Được và mất khi lao động vùng cao ồ ạt rời bản làng
Mỗi năm, trên địa bàn các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Nghệ An có hàng chục nghìn lao động rời bản làng tìm việc làm. Nhờ nguồn thu nhập ổn định trong các nhà máy, xí nghiệp, bà con đã trở về quê hương xây dựng được nhà cửa kiên cố, mua sắm được nhiều tài sản giá trị. Tuy nhiên, khi bản làng chỉ còn người già, trẻ nhỏ cũng đang gây ra nhiều hệ lụy cho vùng đất biên giới. Giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo cân bằng nguồn lực lao động tại chỗ đang là bài toán khó cho các địa phương.
Bài 1: “Xuống núi” tìm lối thoát nghèo
Thiên nhiên khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, người dân vùng cao của tỉnh Nghệ An dẫu chăm chỉ lao động vẫn bị đói nghèo đeo bám. Rồi phần lớn những người khỏe mạnh trong các bản làng đều chọn cách ly hương đến những vùng đất mới tìm việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp để có nguồn thu nhập ổn định. Những người đi trước trở về tiếp tục dìu dắt người thân “xuống núi” rời quê tìm lối thoát khỏi đói nghèo.
Mang niềm vui về bản làng
Những năm trở lại đây, nhiều bản làng vùng cao cách trở thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong (tỉnh Nghệ An) đang có sự thay rõ rệt. Cùng với các quyết sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội ưu tiên đầu tư mở đường giao thông, bao phủ điện lưới, sóng điện thoại, người dân địa phương cũng vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong câu chuyện, bà Bùi Thị Lan, Phó Chủ tịch HĐND xã Mai Sơn, huyện Tương Dương chia sẻ: “Đến nay, tất cả các bản làng trong xã, kể cả những khu dân cư nằm sát biên giới Việt Nam – Lào đều có đường giao thông, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại di động. Những năm gần đây, tốc độ xây dựng, kiên cố hóa nhà cửa của người dân đang tăng rất nhanh. Có được điều đó là nhờ bà con ly hương đi làm ăn xa mang tiền trở về chăm lo cuộc sống gia đình, xây dựng quê hương”.
Chị Bùi Thị Lan là cán bộ ở dưới xuôi, được đào tạo bài bản, 20 năm về trước đã xung phong lên xã biên giới Mai Sơn nhận công tác. Thời điểm đó, xã biên giới này vẫn chưa có đường giao thông, từ trung tâm huyện phải đi thuyền gần một ngày ngược sông Nậm Nơn mới đến nơi. Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng cán bộ trẻ với tấm lòng nhân hậu luôn nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Như để chứng minh sự đổi thay của quê hương thứ hai của mình, nữ cán bộ xã đi xe máy dẫn chúng tôi lên bản biên giới Phà Kháo, nơi có 100% hộ dân đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Xe rồ ga vượt qua nhiều con dốc cao, chỉ khi ống xả nóng ran, khu dân cư sát biên giới mới hiện ra trước mắt. Nằm độc lập giữa rừng núi xa xôi, bản làng của đồng bào dân tộc Mông đã có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại bao phủ, đường bê tông nội bản sạch sẽ, nhà cửa được người dân xây dựng khang trang. Khi chúng tôi đến thăm, anh Già Bá Phia đang trao đổi để tổ thợ mộc hoàn thiện ngôi nhà gỗ khang trang. Trong câu chuyện vui, anh Phia cho biết: “Ngôi nhà của gia đình tôi được xây dựng trị giá khoảng 400 triệu đồng, số tiền trên do hai vợ chồng tích góp được sau gần 5 năm rời quê đi làm công nhân ở Bình Dương trở về. Trong bản cũng có nhiều ngôi nhà mới khác được làm nhờ đi làm ăn xa”.
Khi sương sớm còn bao phủ nơi biên giới, trong ngôi nhà mới khang trang, anh Lầu Bá Chò và chị Vừ Y Bi, bản Ca Trên, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn đã thức dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho các con đi học. Cặp vợ chồng trẻ là một trong rất nhiều gia đình ở vùng đất khó khăn xây dựng được nhà cửa khang trang và chăm lo cho việc học tập của con cái. Những thành quả có được đều nhờ sự tích lũy sau nhiều năm rời quê, làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Ngôi nhà của vợ chồng đồng bào dân tộc Mông có diện tích khoảng 90 mét vuông, với 2 phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh rất sạch sẽ.
“Sau nhiều năm gửi con cho ông bà chăm sóc để đi làm xa, vợ chồng tôi đã xây được nhà mới, mua được xe máy, ti vi. Bây giờ, sức khỏe của vợ tôi không tốt nên sẽ ở nhà chăm con, còn tôi tiếp tục đi làm để kiếm tiền nuôi cả nhà” - anh Chò cho biết.
Áp lực trên con đường thoát nghèo
Sau nhiều năm làm công nhân cạo mủ cao su cho một công ty ở tỉnh Đắk Lắk, cuộc sống của gia đình anh Xồng Bá Lù và chị Lầu Y Ca, bản Buộc Mú, xã Na Ngoi đã đỡ vất vả hơn nhiều. Đi làm xa, hằng tháng, hai vợ chồng anh chị đều chuyển tiền về nhờ ông bà chăm lo cho các con ăn uống, học tập đầy đủ. Trong thời gian nghỉ chờ qua mùa cao su rụng lá, họ đã về lại bản để thăm người thân và thuê thợ tu sửa căn nhà gỗ vốn đã xuống cấp. Nhiều anh em cùng dòng họ thấy vợ chồng anh Lù đi làm ăn xa có được thu nhập ổn định cũng ngỏ ý muốn được đi theo tìm cơ hội thoát nghèo. Có kinh nghiệm làm việc, anh Lù đã thuê người hàn dao cạo, lên rừng chặt một số thân gỗ có vỏ dày như loại cây cao su để hướng dẫn trực quan cho người thân. Dưới hiên nhà, người đàn ông dân tộc Mông buộc những thân gỗ có vỏ dày vào các cột trụ, miệng nói, tay làm cho những người xung quanh hiểu và học theo.
“Trước đây, khi mới vào Đắk Lắk tìm việc, tôi phải mất một thời gian dài học mới có thể hành nghề được, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập. Giờ mình có kinh nghiệm rồi, chỉ lại để anh em học, khi vào đến là có thể làm việc được luôn” - anh Lù giải thích.
Từ trước đến nay, vợ chồng anh Xồng Bá Xênh và chị Mùa Y Nênh (em họ của anh Lù), bản Buộc Mú chỉ bám bản làng chăn nuôi gia súc, trồng trọt. Nhờ chăm chỉ nên việc nuôi bò, trồng gừng cũng mang lại năng suất tốt, nhưng giá nông sản bấp bênh khiến cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Sau nhiều tính toán, họ quyết định giữa tháng 4/2024, sẽ đưa cô con gái Xồng Tuệ Nhi (7 tháng tuổi) cùng theo anh Lù vào Đắk Lắk xin làm công nhân cạo mủ cao su. Cả hai vợ chồng đều tranh thủ thời gian rảnh rỗi để học kỹ thuật cầm dao, rạch vỏ thân cây cao su.
“Anh chị mang theo con nhỏ, sao mà làm việc được?” - chúng tôi hỏi đôi vợ chồng trẻ. Người đàn ông đồng bào dân tộc Mông bình thản trả lời: “Phần lớn các gia đình rời bản làng để tìm công ăn việc làm thì cả vợ và chồng sẽ cùng đi. Còn con cái, đứa lớn tuổi đang đi học sẽ để ở quê nhờ ông bà, anh em dòng họ nuôi, cháu nào bé quá được bố mẹ đưa đến vùng đất mà mình sẽ làm việc. Những gia đình có con nhỏ sẽ góp tiền thuê thêm một người lớn ở cùng bản vào để giữ trẻ”.
Cũng qua câu chuyện, anh Lù chia sẻ rằng, để kiếm được đồng tiền nơi đất khách quê người, họ gặp phải muôn vàn khó khăn, áp lực. Từ thực tế đó, nhiều gia đình trong dòng họ, bản làng sẽ cùng đến một địa phương nhất định để tìm cơ hội việc làm, ở cùng một khu dân cư để có thể hỗ trợ nhau khi cần thiết. Cứ như thế, ở vùng đất lạ, họ nương tựa vào nhau chăm chỉ lao động mong có nguồn thu nhập ổn định gửi về những bản làng vốn còn nhiều khó khăn.