/kg; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 180 - 200 triệu đồng/2 tấn cá. Diện tích ao nuôi đã được anh Tuấn mở rộng lên 2.500 m2. Khi đã có kinh nghiệm, anh luôn sẵn sàng chia sẻ hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá chạch lấu cho các trại nuôi cá khác. Để lấy ngắn nuôi dài, anh Tuấn còn nuôi xen canh 1 tấn cá chép Koi, khoảng từ 1,5 - 3 kg/con, giá bán 350 ngàn đồng/kg, lợi nhuận 100 -150 triệu đồng/năm.

Anh Tuấn bên ao nuôi cá chép Koi.

Mô hình “Nuôi thủy sản tuần hoàn an toàn sinh học” của anh Tuấn là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngành Thủy sản trong tương lai phát triển bền vững, thích nghi và phòng, chống biến đổi khí hậu xâm ngập mặn, thân thiện môi trường và là tiền đề góp phần gia tăng giá trị sản phẩm thương phẩm thủy sản. Những sản phẩm thủy sản không chứa dư lượng kháng sinh cũng như tồn đọng các hóa chất độc hại trong sản phẩm, thực phẩm từ thủy sản, đáp ứng cho đối tượng người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản xanh - sạch.

Phó Bí thư Huyện đoàn Cai Lậy Mai Huy Mân cho biết: “Với trình độ chuyên môn là Dược sĩ đại học và có nhiều năm công tác gắn với chuyên môn được đào tạo, anh Tuấn đã tự tìm tòi, nghiên cứu kết hợp vận dụng kiến thức ngành Dược đã được đào tạo để phát triển mô hình “Nuôi thủy sản an toàn sinh học” với con cá chạch lấu, một loại cá hiện có giá trị kinh tế cao. Đây là mô hình kinh tế xanh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá và cũng là điểm sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của huyện Cai Lậy”.

LÝ OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202408/duoc-si-khoi-nghiep-voi-mo-hinh-nuoi-thuy-san-an-toan-sinh-hoc-1019531/