Dưới sức ép từ ông Trump, Greenland muốn sớm trưng cầu dân ý về việc độc lập

Greenland có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới, theo lời đảng cầm quyền.

Greenland dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 11-3. Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu lúc này là mối quan hệ giữa hòn đảo tự trị với vương quốc Đan Mạch và Mỹ.

Siumut, một trong hai đảng cầm quyền tại Greenland và hiện nắm khoảng 1/3 ghế trong cơ quan lập pháp, dự kiến ra tranh cử với lời hứa sớm tổ chức trưng cầu dân ý để tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch.

Chủ tịch đảng Siumut, một trong hai đảng cầm quyền của Greenland. Ảnh: DR.

Chủ tịch đảng Siumut, một trong hai đảng cầm quyền của Greenland. Ảnh: DR.

Theo ABC, phát ngôn viên của Siumut, bà Doris Jensen, nhấn mạnh rằng Greenland cần phải độc lập để có thể tự chủ trong các cuộc đàm phán về đường hướng tương lai.

Greenland từng là thuộc địa của Đan Mạch nhưng được trao quyền tự quyết lớn vào năm 1953. Dù vậy, Đan Mạch vẫn kiểm soát chính sách đối ngoại, quốc phòng và tài chính của hòn đảo. Nền kinh tế của hòn đảo phụ thuộc nhiều vào ngành đánh bắt cá và viện trợ tài chính từ Đan Mạch.

Trên đài truyền hình DR, lãnh đạo đảng Siumut, ông Erik Jensen, cũng bày tỏ kỳ vọng rằng cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập sẽ diễn ra "trong nhiệm kỳ khóa tới" nhưng chưa đưa ra khung thời gian cụ thể.

Tổng tuyển cử ở Greenland được tổ chức bốn năm một lần. Hiện tại, toàn bộ 5 đảng trong cơ quan lập pháp của hòn đảo đều phản đối ý tưởng Greenland trở thành một phần của Mỹ. Kết quả thăm dò dư luận được công bố vào tuần trước cũng cho thấy 85% người dân Greenland phản đối ý tưởng trên.

Trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục bày tỏ sự quan tâm đến hòn đảo giàu tài nguyên này. Vào tháng 1, con trai của tổng thống Mỹ, ông Donald Trump Jr., đã có chuyến thăm Greenland giữa lúc xuất hiện tin đồn về khả năng Washington tìm cách tiếp quản hòn đảo.

"Chúng tôi cần đảm bảo rằng người dân có đầy đủ thông tin để không ai phải nghi ngờ về những hệ lụy có thể xảy ra" - bà Doris Jensen nói. "Chúng tôi đang vận hành một xã hội phúc lợi, và còn nhiều vấn đề kinh tế cần xem xét".

Hiện tại, đảng Siumut đang giữ 10 ghế trong quốc hội gồm 31 thành viên của Greenland, trong khi đảng Naleraq – đảng lớn thứ ba – cũng bày tỏ mong muốn cắt đứt quan hệ với Đan Mạch ngay lập tức.

Những bình luận của chính quyền ông Trump về Greenland đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ.

"Chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm khi bị đem ra thảo luận như một món hàng để mua bán" - bà Naaja Nathanielsen, lãnh đạo cơ quan Thương mại, Kinh doanh và Tài nguyên Greenland, nói. "Điều quan trọng là chúng tôi phải nhấn mạnh rằng Greenland là thực thể riêng biệt, có chính quyền, cơ quan lập pháp và hệ thống luật pháp của riêng mình".

Bà Nathanielsen cũng nhấn mạnh nếu Mỹ thực sự có ý định dùng vũ lực để tiếp quản hòn đảo, Greenland sẽ không thể tự vệ.

"Chúng tôi là một hòn đảo nhỏ bé nhưng chúng tôi có quyền tự quyết. Tiếp tục thuộc Đan Mạch hay trở thành một quốc gia độc lập phải là quyết định của chính người Greenland" - bà nói.

Lạc Chi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/duoi-suc-ep-tu-ong-trump-greenland-muon-som-trung-cau-dan-y-ve-viec-doc-lap-196250207222835147.htm