Dưới 'Bóng cây kơ - nia', nghĩ về nhà thơ Ngọc Anh và bài thơ cùng tên

Cũng chỉ cần một bài thơ 'Bóng cây kơ - nia' thôi, tên tuổi của nhà thơ Ngọc Anh sẽ mãi còn được người đời nhớ đến, nhất là đồng bào Tây Nguyên. Tính từ ngày ông nằm xuống mảnh đất Tây Nguyên (15 - 10 - 1965) đến nay đã suýt soát sáu mươi năm, một quãng thời gian không ngắn nhưng người đời vẫn không ngừng đọc thơ và hát 'Bóng cây kơ - nia'.

Tác giả Thu Hiền trên đường đến Kon Tum

Tác giả Thu Hiền trên đường đến Kon Tum

Núi rừng Tây Nguyên hẳn có nhiều loại cây gỗ quý nhưng loại cây được mọi người trên cả nước biết đến nhiều nhất có lẽ là cây kơ - nia. Cây kơ - nia, tôi nghe tên từ khi chưa được đặt chân lên đất Tây Nguyên. Ấy là ngày học cấp hai, tôi biết cây kơ - nia qua bài thơ của nhà thơ Ngọc Anh, hình như là ở lớp 8, môn Văn học, thời kỳ những năm tám mươi của thế kỷ trước.

Sau này lớn lên, tôi lại gặp cây kơ - nia qua bài hát “Bóng cây kơ - nia” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, phổ nhạc bài thơ cùng tên của nhà thơ Ngọc Anh, được phát đi phát lại trên các chương trình ca nhạc, được rất nhiều người hát trong các hội thi ca hát.

Từ bóng cây kơ - nia trong bài thơ, rồi đến bài hát mà tôi ao ước có một ngày được đặt chân đến Tây Nguyên để được tận mắt ngắm nhìn hình hài thân cành hoa lá của loại cây nổi tiếng trên khắp mọi miền toàn quốc ấy.

Thế rồi, lần thứ nhất đến thành phố ngàn hoa Đà Lạt, tôi hỏi thăm nhiều nhưng cũng chưa có duyên gặp gỡ. Phải đến lần thứ hai đến Kon Tum, Đắc Lắk, Buôn Ma Thuột, tôi mới có cơ may được chiêm ngưỡng loài cây cô đơn của vùng đất ba zan từng gây thương nhớ và làm thổn thức biết bao người ấy.

Không biết ngày trước, ở trên vùng đất đầy nắng đầy gió của xứ sở cồng chiêng, tượng gỗ, nhà mồ này cây kơ - nia nhiều đến mức nào nhưng bây giờ còn lại rất ít. Phải hỏi thăm nhiều lắm chúng tôi mới được ngắm nhìn vài cây hiếm hoi còn sót lại trong thành phố hoặc trên đường đi. Ngắm nhìn cây kơ - nia của vùng đất Tây Nguyên, tôi bỗng liên tưởng đến hình ảnh cây phong nằm trên ngọn đồi của làng Ku-ku-rêu mà nhà văn Ai-ma-tốp đã từng kể trong tập truyện “Giamilia - Truyện núi đồi và thảo nguyên”. Giống như hai cây phong là biểu tượng của làng Ku-ku-rêu, cây kơ - nia cũng là biểu tượng của Tây Nguyên.

Chúng tôi nhìn thấy cây kơ - nia cao đến hai chục mét; thân to, chắc, khỏe; tán cây xòe rộng như chiếc ô che nắng, lá màu xanh sẫm. Và nghe kể loại cây này có khả năng chịu được hạn, có rễ cọc cắm sâu vào trong lòng đất và có nhiều rễ tỏa ngang cho nên trời nắng hay gió bão, lốc xoáy thì cây vẫn cứ hiên ngang, sừng sững giữa trời đất. Còn nữa, sức sống của nó rất mạnh mẽ, ngay cả khi cây bị chặt rồi, nếu không bị nhổ rễ thì chồi cây lại nhú mầm lên và phát triển mạnh mẽ như thường.

Có lẽ vì thế mà người Tây Nguyên tin rằng cây kơ - nia là nơi trú ngụ của thần linh. Người già ở Tây Nguyên bảo rằng: thần rừng, thần đất, thần nước, thần sức khỏe, thần cai quản voi và vong linh người đã khuất hay chọn cây kơ nia để làm nơi ở. Bởi vậy thời xưa người Tây Nguyên rất tôn kính và không bao giờ xâm phạm, chặt phá cây kơ - nia.

Cây kơ - nia ở gần ngã sáu Buôn Ma Thuột

Cây kơ - nia ở gần ngã sáu Buôn Ma Thuột

Đứng dưới vòm lá và nghe kể về cây kơ - nia của núi rừng Tây Nguyên (một loài cây được nghe từ rất sớm và sau bao nhiêu năm ao ước nay mới được tận mắt trông thấy) như thế tôi không thể không nghĩ đến nhà thơ Ngọc Anh (họ tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Anh, sinh năm 1932, hy sinh năm 1965) và bài thơ “Bóng cây kơ - nia” nổi tiếng của ông:

Bóng cây kơ - nia
(Ngọc Anh)
Buổi sáng em làm rẫy
Thấy bóng cây kơ-nia
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ...

Buổi chiều mẹ lên rẫy
Thấy bóng cây kơ-nia
Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc...

Em hỏi cây kơ-nia:
- Gió mây thổi về đâu?
- Về phương mặt trời mọc,
Mẹ hỏi cây kơ-nia:
- Rễ mày uống nước đâu?
- Uống nước nguồn miền Bắc.

Con giun sống nhớ đất
Chim phí sống nhớ rừng
Em và mẹ nhớ anh
Uống nước nguồn miền Bắc
Như bóng cây kơ-nia
Như bóng cây kơ-nia.
(Theo “Thơ Việt Nam 1945 - 1985”,
Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 1987)

Nhà thơ Ngọc Anh không sinh ra ở Tây Nguyên (quê ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam) nhưng là người sống, chết trọn đời với Tây Nguyên (ông hy sinh dưới chân núi Ngọc Linh, thuộc vùng Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum).

Theo hồi ức của nhà văn Nguyên Ngọc, người “cùng là học sinh, cùng nhập ngũ một ngày, cùng làm lính, rồi cùng làm phóng viên mặt trận… lang thang trên khắp Tây Nguyên suốt thời kỳ đánh Pháp”, ta được biết nhà thơ Ngọc Anh chỉ có khoảng mười năm tập kết ra Bắc, sau Hiệp định Giơ - ne - vơ còn lại phần lớn thời gian ông sống trên địa bàn Tây Nguyên.

Thời gian mười năm không trực tiếp ở Tây Nguyên thì ông cũng lại dồn sức vào dịch thuật và nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên. Cụ thể nhà thơ Ngọc Anh đã cho công bố “Trường ca Đăm Di” (Nghiên cứu Văn học số 1, 2, 3 năm 1961), truyện cổ dân tộc Hơ - rê: “Chàng Ná” (Nghiên cứu Văn học số 6 - 1963), “Giới thiệu vài nét về truyền thống chiến đấu của thơ ca dân gian Tây Nguyên” (Tạp chí Văn hóa số 7 năm 1963), “Thần thoại Ê Đê” (Tạp chí Văn hóa số 4 năm1964), “Tinh thần dũng cảm của nhân dân Tây Nguyên qua một số trường ca và truyện cổ Tây Nguyên” (Tạp chí Văn hóa số 8 năm 1964)...

Đến năm 1964, từ Hà Nội, nhà thơ Ngọc Anh xin trở lại Tây Nguyên để tiếp tục chiến đấu.

Một năm sau, năm 1965, nhà thơ đã hy sinh khi mới vừa chớm sang tuổi ba mươi.

Có thể nói, ngoài các công trình nghiên cứu kể trên, sự nghiệp thi ca của nhà thơ Ngọc Anh không nhiều (do sớm hy sinh), chỉ có “chục bài” nhưng cũng đều là những sáng tác về Tây Nguyên và bài nào “cũng có nhiều câu thơ hay, mặc dù bài nào cũng kiệm lời, ngắn gọn, nhưng ẩn chứa những thi tứ sâu, thi cảm tốt, thi ảnh đẹp, thi ngữ đắc, thi điệu điêu luyện” (theo Tạ Văn Sỹ).

Trong đó tiêu biểu nhất là bài thơ “Bóng cây kơ - nia”. Bởi thế có thể thấy nhà thơ Ngọc Anh gần như đã sống dưới bóng cây kơ - nia và chết cũng dưới gốc cây kơ – nia như một duyên tiền định. Bài thơ “Bóng cây kơ - nia” được sáng tác vào khoảng năm 1957 - 1958 và được in lần đầu trong tập thơ “Tiếng hát miền Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 1959.

Kể từ khi ra đời, “Bóng cây kơ - nia” là một bài thơ đã làm nên tên tuổi của nhà thơ Ngọc Anh. Và ngược lại Ngọc Anh qua bài thơ “Bóng cây kơ - nia” cũng làm cho cả nước biết đến Tây Nguyên; hiểu được sự dũng cảm, kiên cường cũng như tấm lòng yêu nước, niềm tin sắt son, chung thủy của đồng bào Tây Nguyên với miền Bắc, với cách mạng trong kháng chiến. Trường hợp như thế này có thể xem là hiện tượng nhà thơ một bài (giống như trường hợp nhà thơ Vũ Đình Liên với bài thơ “Ông đồ”, nhà thơ Quang Dũng với bài “Tây Tiến” …).

Tôi nhớ thời cấp hai, khi học bài thơ “Bóng cây kơ - nia”, thấy sách giáo khoa có ghi cước chú là Anh Ngọc dịch, phỏng theo điệu Ka - choi của dân ca Hơ - rê. Gần đây nhiều người khẳng định (nhất là nhà văn Nguyên Ngọc) bài thơ này là sáng tác của nhà thơ Ngọc Anh: “Chính tôi, mãi về sau mới biết, chẳng phải “dịch” gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Hàng chục, hàng trăm bài. Bóng cây kơ-nia là hay nhất” (Nguyên Ngọc, “Tản mạn nhớ và quên”, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, trang 38). Và không chỉ có “Bóng cây kơ - nia”, tất cả các bài thơ của Ngọc Anh đều ghi là dịch, phỏng dịch hoặc sưu tầm. Lý giải cho việc làm này, tác giả của tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” cho rằng: Do nhà thơ Ngọc Anh khiêm tốn, cứ tự ẩn giấu mình đi.

Mặt khác, nhà thơ cũng muốn “đề cao thơ các dân tộc Tây Nguyên đang đánh Mỹ”. Có lẽ vì điều này mà đương thời ít người biết Ngọc Anh là một nhà thơ trẻ chuyên sáng tác về chủ đề Tây Nguyên. Chuyện dịch hay sáng tác giờ thì đã rõ nhưng vấn đề là sáng tác của cá nhân, nhất lại là của một người Kinh nhưng nói là dịch dân ca của một tộc người ở Tây Nguyên và được chính tộc người đó chấp nhận thì mới là điều kỳ lạ. Nói theo thời nay là hàng nhái, hàng giả (đồ fake) nhưng được mọi người coi là hàng thật, hàng chính hiệu. Và điều kỳ lạ ấy đã chính tỏ rằng bài thơ của Ngọc Anh đã thấm đẫm hồn Tây Nguyên, chất Hơ - rê. Điều này cho thấy tác giả của bài thơ phải là người cực kỳ am hiểu về văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt là tộc người Hơ - rê. Việc này với người không biết về nhà thơ thì có thể ngạc nhiên nhưng với những người gần gũi với Ngọc Anh thì không có gì khó hiểu.

Nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã có lần nói về điều này như sau: “Những năm tháng làm báo ở mặt trận, lăn lộn trên vùng đất Tây Nguyên, ông (nhà thơ Anh Ngọc) đã rất tinh tế hiểu ra nết đất nết người, thông thuộc đến từng tình cảm… cỏ cây”, “chúng tôi (nhà văn Nguyên Ngọc) hình như ít nhiều có “làm ra vẻ” Tây Nguyên, Ngọc Anh thì Tây Nguyên từ trong máu” (theo Nguyễn Nhã Tiên, "Tâm tình với Bóng cây kơ nia", Báo “Thanh niên” ngày 24 tháng 7 năm 2011). Vậy là chỉ cần một chi tiết (sự khiêm tốn của nhà thơ hoặc để đề cao thơ của đồng bào) nhưng đã nói được nhiều điều về tài năng, khổ luyện, nhân cách của nhà thơ; đặc biệt là chất dân gian Tây Nguyên trong hồn thơ của Ngọc Anh nói chung và bài thơ “Bóng cây kơ - nia” nói riêng.

Tác giả Phan Anh dưới bóng cây kơ - nia ở gần buôn Đôn

Tác giả Phan Anh dưới bóng cây kơ - nia ở gần buôn Đôn

Như trên đã nói, bài thơ “Bóng cây kơ - nia” mang đậm chất dân gian Tây Nguyên. Đọc bài thơ chúng ta dễ dàng nhận ra cái chất Tây Nguyên ấy thấm sâu vào trong cách cảm, cách nghĩ, cách nói của nhà thơ. Bởi thế mà khi bài thơ xuất hiện thì người Hơ - rê cũng mặc nhiên coi đó là sáng tác của dân tộc mình, không một mảy may nghi ngờ. Tuy bài thơ ngắn, rất kiệm chữ nhưng xét về mặt hình thức vẫn là một cấu trúc hoàn chỉnh (không thừa hoặc thiếu một chữ); xét về nội dung thì ý, tình đều trọn vẹn.

Nhìn tổng thể, bài thơ là thác lời một người vợ (người con gái đang yêu, người mẹ) Tây Nguyên có chồng (người con trai đang yêu, người con) tập kết ra Bắc. Nhân vật trung tâm của bài thơ là cây kơ - nia. Đây là một hình tượng nghệ thuật. Một biểu tượng về chàng trai Tây Nguyên đang tập kết ở miền Bắc. Điều thú vị là thoạt nhìn ta cứ ngỡ nhân vật này có mặt nhưng thực tế lại không có mặt. Tuy không có mặt nhưng lại có tác dụng chi phối mọi thứ, từ tình cảm đến hành động đối với những người ở lại (vợ/ người yêu/ người mẹ). Như đã nói, bài thơ từng được chính tác giả cước chú là phỏng dịch dân ca Hơ - rê cho nên tác phẩm có giàu tính nhạc cũng là điều dễ hiểu. Chất dân ca Tây Nguyên này vận động theo mạch cảm xúc của bài thơ.

Ở phần thứ nhất (hai khổ thơ đầu) kể về “em” và “mẹ” lên rẫy với giai điệu sâu lắng, trữ tình đầy thiết tha nhung nhớ.

Phần thứ hai (khổ thơ thứ ba) “em” và “mẹ” đối thoại với cây kơ - nia với giai điệu thôi thúc, dồn dập. Phần thứ ba (khổ thơ cuối) lời nhắn nhủ của “em” và “mẹ”, có giai điệu vang vọng, da diết làm lay động người đọc.

Trong phần thứ nhất của bài thơ, Ngọc Anh tái hiện lại cảnh sinh hoạt thường nhật của đồng bào ở trên rẫy. Hai khổ thơ gợi lên những khung cảnh thời gian, không gian và công việc rất cụ thể. Buổi sáng là “em” làm rẫy, buổi chiều là “mẹ” làm rẫy. Những buổi đi làm rẫy ấy thiếu bóng người trai. Người trai Tây Nguyên ấy đã đi tập kết ra miền Bắc. Bởi vậy lên rẫy nhìn cây kơ – nia vạm vỡ, to khỏe, lừng lững trên rẫy người ta không khỏi liên tưởng đến người chồng, người con đang ở phương Bắc xa xôi để không nguôi nhung nhớ.

Đọc hai khổ thơ, chú ý ta sẽ nhận ra nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật lặp cấu trúc ngữ pháp để thể hiện và nhấn mạnh tâm trạng nhớ nhung người đi xa của những người ở lại. Nhưng có lẽ hay nhất là nghệ thuật nhân hóa: “Bóng ngả che ngực em”, “Bóng tròn che lưng mẹ”. Buổi sáng, buổi chiều em, mẹ làm rẫy, bóng râm của cây kơ-nia che mát cho người “em”, người “mẹ”. Cây kơ – nia đã được nhà thơ nhân hóa như người chồng, người con đang che nắng cho vợ, cho mẹ. Hình ảnh ấy cũng gợi liên tưởng về sự khát khao nhung nhớ của người “em”, người mẹ. Xây dựng hình ảnh này nếu không phải là người am hiểu văn hóa Tây Nguyên chắc hẳn sẽ không xây dựng thành công những hình ảnh gợi cảm được như thế. Cái “ý toại ngôn ngoại” của thơ chính là ở chỗ này.

Hình ảnh cây kơ - nia che cho “em”, cho “mẹ” ấy vừa gợi tả phương mặt trời chiếu vừa gợi lên tình cảm nhung nhớ của từng đối tượng một. Với “em”: “Bóng ngả che ngực em/ Về nhớ anh không ngủ...” là biểu hiện của văn hóa phồn thực, gợi lên cái tình cảm nhớ nhung luyến ái vợ chồng. Với bà “mẹ”: “Bóng tròn che lưng mẹ/ Về nhớ anh mẹ khóc...” gợi lên nỗi nhớ của tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý.

Đến phần thứ hai của bài thơ là cuộc đối thoại trong trí tưởng tượng của hai nhân vật “em” và “mẹ” với cây kơ - nia. Trong phần này chúng ta thấy tác giả tiếp tục sử dụng nghệ thuật lặp cấu trúc ngữ pháp, có tác dụng như một điệp khúc để diễn tả cao trào cảm xúc. Cùng với đó là nghệ thuật “độc thoại nội tâm” và nhân hóa. Cây kơ - nia từ một thân thể thực vật trên rẫy đã được thổi hồn như một sinh thể người để trò chuyện với “em” và “mẹ”. Nhưng đó chỉ là hình thức. Trên thực tế trong bài thơ, người nêu câu hỏi cũng chính là người đưa ra câu trả lời. Đến đây, qua nghệ thuật “độc thoại nội tâm”, chúng ta thấy rõ những tâm trạng và suy nghĩ đang diễn ra trong hai nhân vật “em” và “mẹ”. Câu hỏi và câu trả lời đều là những hình ảnh nhân hóa - ẩn dụ để nhắc nhở nhau hướng về miền Bắc, hướng về phía cách mạng.

Vậy là đã rõ, khi cất lên tiếng thơ, tác giả muốn nhắn nhủ người nghe hãy tin tưởng và thủy chung với cách mạng cho dù hiện tại có khó khăn, vất vả đến nhường nào đi nữa. Và, lời nhắn nhủ sẽ được cụ thể hơn trong phần cuối bài thơ đầy da diết và lay động. Trong khổ thơ cuối này tác giả sử dụng nghệ thuật lặp cấu trúc, nhân hóa, so sánh để tạo dựng hình ảnh và diễn tả tấm lòng thủy chung son sắt với cách mạng của người Tây Nguyên.

Nhà thơ Ngọc Anh đã vận dụng cách nói bằng hình ảnh, ví von để phản ánh nét mộc mạc nhưng cũng đầy chất thơ của người Tây Nguyên. Tác giả đã mượn hình ảnh con giun nhớ đất, chim phí nhớ rừng để nói lên nỗi nhớ người chồng, người con nhưng cũng là để nhắc nhở nhau cùng nhớ về cách mạng. Con giun không có đất con giun sẽ chết. Chim phí đẹp đến mấy mà không có rừng thì cũng vô nghĩa. Cho nên “Em và mẹ nhớ anh/ Uống nước nguồn miền Bắc”. Lời nhắn nhủ thật ý nghĩa và nên thơ.

Đó là tình cảm của những người Tây Nguyên luôn hướng vọng về miền Bắc, về cách mạng. Đấy cũng là khát vọng, mong ước đất nước được thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà. Niềm tin ấy chắc chắn sẽ trở thành hiện thực: “Như bóng cây kơ-nia/ Như gió cây kơ-nia”. Cấu trúc thơ lặp lại và dùng hình ảnh so sánh là cây kơ - nia chính là cách để thể hiện niềm tin, nhấn mạnh khát vọng đất nước sớm được thống nhất. Mong ước ấy sẽ sớm trở thành hiện thực như chính sự bền bỉ, chắc chắn của cây kơ – nia. Nghệ thuật so sánh và nghệ thuật lặp cấu trúc ở cuối bài thơ đó đã diễn tả niềm tin phơi phới, tràn đầy lạc quan của đồng bào Tây Nguyên.

Cây kơ - nia, bài thơ “Bóng cây kơ - nia” và câu chuyện về tác giả của bài thơ thật ý nghĩa và không phải ai cũng biết. Một sự khiêm tốn, thậm chí là hy sinh nhưng đã để lại một bài học, một ý nghĩa vô cùng cao cả. Một lần nữa, sự lan tỏa của bài thơ đã cho thấy vai trò của người chiến sĩ văn hóa, của nhà văn; thấy được sức mạnh của văn chương trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Hiểu về câu chuyện của bài thơ như thế, tôi đồ rằng, tác giả bài thơ sẽ không bất ngờ khi biết rằng hai mươi câu thơ ngắn gọn của mình sẽ chỉ dừng lại trong vai trò là một bài thơ tình riêng của lứa đôi. Hơn thế, ông đã biết được nó sẽ là câu chuyện tình của cả một dân tộc, trong một thời kỳ “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Ngọc Anh muốn mượn câu chuyện tình riêng để truyền tải một ý nghĩa chung, lớn lao hơn. Đó là câu chuyện thủy chung với đất nước, với cách mạng. Nếu đúng vậy thì đây là thành công không chỉ của nhà thơ mà của cả một thời đại. Và cũng chỉ cần một bài thơ “Bóng cây kơ - nia” thôi, tên tuổi của nhà thơ Ngọc Anh sẽ mãi còn được người đời nhớ đến, nhất là đồng bào Tây Nguyên. Tính từ ngày ông nằm xuống mảnh đất Tây Nguyên (15 - 10 - 1965) đến nay đã suýt soát sáu mươi năm, một quãng thời gian không ngắn nhưng người đời vẫn không ngừng đọc thơ và hát “Bóng cây kơ - nia”. Có lẽ đây là một vinh dự không phải nhà thơ nào cũng có được. Như một nén tấm nhang chúng ta kể lại đôi điều trong bài viết để tưởng nhớ đến nhà thơ - liệt sĩ tài hoa của một thời hoa lửa.

Thu Hiền – Phan Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/duoi-bong-cay-ko-nia-nghi-ve-nha-tho-ngoc-anh-va-bai-tho-cung-ten-a26984.html