Dưới chân núi Ngải Thầu
Đồn BP Nà Hỳ ngay dưới chân núi Ngải Thầu. Theo nghĩa tiếng Mông, Ngải Thầu là chân tảng đá, Nà Bủng là ruộng sâu róm, còn Nà Hỳ là ruộng to, ruộng dài. Dãy Ngải Thầu cao 1.500m so với mặt nước biển. Nhìn trên bản đồ, điểm nhô ra xa nhất trên đường biên tiếp giáp nước bạn Lào của tỉnh Điện Biên, ấy là vùng Ngải Thầu. Ở đó, có những người lính ngày đêm 'tất cả cùng' với dân chỉ có một mong muốn đem no ấm và bình yên đến mọi nhà. Một khát vọng cho ngày mai của đồng bào nơi đây.
Mây mù chắn lối
Đường vào khu vực dãy Ngải Thầu gian nan không kém gì một thời “đường lên Tây Bắc vút xa mờ”. Từ Điện Biên, qua Mường Chà, đến ki lô mét 45 rẽ trái theo đường 45, con đường mới mở trên lưng lửng vách núi vào 40km nữa mới tới Nà Hỳ. Còn từ Nà Hỳ lên đến Nà Bủng thêm 30 km nữa. Khi chúng tôi hỏi đường về Nà Bủng, mấy người dân ở Nà Hỳ lắc đầu: Ối, mưa thế này không lên Nà Bủng được đâu. Muốn lên thì nhờ con trâu nó kéo cho mà lên. Khi chúng tôi vào đây, mặc dù đường đã được mở nhưng gặp ngày mưa, chiếc xe khách 14 chỗ phải cuốn quanh lốp những sợi dây xích như kiểu xe tăng để vào. Tuy đã phải làm như thế nhưng rút cuộc, chỉ đi được nửa quãng đường, chiếc xe cũng phải trả khách giữa đường rồi quay đầu tháo lui. Nghe dân nói, được mục sở thị chuyện đường đất, biết có cố cũng khó mà thực hiện được, đành ở lại Nà Hỳ.
Có lẽ vì xa, khuất nẻo và cái khó từ giao thông mà tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong khu vực cũng phức tạp. Đồn BP Nà Hỳ quản lý 2 xã Nà Hỳ và Nà Bủng, tổng số 31 bản với 1890 hộ/11.121 khẩu, có 5 dân tộc Kinh, Thái, Dao, Khơ Mú và Mông, trong đó dân tộc Mông chiếm tới 70%. Cũng vì Nà Hỳ, Nà Bủng gần như là điểm nhô ra xa nhất trên đường biên giới của tỉnh Điện Biên nên tình trạng người Mông di cư từ các nơi khác đến là rất cao. Và cũng vì hiện tượng di cư xảy ra, dù đã cố gắng nhưng tỷ lệ hộ nghèo của 2 xã vẫn chiếm tới 70%.
Đời sống khó khăn, thường kéo theo thất học. Lợi dụng vào nhận thức về pháp luật, quy chế biên giới còn hạn chế, lòng thật thà, tin người, sự thiếu hụt về thông tin của người dân, các đối tượng chống đối tuyên truyền lôi kéo, nhất là số đồng bào Mông di cư tự do theo đạo Vàng Chứ, một “thứ” đạo không chính thống, tự nghĩ ra, nhằm xây dựng lực lượng để thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”.
Với những người Mông di cư tự do, tài sản gần như là con số không. Đến nơi mới, đành lòng phải dựa vào anh em họ hàng và người chung dòng họ. Đây cũng chính là cơ hội để những đối tượng phản động lợi dụng tuyên truyền lôi kéo. Ban đầu là cho mượn đất để dựng nhà, làm nương kiếm cái ăn qua đận gian nan. Rồi cho mượn cái cuốc, cái cày, con dao, cái búa để làm lán, dựng lều. Người Mông vốn nặng nghĩa tình nên các đối tượng đã lợi dụng vào đó để tuyên truyền lôi kéo, thậm chí khống chế bắt các hộ di cư đến phải theo. Khi Đảng, Nhà nước hỗ trợ lương thực cho đồng bào, lợi dụng vào vị trí trùm trưởng đạo ở các bản, nếu ai theo đạo mới lập danh sách đề nghị. Thậm chí, các đối tượng đó còn dùng cả vũ khí nóng để đe dọa. Cụ Giàng Xè Páo, người ở xã Nà Bủng, vì không nghe tuyên truyền theo đạo, lợi dụng đêm tối, chúng đã bắn chết cụ để răn đe những người khác. Vì thế, một số người nhạt đạo, nhận ra đúng bản chất của chúng nhưng cũng không dám “dứt tình” với cái mà họ đã trót nghe, trót theo.
Bên cạnh đó, những đối tượng trên địa bàn còn lợi dụng vào địa hình phức tạp, tham gia vào các đường dây buôn bán vận chuyển ma túy, hàng quốc cấm, tàng trữ vũ khí. Trên địa bàn 2 xã đã có tới hơn 400 đối tượng trong diện quản lý nghiện hút. Không những thế, các đối tượng còn vượt biên sang bên kia biên giới, nơi hẻo lánh, khu vực giáp biên giới lén lút trồng cây thuốc phiện. Chỉ tính riêng số diện tích cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Nà Hỳ phát hiện, phá nhổ cũng đã lên tới hàng nghìn mét vuông. Các hiện tượng truyền đạo trái pháp luật, mua bán vận chuyển ma túy, tái trồng cây thuốc phiện, di cư tự do, trộm cắp tài sản trên địa bàn là “lớp mây mù” dày đặc che chắn sự phát triển của vùng đất Ngải Thầu.
Cho cả ngày mai
Trung tá Vũ Đức Lâm, người mà có lẽ từng mô đá, gốc cây trong 2 xã Nà Hỳ và Nà Bủng đều có thể kể rõ. Hiện nay, Vũ Đức Lâm đã nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tác chiến BĐBP tỉnh Điện Biên, song câu chuyện về những ngày anh giữ cương vị Đồn trưởng Đồn BP Nà Hỳ trực tiếp lăn lộn cùng cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn vẫn được mọi người kể lại. Ngay từ ngày về nhận nhiệm vụ, nguyên Đồn trưởng Vũ Đức Lâm đã cùng anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị quyết làm sạch địa bàn để giữ yên thôn bản. Bởi, chỉ có yên ổn thì mới có thể triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề trọng tâm đó là phải ngăn chặn và xóa sạch các tụ điểm buôn bán vận chuyển ma túy và trồng cây thuốc phiện. Đây chính là vấn đề nhức nhối phức tạp của địa bàn.
Sau khi nắm tình hình địa bàn, Vũ Đức Lâm cùng anh em bắt tay vào công việc. Hôm đó, đúng vào ngày sinh nhật của Vũ Đức Lâm, nhận được tin báo có một số đối tượng lợi dụng vào lễ Nô-en, vượt biên giới mua bán, vận chuyển ma túy về địa bàn. Hội ý chớp nhoáng, Lâm cùng tổ công tác lên đường. Nhìn đồng hồ lúc này đã là 1 giờ đêm. Để bảo đảm yếu tố tuyệt đối bí mật bất ngờ, tổ công tác cắt rừng đi. Rừng rậm, núi cao, cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác phải vận dụng kinh nghiệm bằng cách sờ thân cây để xác định hướng. Có nhiều đoạn tổ công tác phải nhờ cảm giác để đi. Cứ lặng lẽ âm thầm như thế, đến 5 giờ sáng tổ công tác mới đến được địa điểm. Lúc này trời đã hửng sáng. Có tiếp tục thực hiện chuyên án hay phải để lại chờ dịp khác. Tổ công tác hội ý, xây dựng quyết tâm phải thực hiện và bắt được đối tượng để ngăn chặn. Tại điểm phục kích, tổ công tác phát hiện trong làn sương sớm có bóng người đi vào chiếc lán trông nương. Qua nhận định nhanh, tổ công tác nhận ra đó chính là đối tượng Thùng Văn Inh.
Thùng Văn Inh, chính là đối tượng cầm đầu trong đường dây mua bán, vận chuyển ma túy. Thời cơ để bắt quả tang đối tượng đã đến. Tổ công tác do Vũ Đức Lâm áp sát mục tiêu. “Thùng Văn Inh to, khỏe, nặng tới hơn 90 kg – Vũ Đức Lâm kể - 2 trinh sát ập vào bắt, quật ngã Thùng Văn Inh nhưng vẫn không khống chế được. Mặc dù bị quật ngã, trinh sát đã ngồi lên người nhưng Thùng Văn Inh vẫn lồm cồm bò, bỏ chạy. Thấy nguy hiểm, Vũ Đức Lâm lao vào cùng trinh sát khống chế. Chỉ đến khi còng số 8 đã bập vào tay, Inh mới chịu khuất phục”. Tại chỗ tổ công tác bắt được 3 đối tượng, thu 1,5 bánh hê-rô-in, 1kg thuốc phiện. Đường dây mua bán vận chuyển ma túy do Thùng Văn Inh cầm đầu bị chặt đứt. Các đối tượng trong đường dây bị bóc gỡ. Tình hình buôn bán vận chuyển ma túy có chiều hướng lắng xuống, an ninh địa bàn từng bước được khôi phục trở lại ổn định.
Hoạt động mua bán vận chuyển ma túy tạm lắng, tình hình địa bàn lại nổi lên hiện tượng một số đối tượng lợi dụng vào “cái gọi là” người của Vàng Chứ để lôi kéo tụ tập đông người thành lập “Nhà nước của người Mông”. Vì trình độ dân trí của người dân còn nhiều hạn chế, nhận thức về các sự vật hiện tượng còn chưa thấu đáo. Để người dân hiểu được đúng bản chất của cái gọi là “đạo Vàng Chứ” ấy, cán bộ, chiến sĩ của đồn lại xuống bản để “tất cả đều cùng” nói cho dân nghe, làm cho dân biết. Không chỉ tuyên truyền cho dân nhận ra được các luận điệu lừa bịp của những “trùm đạo”, cán bộ, chiến sĩ còn phải biết hướng dẫn cho dân từ việc tháng mấy trồng cây gì cho đến mùa nào gieo hạt giống; từ làm thế nào chăm cây lúa cho năng suất cao đến nuôi con gà không cúm, bị dịch. Một ngày rồi hai ngày, một tháng rồi hai tháng, như giọt nước nhỏ trên khe, trên núi, cứ tích tụ lại, ngấm vào đất, tràn ra khe thành suối thành sông, người dân trực tiếp được nhìn thấy việc cán bộ, chiến sĩ đã làm, nhận ra chân giá trị đích thực của cuộc sống. Không ồn ào, trống giong cờ mở, người lính biên phòng Nà Hỳ cứ lặng lẽ như cái cây, bám vào lòng đất, bật rễ nảy mầm cùng người dân từng bước lấy lại sự bình yên cho vùng đất.
Trên nét mặt còn lộ rõ những vất vả vừa trải qua, sau khi “đánh vật” với con đường từ Nà Bủng về đồn, Chính trị viên phó Lầu A Tú góp chuyện: Còn nhiều việc phải làm lắm. Chưa xong đâu. Dân còn nghèo, cái ăn chưa đầy trong bếp, người di cư đến chưa dứt, nghiện hút chưa bị loại bỏ thì cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn phải vất vả. Bao giờ con đường vào Nà Hỳ, Nà Bủng trải được nhựa, cái đói cái nghèo không còn, người dân có kiến thức, biết làm giàu thì lúc đó mới ổn. Chất chứa trong mỗi câu anh nói là biết bao lo toan vì dân, cho dân. Người lính sẽ còn vất vả, người lính sẽ còn gian khổ và thậm chí sẽ phải đổ máu nếu như cái gốc của con người là cái ăn, cái mặc chưa đủ, kiến thức còn hạn chế, vẫn tự cung tự cấp là chính. Nghĩ là thế, lo là thế nhưng vẫn tin, một niềm tin về một ngày mai bình yên nơi đây. Như cái cây đã bén rễ, tấm lòng người lính dân đã hiểu, cái tâm người lính dân đã tỏ, như cái cây rồi sẽ đâm chồi nẩy lộc, từng ngày, từng ngày qua đi để thành rừng cho mai sau.
Phạm Thanh Khương
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/duoi-chan-nui-ngai-thau/