Dưới chân ngọn nến
Chiều nay, vừa đi làm về vợ tôi đã nói: cô Châu dạy Pháp văn cho thằng Bi nhà mình mất rồi. Tối nay anh làm phòng mạch xong sớm vợ chồng mình đến dự đám tang của cô nhé.
Tin cô Châu mất thật ra không quá đường đột với tôi. Trước đó một tuần, khi cô còn nằm tại lầu 9 của bệnh viện Chợ Rẫy, tôi và thằng Bi, đứa con trai độc nhất của vợ chồng tôi, đã đến thăm cô. Hôm ấy cô rất mệt vì căn bệnh ung thư vú đã hơn 10 năm qua, tái phát và có dấu hiệu di căn lên não.
Đang nằm quay mặt vào tường, ông Thành chồng cô nói cô vừa mới chợp mắt được khoảng 15 phút. Tuy nhiên, linh tính của những người sắp chết rất nhạy cảm. Chỉ cần nghe một vài tiếng động nhỏ, cô đã quay mặt ra phía ngoài đứa học trò cô quý nhất dù đi rất khẽ nhưng cô vẫn biết tụi nó đến thăm cô.
Mắt cô sáng lên, dù rất mệt cô vẫn gắng gượng ngồi dậy và nói bằng tiếng Pháp với tụi nhỏ: Tu va bien? Ca va et vous. Mercie très bien. Được nói tiếng Pháp với tụi nhỏ như là một ham muốn mãnh liệt của cô.
Ông Thành nói, hôm nay cô khỏe hơn hôm qua, sáng dậy rất sớm đòi ngồi dậy tập thể dục và ăn được một bát cháo lớn. Ánh mắt cô long lanh và ánh lên niềm hạnh phúc. Quay qua phía tôi cô nói: Bác sĩ biết không, hôm nay tôi rất khỏe và rất hạnh phúc, hơn 60 năm của cuộc đời chưa bao giờ tôi thấy khỏe và hạnh phúc như hôm nay.
Thôi chết rồi! Kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề thầy thuốc và đã săn sóc rất nhiều bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối, tôi biết chẳng bao lâu nữa thằng Bi nhà tôi sẽ không còn người uốn nắn cho nó từng câu văn phạm, từng tiếng phát âm.
Không còn người mà thỉnh thoảng vẫn dẫn tụi trẻ đi xe bus từ Chợ lớn ra tận Sài Gòn và đến một siêu thị nào đó để ăn Hamburger, uống Coca Cola là những thứ mà những đứa trẻ tuổi 13 - 14 rất thích.
Đấy là triệu chứng của sự hồi dương, giống như những ngọn nến trước khi tắt, nó thường tỏa sáng hơn soi rõ xung quanh và rồi đi vào cõi hư vô. Con người cũng vậy, trước khi vào cõi vĩnh hằng, mọi tâm trí và sức lực như được tích tụ và tỏa sáng.
Cô Châu học tiếng Pháp từ khi còn nhỏ, sinh ra trong một gia đình Tây học. Hàng ngày cha của cô đều nói chuyện với cô trong những bữa cơm khi mà buổi chiều đang xuống dần trong xóm nhỏ bằng thứ tiếng ngoại ngữ tuyệt vời ấy. Nhỏ nhẹ thánh thót, quý phái, với cô tiếng Pháp giống như nàng công chúa của tất cả mọi thứ ngôn ngữ.
Khi cha mất cô đã khóc rất nhiều trước mộ cha và hứa thầm sẽ mang thứ tiếng mà cha yêu thích ấy truyền bá cho những đứa trẻ học trò. Thế rồi năm tháng qua đi, cô theo nghề giáo lúc nào cũng không hay nữa. Lập gia đình trễ chỉ có một đứa con gái, tre già mà măng chưa mọc kịp.
Cô rất lo, tuy nhiên nỗi lo nhất của cô là ngay cả người chồng và đứa con cũng không hiểu cô, họ coi cô như là một người lập dị. Thật là vớ vẩn đang đói muốn chết mà suốt ngày cứ Tây với u.
Những năm sau giải phóng, đói kém và nghèo túng đã hạ cố đến thăm gia đình cô liên tục. Nhưng chỉ được nhìn thấy những đứa trẻ nhỏ ê a hát những bài hát tiếng Pháp là ánh mắt cô long lanh và tràn đầy hạnh phúc.
Khi tôi đứng dậy xin phép cho tụi trẻ ra về, cô nói bác sĩ nhớ cho thằng Bi lại chơi với tôi thường xuyên nhé, tôi rất nhớ chúng nó: “Ôi những đứa trẻ của tôi, chúng làm cuộc đời tôi thêm hạnh phúc”.
Ba ngày sau, ông Thành gọi điện thoại cho tôi nói chiều nay cho thằng Bi đến để cô dạy. Buổi chiều, vừa mổ xong bệnh nhân cuối cùng, tôi vội vã chở thằng Bi đến, cánh cổng nhà cô khép hờ, tôi không dám bước vào trong.
Tuy là bác sĩ nhưng tôi rất sợ tiếp xúc với người sắp chết. Một linh cảm nào đó vừa là kinh nghiệm vừa huyền bí, tôi biết họ sắp được thần chết đón đi, có lần tôi còn thấy cả bóng dáng của ông thần chết đang đứng bên cạnh họ nắm bàn tay to béo âu yếm chuẩn bị dắt họ đi.
Mỗi lần như vậy tôi muốn kêu to lên, không không được làm như vậy, nhưng như có một bàn tay nào đó bóp chặt lấy cuống họng không cho tôi la lên và cứ thế họ dắt bệnh nhân của tôi từ từ rời cõi tạm để đi đến một nơi xa vắng nào đó, nơi mà ai cũng phải đến. Lạnh lùng quá, bất lực quá, nên nhiều lúc tôi đã tự xỉ vả mình, có lúc muốn bỏ nghề nhưng cái nghiệp thầy thuốc cứ bám mãi vào tôi.
Bốn đứa trẻ ngồi cạnh cô trên chiếc divan kê giữa nhà, cô thều thào nói hôm nay cô mệt, các con đọc bài văn cô cho về làm tháng trước đi. Bài văn bằng tiếng Pháp tuy ngắn chỉ khoảng 600 từ, tả về một cậu bé đi lạc giữa rừng khuya, mưa gió trong một đêm đông lạnh lẽo.
Khi tìm được một căn nhà nhỏ bằng cỏ giữa rừng không có gì đề ăn, quá lạnh, cậu ngồi co ro chờ trời sáng, bỗng cậu nhớ ra trong túi quần còn một bao diêm nhỏ mẹ đưa cho hồi chiều. Trời tối các que diêm bị ướt gần hết, mò mẫm mãi cậu cũng tìm được một cây cuối cùng không bị ướt và đống lửa đã được đốt lên giữa rừng già, lúc này cạnh đống lửa không chỉ có cậu mà còn có rất nhiều những con thú rừng chúng cũng rất cần hơi ấm của ngọn lửa trong đêm đông giá rét.
Đợi thằng Bi đọc xong, cô nói với nó bằng tiếng Việt, con ạ khi mà con đang ở trong bóng đêm, ở cuối đường hầm con hãy cố gắng bật lên một que diêm như cậu bé đã làm thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối. Que diêm đo sẽ đem lại hạnh phúc cho con và cho mọi người. Thằng bé quay đi và lặng lẽ chùi nước mắt.
Hai ngày sau cô mất, ông Thành nói cô đi rất nhẹ nhàng thanh thản, lúc 4 giờ sáng. Cô chết lành, hồi còn bé bà ngoại tôi thường nói với tôi: ai ở hiền sẽ chết lành con ơi. Đám ma cô kéo dài trong ba ngày, bạn bè học trò và gia đình đến đông đủ không ai khóc thành tiếng, họ chỉ tụ tập nhau ở chiếc bàn nhỏ đặt trước quan tài lặng lẽ cắn hạt dưa, uống nước trà và nhắc về những câu chuyện quá khứ. Chồng cô chẳng nói chẳng rằng, không ra vui mà cũng chẳng phải buồn.
Lặng lẽ tiếp khách, lặng lẽ lau chiếc bàn đầy bã hạt dưa và những vệt nước chè vàng úa. Cô bệnh lâu quá rồi, trước khi chết cô cũng đã quá mỏi mệt và họ, chồng cô con cô cũng đã quá mệt mỏi rồi. Những đêm trường thức trắng vì đau đớn, những đêm dài canh từng miếng ăn viên thuốc làm họ đã chai lì và coi việc ra đi vĩnh viễn của cô là chuyện phải đến.
So với họ, cô vẫn là người hạnh phúc nhất vì dù đau đớn, dù tuyệt vọng cô vẫn tìm thấy niềm vui bên những đứa trẻ con nhà thiên hạ, vẫn được la rầy và mong ước về một tương lai tốt đẹp của chúng như những người mẹ. Với cô chúng chính là những đốm lửa cuối đường hầm được tỏa sáng bởi que diêm mà cô vừa mới bật. Cô lặng lẽ sống, lặng lẽ yêu những đứa trẻ, lặng lẽ chờ đợi một đốm lửa cho mình.
Bảy ngày sau, lũ trẻ con lại xúm xít trước bàn thờ cô. Chúng không biết nói gì với ông chủ nhà cả vì ở lứa tuổi này chúng đâu có hiểu hết về sự ra đi vĩnh viễn của con người. Ngoài trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, mưa to quá bọn trẻ không về nhà được, bố mẹ chúng cũng chưa kịp đến đón. Căn nhà càng trở nên buồn tẻ, gió và lạnh len vào từng góc nhà.
Thằng Bi mang bài Pháp văn ra tranh thủ đọc, ngày mai có hai giờ làm bài kiểm tra. Một lúc sau tiếng trẻ con lại xôn xao khắp căn phòng bé nhỏ. Những đứa trẻ tự hỏi và tự trả lời nhau bằng tiếng Pháp như những buổi học còn có cô Châu. Lại cúp điện, dạo này ông nhà đèn hay cúp điện khi mưa to đề phòng cháy và chập điện, một biện pháp hay, một sáng kiến có một không hai và chỉ có ở xứ này.
Gió thổi mạnh, hai cây nến trên bàn thờ vụt tắt, bóng đêm lại tràn đầy căn phòng bé nhỏ, gương mặt cô trên tấm ảnh thờ tối sầm lại. Lục lọi mãi trong góc tủ ông Thành mới tìm hộp quẹt diêm nằm khuất trong góc, số mệnh run rủi thế nào mà hộp quẹt còn đúng một que diêm như trong câu chuyện mà cô Châu đã kể cho thằng Bi.
Ánh sáng lóe lên, hai cây nến lại lung linh tỏa sáng. Nhưng nó chỉ sáng ra xung quanh cho những đứa trẻ học bài còn phía dưới nó bóng đêm vẫn bao trùm và khoảng không gian vẫn tĩnh lặng.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/truyen-ngan-duoi-chan-ngon-nen-346729.html