Được tỷ phú Trần Bá Dương rót vốn, Chủ tịch Hùng Vương trải lòng về những khó khăn và tham vọng lãi gần 800 tỷ
Chủ tịch HĐQT của Hùng Vương (HVG), ông Dương Ngọc Minh đã có những trải lòng về những khó khăn của Hùng Vương từ tháng 6/2016 tới đây.
Bài học đắt giá do "cầm đèn chạy trước ô tô"
Theo ông Minh, mộ trong những nguyên nhân khiến Hùng Vương khó khăn là do tâm lý các ngân hàng thích doanh nghiệp ngoại hơn các doanh nghiệp nội. Ngân hàng có niềm tin vào các công ty làm nông nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài hơn là các doanh nghiệp trong nước.
“Khi có dịp tiếp xúc với lãnh đạo ngân hàng lớn, tôi nhận thấy rằng, họ ca ngợi mô hình một công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thức ăn lớn nhất Việt Nam và an tâm khi rót vốn.
Tuy nhiên, hạn chế của loại hình đầu tư này là họ chỉ dựa vào thương hiệu và người dân để làm kênh tín dụng. Người dân thì không có khả năng đầu tư những chuồng trại công nghệ hiện đại. Trong khi đó doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện đại thì chi phí đầu tư ban đầu cao” – ông phân tích.
Như trường hợp của Hùng Vương, với dự án tổng duyệt cấp tín dụng là 4.000 tỷ - được Chính phủ và Thống đốc ngân hàng ủng hộ - nhưng cuối cùng chỉ cấp được chưa tròn 800 tỷ trong khi đó công ty đã đầu tư 1.800 tỷ. Việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn đã làm cho công ty gặp khó khăn chồng chất.
Những lúc khó khăn thì ngân hàng lại không đồng hành cùng doanh nghiệp. Chỉ cần một ngân hàng dừng cho vay và chuyển nhóm thì hiệu ứng domino xảy ra đối với các ngân hàng còn lại. “Việc Hùng Vương đầu tư tiên phong vào nông nghiệp công nghệ cao 3 năm trước là một bài học đắt giá (ví như cầm đèn chạy trước ô tô)”.
Đồng thời, ngân hàng cho vay thì không thấy được hiệu quả lâu dài mà chỉ nhìn thấy đầu tư vào ngành nông nghiệp rủi ro cao. Nhà nước cũng chưa có những quan tâm đúng mức đối với ngành nông nghiệp.
Tham vọng có lãi gần 800 tỷ đồng niên độ 2020 có thành "bánh vẽ"?
“Trước tình hình ngặt nghèo của Hùng Vương, tôi đã chủ động tìm đến gặp ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) và đề nghị cùng hợp tác, tiếp tục đầu tư hoàn thiện những mảnh ghép còn dở dang mà Hùng Vương đã xây dựng trong hai thập niên qua”.
Sau thương vụ này, ông Minh cho rằng trong thời gian tới sẽ tạo nên một Hùng Vương phát triển vượt bậc trong lĩnh vực nuôi trồng chế biến thủy sản, cũng như lĩnh vực chăn nuôi.
Từ đó, Hùng Vương đặt mục tiêu niên độ 2020 doanh thu đạt tới 12.524 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tham vọng tới 790 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng chế biến cá chiếm phân nửa với 6.292 tỷ đồng và lợi nhuận 315 tỷ đồng. Tiếp đến là mảng thức ăn thủy sản doanh thu 3.500 tỷ, lợi nhuận 254 tỷ. Thức ăn chăn nuôi doanh thu đóng góp 1.500 tỷ nhưng lợi nhuận mang về chỉ 75 tỷ đồng. Ngoài ra, mảng chế biến tôm ghi nhận 692 tỷ doanh thu và vỏn vẹn 8 tỷ lợi nhuận…
Kế hoạch này của Hùng Vương trở nên quá tham vọng khi vừa báo lỗ sau kiểm toán tới 1.075 tỷ đồng của niên độ 2019, nâng lỗ lũy kế lên gần 1.500 tỷ đồng.
Vì sao bỗng nhiên lỗ thêm hơn 600 tỷ đồng sau kiểm toán?
Theo giải trình của Hùng Vương, sau kiểm toán lỗ thêm 627 tỷ đồng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Cụ thể, doanh thu thuần tăng gần 155 tỷ đồng, giá vốn cũng tăng thêm 236 tỷ đồng chủ yếu do giảm loại trừ doanh thu và giá vốn hàng bán từ các giao dịch trong nội bộ Tập đoàn chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tài chính hợp nhất tự lập với số tiền là 140 tỷ đồng. Ngoài ra, giá vốn tăng cũng do ảnh hưởng từ việc xử lý hàng tồn kho.
Ngoài ra, chi phí tài chính tăng thêm 54 tỷ đồng chủ yếu do trích lập thêm chi phí lãi vay.
Cộng thêm lỗ từ các công ty liên doanh liên kết thêm gần 23 tỷ đồng do ghi nhận tăng các khoản lỗ theo tỷ lệ sở hữu ở các công ty liên doanh, liên kết và chênh lệch lợi nhuận chưa thực hiện.
Chi phía bán hàng cũng tăng 83 tỷ đồng chủ yếu do ghi nhận thêm chi phí vận chuyển, xếp dỡ hàng xuất khẩu tại Hùng Vương với số tiền 84 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 249 tỷ đồng do trích lập bổ sung nợ phải thu khó đòi các đối tượng trong và ngoài nước là 140 tỷ đồng, trích lập bổ sung cho các khoản ứng trước 87 tỷ đồng.
Chi phí khác tăng 82 tỷ đồng chủ yếu do xử lý nguyên vật liệu hư hỏng, kém phẩm chất tại Hùng Vương với số tiền 73,5 tỷ đồng và chi phí phạt chậm thanh toán tại Công ty TNHH Giống chăn nuôi Bình Định với số tiền gần 8 tỷ đồng.
Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại tăng 42 tỷ đồng chủ yếu là do xóa sổ tài sản thuế thu nhập hoãn lại của khoản lỗ thuế không đủ điều kiện ghi nhận tại Hùng Vương với số tiền 40 tỷ đồng.