Tăng đường huyết và những triệu chứng dễ nhận biết

Chỉ số đường huyết không ổn định, quá thấp hay quá cao đều có thể gây ra những ảnh hưởng xấu với sức khỏe của người bệnh. Trong trường hợp đường huyết cao vượt mức, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm tới các bộ phận trong cơ thể.

Rối loạn ý thức do tăng đường huyết

Trên thực tế ghi nhận tại phòng khám có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức do tăng đường huyết cấp tính. Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.V.T 45 tuổi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng trong tình trạng nguy kịch, mức đường huyết tăng đột biến, biểu hiện cử động không kiểm soát, kích động mạnh, lơ mơ và mất ý thức.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện bệnh nhân T. cảm thấy lú lẫn không rõ nguyên nhân. Tình trạng kích thích, vật vã và mất ý thức xảy ra đột ngột. Do không thường xuyên đi khám sức khỏe nên anh T. không hề biết mình bị đái tháo đường. Lúc đầu bệnh nhân nghĩ rằng chỉ bị cảm cúm nên không đi khám, trong 3 ngày liên tục ở nhà bệnh nhân có biểu hiện nôn mửa, chóng mặt, khát nước và không thể ăn uống.

Sau khi nhập viện và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị kích thích vật vã do đường huyết lên tới 48 mmol/L, kèm theo rối loạn đông máu nặng. Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn ý thức do tăng đường huyết cấp tính và tiến hành điều trị tích cực.

Đến ngày thứ 3 sau điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, dần ổn định và sau một tuần tình trạng rối loạn ý thức đã hoàn toàn biến mất. Bệnh nhân hồi phục tốt và trở về trạng thái bình thường.

Tăng đường huyết cấp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp sớm.

Tăng đường huyết cấp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp sớm.

Biểu hiện của tăng đường huyết

Cần phải kiểm tra đường huyết thường xuyên nếu bị tiểu đường. Nhờ đó sẽ biết khi nào lượng đường huyết cao hơn so với mức cho phép.

Tình trạng tăng đường huyết thường không có biểu hiện rõ ràng cho đến khi chỉ số đường huyết tăng đáng kể, cao hơn 200 mg/dL hoặc 11 mmol/L. Tuy nhiên, những dấu hiệu có thể gặp phải bao gồm: Thường xuyên đi tiểu, khát nước nhiều, mờ mắt, mệt mỏi, nhức đầu. Nếu không được can thiệp những dấu hiệu cảnh báo trên, bệnh sẽ dẫn đến biến chứng nhiễm toan xeton, nghĩa là sự tích tụ các độc tố - xeton – trong máu và nước tiểu.

Những triệu chứng của nhiễm toan xeton bao gồm: Hơi thở có mùi trái cây, buồn nôn, ói mửa, khó thở, khô miệng, suy nhược, đau bụng, lú lẫn, hôn mê, thậm chí là tử vong.

Tăng đường huyết cấp có thể gây nguy hiểm nếu không được can thiệp sớm

Tăng đường huyết hay còn gọi là đường huyết cao, xảy ra khi lượng Insulin trong cơ thể không thể cân bằng được lượng glucose (đường) trong máu. Thông thường tình trạng này là do cơ thể thiếu Insulin hoặc không sử dụng Insulin hiệu quả.

Khi bị bệnh đái tháo đường thì lượng đường trong máu sẽ tăng lên nếu không điều trị đúng cách, chẳng hạn như không theo chế độ ăn uống hợp lý và bỏ uống thuốc theo đơn của bác sĩ.

Nếu không được điều trị thì tăng đường huyết dai dẳng có thể dẫn đến những biến chứng ở một số bộ phận cơ thể. Nếu lượng đường trong máu quá cao và tích tụ lâu thì các biến chứng sẽ nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu bị đái tháo đường trong một thời gian dài, có thể sẽ không thấy bất kỳ triệu chứng nào dù lượng đường trong máu tăng lên.

Tăng đường huyết cấp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp sớm. Vì vậy, người bệnh cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là với những người có nguy cơ cao mắc tiểu đường. Đặc biệt khi có các triệu chứng như nôn mửa kéo dài, đi tiểu liên tục, chóng mặt, nhìn mờ đột ngột, khó thở, nhịp tim nhanh, khát nước và mệt mỏi… thì cần đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS Nguyễn Thị Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-duong-huyet-va-nhung-trieu-chung-de-nhan-biet-169241113082206241.htm