Được và mất của các tỷ phú năm 2023
Năm 2023 tuy là năm khó khăn nhưng không lấy làm bi quan đối với giới giàu có, bởi khối tài sản của họ vẫn không ngừng tăng lên.
Tỷ phú công nghệ vẫn là nhất
Một lần nữa, tài sản của các tỷ phú trên toàn cầu có thể leo dốc tích cực nhờ động lực là đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ - vốn đã ghi nhận kỷ lục mới năm 2023, bất chấp lo sợ suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát dai dẳng, môi trường lãi suất cao và các biến động địa chính trị phức tạp.
Các tỷ phú công nghệ chứng kiến tài sản của mình tăng 48% (tương đương 658 tỷ USD) chủ yếu bởi sự hưng phấn của thị trường xung quanh câu chuyện trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong số này, không ai vượt qua được Elon Musk - người vừa giành vị trí người giàu nhất hành tinh từ tay tỷ phú Pháp, ông trùm ngành hàng xa xỉ Bernard Arnault. Khối tài sản của CEO Tesla tăng thêm 95,4 tỷ USD trong năm 2023, chủ yếu nhờ sự thành công của Tesla và SpaceX. Cổ phiếu hãng xe điện Tesla đã tăng hơn 100% trong năm qua. Công ty hàng không vũ trụ SpaceX cũng được định giá tới 150 tỷ USD hồi tháng 7/2023, nhờ hàng chục vụ phóng tên lửa thành công trong năm.
Tính đến cuối năm 2023, Elon Musk sở hữu khối tài sản 227 tỷ USD, là tỷ phú giàu nhất hành tinh và giữ vị trí cách biệt so với những người xếp sau.
Vị tỷ phú người Pháp Bernard Arnault “ngậm ngùi” nhận vị trí thứ ba với tổng tài sản 175 tỷ USD khi hoạt động kinh doanh gặp một số lực cản, đó chính là nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xa xỉ đi xuống, tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh cũng như cổ phiếu của Tập đoàn LVMH.
Jeff Bezos, người sáng lập Amazon.com năm 2023 chứng kiến túi tiền tăng thêm hơn 70 tỷ USD, lên 178 tỷ USD, xếp ở vị trí thứ 2. Trong khi đó, CEO Meta Platforms, người sáng lập Meta (Facebook) Mark Zuckerberg cũng chứng kiến tài sản tăng hơn 80 tỷ USD năm 2023.
Nếu 2022 là một năm bi đát của nhiều ông lớn công nghệ thì năm 2023 chứng kiến sự trở lại ngoạn mục của nhóm này, với đà tăng tích cực của cổ phiếu công nghệ. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 42%, gần gấp đôi với mức tăng 23% của chỉ số S&P 500. Các bluechip như Apple, Microsoft, Alphabet (Google), Amazon, Nvidia, Tesla và Meta đều phục hồi ngoạn mục, giúp tài sản của các ông chủ đứng sau đó tăng vọt.
Điều này có thể nhận thấy rõ đối với trường hợp của Mark Zuckerberg. Năm 2022, giá cổ phiếu Meta lao dốc khi lợi nhuận đi xuống và Công ty tiến hành sa thải nhân sự quy mô lớn. Tuy nhiên, năm 2023, giá cổ phiếu Meta tăng khoảng 178% và vẫn đang duy trì xu hướng tăng, đóng góp chính cho sự gia tăng tài sản của ông chủ Facebook.
Một sự kiện đáng nhớ năm 2023 là việc Francoise Bettencourt Meyers trở thành người phụ nữ giàu nhất hành tinh, cũng là nữ tỷ phú đầu tiên có tài sản trên trăm tỷ USD. Francoise Bettencourt Meyers là người thừa kế đế chế mỹ phẩm Pháp L’Oreal - tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất thế giới, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Lancome và Maybelline, với doanh thu 38 tỷ euro (42 tỷ USD) năm 2022.
Đầu năm 2023, L'Oreal mua lại thương hiệu Aesop của Australia với giá 2,5 tỷ USD. Đây là thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) lớn nhất từ trước đến nay của hãng này. Kỷ lục trước đó là thương vụ mua YSL Beauté trị giá 1,7 tỷ USD vào năm 2008.
Khối tài sản của Francoise Bettencourt Meyers tăng 40% trong năm nay sau khi giá cổ phiếu L’Oreal tăng lên mức kỷ lục năm 2023.
Bà Bettencourt Meyers là người con duy nhất của nữ tỷ phú Liliane Bettencourt và là cháu ngoại của nhà sáng lập L'Oreál Eugène Schueller. Bà được thừa kế tài sản từ mẹ mình khi bà Liliane Bettencourt qua đời vào năm 2017.
Những cú đòn đau
Tất nhiên, không phải vị tỷ phú nào cũng có một năm 2023 dễ dàng. Năm vừa qua là quãng thời gian nhiều khó khăn đối với tỷ phú, nhà đầu tư tư Carl Icahn. Nổi tiếng với biệt danh “Sói già Phố Wall”, Carl Icahn là nhà đầu tư lão luyện, “tàn nhẫn” với các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nhiều tranh cãi, thích tận dụng kẽ hở quản trị để tấn công, “xé nhỏ” doanh nghiệp để bán và đầu cơ thu lời ngắn hạn, thay vì đầu tư dài hạn như Warren Buffett.
Những thương vụ đầu tư nổi tiếng của ông có thể kể đến những tên tuổi lớn như Trans World Airlines (TWA), RJR Nabisco cho đến Marvel, Lionsgate, Time Warner, Yahoo, eBay… Trong giai đoạn huy hoàng vào những năm 2000, Tập đoàn đầu tư Icahn Enterprises của ông đã tạo ra lợi nhuận lên tới 840% so với 250% của Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú huyền thoại Warren Buffett.
Tuy nhiên, tháng 5/2023, công ty nghiên cứu tài chính Hindenburg Research công bố một báo cáo mổ xẻ những sai phạm của Icahn Enterprises - tập đoàn chỉ có 2 nhà quản lý đầu tư duy nhất là Icahn và con trai là Brett Icahn. Cụ thể, Icahn đã mắc phải nhiều sai lầm khiến tập đoàn và các cổ đông thiệt hại lớn. Cổ phiếu của Icahn Enterprise đang ở mức giá cao hơn so với giá trị thực và tập đoàn sẽ không thể duy trì mức chi trả cổ tức hậu hĩnh khoảng 8 USD/cổ phiếu, vốn là một điểm cộng lớn trong mắt các nhà đầu tư.
Ngay sau khi báo cáo này được tung ra, chỉ số Bloomberg Billionaires cho thấy tài sản ròng của Carl Icahn đã giảm từ 25 tỷ USD xuống chỉ còn 10 tỷ USD. Cú sốc này tới vào thời điểm “sói già Phố Wall” đã hơn 87 tuổi và đang chuẩn bị “nghỉ hưu”. Đây cũng là đòn đau khi tỷ phú Carl Icahn bị đối thủ sử dụng chính phong cách đầu tư của mình để hạ bệ.
Một tỷ phú khác cũng chịu mất mát lớn năm 2023 là Masayoshi Son - người đã đưa SoftBank trở thành một trong những tập đoàn đầu tư hàng đầu thế giới. Năm 2023, hàng loạt sai lầm đang khiến danh tiếng cũng như khối tài sản của Masayoshi Son đi xuống. Khối tài sản của ông chỉ còn 11,4 tỷ USD sau năm 2023. Một trong những thương vụ khiến vị tỷ phú đầu tư này nhận chỉ trích nhiều nhất chính là việc mạnh tay đặt cược vào WeWork và chứng kiến start-up này sụp đổ.
Trước đó, năm 2019, Masayoshi Son và các lãnh đạo SoftBank, cũng như quỹ đầu tư Vision Fund đã định giá WeWork lên tới 47 tỷ USD - con số được các chuyên gia đánh giá là cao gấp 4 lần so với giá trị thực.
Từ một kỳ lân công nghệ (công ty khởi nghiệp với định giá trên 1 tỷ USD), giá cổ phiếu WeWork rơi xuống mức dưới 1 USD/cổ phiếu kể từ giữa tháng 3/2023. Tới thời điểm WeWork nộp đơn phá sản vào tháng 11/2023, cổ phiếu của công ty chỉ còn chưa tới 15 xu, khiến vốn hóa Công ty ở mức chưa tới 500 USD. Hiện WeWork đang có khoản nợ ròng dài hạn lên đến 2,9 tỷ USD tính đến cuối tháng 6/2023, cùng với hơn 13 tỷ USD tiền thuê bất động sản phải trả.
Theo đó, người buồn nhất có lẽ là Masayoshi Son và SoftBank, khi nhà đầu tư Nhật Bản đã đổ hàng tỷ USD vào WeWork mà công ty khởi nghiệp này chưa bao giờ có lãi. SoftBank ước tính thiệt hại khoảng 11,5 tỷ USD và khoản nợ 2,2 tỷ USD khác chưa được thanh toán.
Trường hợp của một vị tỷ phú khác lại rất “phức tạp” trong năm 2023, khi khối tài sản của ông tăng 25 tỷ USD nhưng bản thân lại vướng vòng lao lý. Theo Bloomberg, năm 2023, cựu CEO Binance, Changpeng Zhao hay CZ đã chứng kiến khối tài sản ròng tăng gần 25 tỷ USD.
Kể từ khi Bitcoin phục hồi hơn 160% sau sự sụp đổ của thị trường vào năm 2022, CZ đã vươn lên đứng đầu danh sách các tỷ phú tiền điện tử, trong đó có CEO Coinbase Global, Brian Armstrong...
Tài sản của nhà sáng lập Binance hiện ước tính đạt hơn 37 tỷ USD, chủ yếu đến từ cổ phần của ông tại Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Con số này vẫn còn kém xa so với mức đỉnh gần 97 tỷ USD vào đầu năm 2022, theo Bloomberg Billionaires Index.
Vào tháng 11/2023, CZ và Binance đã nhận tội vi phạm luật chống rửa tiền. Vị tỷ phú đã phải trả khoản tiền phạt 50 triệu USD, đồng thời từ chức CEO tại Binance. Điều này được xem như một thỏa thuận giúp vị tỷ phú tránh khỏi án tù kéo dài tới 10 năm. Số tài sản tăng thêm của CZ trong năm 2023 cao gấp 5 lần số tiền phạt 4,3 tỷ USD mà Binance đồng ý trả cho chính quyền Mỹ.
Hiện tại, CZ vẫn chưa thể rời Mỹ để trở về UAE trong thời gian chờ hầu tòa vào ngày 23/2/2024.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/duoc-va-mat-cua-cac-ty-phu-nam-2023-post339211.html