Được thưởng tiền khi sinh đủ 2 con: Chính sách chưa có tiền lệ

Hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước tuổi 35 là chính sách chưa có tiền lệ ở TPHCM. Việc này cho thấy nỗ lực rất lớn của thành phố trong việc cải thiện mức sinh nhưng vẫn chưa thấm vào đâu.

1001 lý do phớt lờ tiền thưởng

Kết hôn được 2 năm nhưng vợ chồng anh Ngọc Hoàng (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) vẫn chưa sinh con. Anh Hoàng là kỹ sư, làm việc trong một công ty cơ khí với mức lương 20 triệu đồng. Vợ anh là giáo viên tiểu học, lương hơn 10 triệu đồng. “Tổng thu nhập của vợ chồng hơn 30 triệu. Chi phí cho tiền trọ, ăn uống, xăng xe đã hết một nửa. Hằng tháng, tôi còn phải gửi tiền về quê biếu bố mẹ hai bên nên chỉ có dư khoảng 5 triệu đồng. Cưới nhau 2 năm nhưng vợ chồng tôi cũng không tích lũy được bao nhiêu” - anh Hoàng nói.

Gia đinh trẻ xin chữ ông đồ tại Công viên Văn hóa Đầm Sen dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Phạm Nguyễn

Gia đinh trẻ xin chữ ông đồ tại Công viên Văn hóa Đầm Sen dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Phạm Nguyễn

Anh Hoàng nhẩm tính, nếu có con, anh phải thuê một căn phòng rộng hơn và nhờ thêm bà ngoại vào chăm cháu. Trong khi đó, vợ anh sẽ bị giảm thu nhập vì nghỉ sinh. Chính điều đó khiến đôi vợ chồng trẻ chưa dám sinh con. “Tôi muốn làm thêm, tích góp 1 - 2 năm nữa rồi mới sinh vì chi phí nuôi con quá lớn” - anh Hoàng nói.

Nghe tin TPHCM hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước tuổi 35, chị Lệ (vợ anh Hoàng) nói: “Tôi tiêm một vài loại vắc - xin dịch vụ là đã hơn 3 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ ít ỏi này không thấm vào đâu trong điều kiện hiện nay nên tôi vẫn ráng cày vài năm nữa mới nghĩ đến chuyện sinh con” - chị Lệ bộc bạch.

Sản phụ sinh con tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM). Ảnh: Vân Sơn

Sản phụ sinh con tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM). Ảnh: Vân Sơn

Nhớ lại khoảnh khắc được bế đứa con đỏ hỏn trên tay, anh Thành Nhơn (33 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết đó là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời. Đến nay, con của anh 4 tuổi. Dù bị gia đình hai bên nội ngoại hối thúc sinh thêm nhưng vợ chồng anh Nhơn quyết định chỉ sinh một con. Anh nói, dù đã sinh sống ở TPHCM hơn 15 năm nhưng vợ chồng anh vẫn chưa thể an cư. Với tổng thu nhập cả hai vợ chồng chỉ khoảng 35 triệu đồng, anh Nhơn phải dành 25% thu nhập để lo tiền học, tiền sữa, quần áo và thuốc men cho con. Vun vén lắm, vợ chồng anh cũng chỉ tiết kiệm được vài triệu đồng mỗi tháng. Nếu thêm một đứa con, vợ chồng anh không còn để dành được đồng nào. Chưa kể, vợ anh có thể phải nghỉ việc một thời gian dài để chăm con nhỏ. “Với giá nhà ngày một tăng, ước mơ an cư dường như ngày càng xa tầm với của vợ chồng tôi. Nghĩ đến cảnh gia đình 4 người chen chúc trong căn phòng trọ hơn 10m2, tôi càng không muốn sinh thêm con. Mình chịu khổ quen rồi và không bao giờ muốn bọn trẻ khổ như mình. Vì vậy, tôi muốn tập trung vào một đứa con, nuôi dạy cho tốt dù làm cha mẹ với tôi là một niềm hạnh phúc khó đong đếm” - anh Nhơn bày tỏ.

HĐND TPHCM vừa thông qua nghị quyết hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước tuổi 35. Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng sống tại xã đảo được hỗ trợ thực hiện tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh với tổng số tiền là 2 triệu đồng. Các chính sách mới được đưa ra trong bối cảnh quy mô dân số thành phố tăng chậm, tổng tỷ suất sinh còn khá thấp (1,32 con/phụ nữ). TPHCM đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước.

Theo UBND TPHCM, căn cứ theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp tác động lớn đến cơ cấu dân số trong tương lai. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ đô thị hóa cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mức sinh thấp kéo dài để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Không chỉ cần tiền

Nếu an cư không phải là nỗi lo thì vấn đề tìm chỗ gửi trẻ và trục trặc trong công việc là những bài toán khó mà các vợ chồng trẻ phải giải quyết ổn thỏa khi quyết định đón thêm thành viên trong gia đình.

Sau 5 năm tích cóp, vợ chồng chị Thanh Hiền (28 tuổi, trú tại quận 8, TPHCM) đã mua được một căn hộ chung cư trả góp tại quận 8. Đầu năm mới, gia đình đón cùng lúc 2 tin vui: đầy tháng con và mừng tân gia. Niềm vui đón con đầu lòng chưa được bao lâu thì người mẹ trẻ luôn bị căng thẳng, lo âu. Chị Hiền mất mẹ từ sớm, còn bố đã lớn tuổi và có gia đình riêng nên chị không thể nhờ người nhà vào TPHCM chăm con giúp. Gia đình bên chồng quê ở miền Bắc cũng không thể vào giúp chị chăm con nhỏ. “Cả tháng nay tôi đăng tin tìm người giúp việc nhưng chưa tìm được người mà mình có thể tin tưởng. Tôi chưa biết vài tháng nữa phải làm thế nào. Nếu không tìm được người tin cậy, chắc tôi phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Lúc đó, áp lực kiếm tiền đè nặng lên chồng vì phải vừa lo trả góp tiền nhà, vừa lo cho hai cái tàu há mồm” - chị Hiền nói.

Trong khi đó, vợ chồng chị Ngọc Thanh (33 tuổi, ngụ quận Bình Tân) loay hoay tìm chỗ gửi con trẻ. Sống ở khu vực có dân nhập cư đông nhất TPHCM, chị Thanh biết có một số trường công lập ở TPHCM nhận giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi nhưng không thể chen chân vì số lượng có hạn và các trường chỉ ưu tiên cho những trường hợp có hộ khẩu thường trú thay vì tạm trú như vợ chồng chị.

“Vài tháng trước, tôi đành gửi con ở một nhóm trẻ tư thục với giá 4 triệu đồng/tháng để đi làm. Chi phí gửi con chiếm gần một nửa thu nhập hằng tháng của tôi. Những lúc con ốm, hai vợ chồng phải thay nhau ở nhà chăm sóc con nên công việc cũng không được như kỳ vọng” - chị Thanh bày tỏ.

“Trong lúc bạn bè có thể đến phòng gym, bơi lội, học piano hay thậm chí học thêm kỹ năng mới sau giờ làm thì tôi phải tất tả tới trường để kịp đón con. Về đến nhà, chưa kịp thay quần áo, tôi lao vào lo cơm nước, tắm con, ru con ngủ... 24 giờ mỗi ngày dường như là không đủ” - anh Thanh Tuấn (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) nói về hoàn cảnh của vợ chồng mình sau khi có con.

Anh Tuấn cho biết đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện, công việc theo dự án, không theo giờ hành chính. Do đó, anh khó cân bằng giữa công việc và gia đình. Chính điều này khiến vợ chồng anh nhiều lần bất hòa. “Tôi đang vào lúc sung sức nhất để tập trung phát triển sự nghiệp nhưng vì có con nên mọi thứ phải chậm lại một nhịp” - anh Tuấn chia sẻ.

Anh Nhàn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/duoc-thuong-tien-khi-sinh-du-2-con-chinh-sach-chua-co-tien-le-post1709834.tpo