Dưới tán rừng Chàng Riệc

'Rừng hát, gió lay trên cành biếc, lao xao, rì rào, dòng suối uốn quanh, làn nước trôi vòng quanh...', câu hát bay trên những tán rừng dọc theo đường biên giới Tây Ninh như điểm xuyết cho không gian xanh biếc của đại ngàn biên giới vừa hùng vĩ, vừa thân thương đến lạ.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Qua khỏi Đồn Biên phòng Xa Mát, đường đến Chàng Riệc xuyên qua những khoảng rừng già với nhiều cây cổ thụ hai, ba người ôm không xuể, tán che kín trời. Con đường xuyên rừng giống một dải mây chia thảm lá rừng thành hai trảng xanh nao lòng. Giữa nắng hè, muôn hoa rực rỡ khoe sắc thắm tươi, ríu ran muôn ngàn tiếng chim hót, ve ngâm và thảng đâu đó mơ hồ có tiếng róc rách của suối ngàn trong khu rừng thiên nhiên còn mang nét hoang sơ Lò Gò, Xa Mát.

“Rừng biên giới”, “Rừng anh hùng”, “Rừng chiến khu”, “Rừng in dấu chân người lính”, “Chiến khu R”..., có biết bao tên gọi được dành cho Chàng Riệc. Nằm ở khu vực biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, nơi đây trong những năm bom đạn, quân Mỹ đã ném xuống không biết bao nhiêu bom đạn và triển khai hàng trăm trận càn dữ dội. Nhờ thiên nhiên và nhân dân vùng biên che chở nên bộ đội hai nước luôn giữ vững thế trận trên toàn Nam Bộ và chiến trường Lào - Campuchia.

Vùng rừng này là sự giao hòa giữa các hệ sinh cảnh đặc trưng của rừng khộp Tây Nguyên, rừng tràm ngập nước của Tây Nam Bộ và rừng cây họ dầu của vùng Đông Nam Bộ. Nên điều kỳ thú là ở đó, ta có thể gặp rất nhiều cây cổ thụ cao vút có những cái tên quen quen mà vẫn kỳ lạ như cổ tích: vên vên, dầu nước, dầu cát, dầu song nàng, sao đen, sến mủ, giáng hương, bằng lăng, tung, trai, căm xe, gõ, cẩm lai, mặc nưa... Đặc biệt, rừng Chàng Riệc nhiều vô kể loại lá trung quân. Đó là loại lá thích hợp dùng lợp nhà, vừa mát, vừa bền và đẹp mắt, đồng thời không bị cháy lan khi hỏa hoạn nên được dùng để lợp nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo và các khu nhà hành chính, nhà hậu cần, hội trường...

Và cả miền rừng Chàng Riệc huyền ảo và tinh khôi ấy đã trở nên ấm áp và sôi động hơn bởi sự hiện diện của hàng trăm cựu chiến binh từng là cán bộ, chiến sĩ Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam. Những mái tóc nhuốm màu thời gian, những bàn tay không còn nắm chặt, đôi chân không còn vững bước... mấy mươi năm trước đây, với lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, các cô bác, anh chị đã sát cánh cùng với nhân dân địa phương và các lực lượng vũ trang miền Nam chiến đấu dũng cảm với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu”.

Chầm chậm trôi theo ký ức của những cựu chiến binh qua các khu lưu niệm, nhà truyền thống, trưng bày, khánh tiết, hệ thống phù điêu, tượng ngoài trời... tại Khu truyền thống An ninh vũ trang miền Nam. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” - dưới tán rừng ấy, có thể cảm nhận mỗi mái lá trung quân, mỗi tán rừng săng lẻ trên đất này đều ẩn chứa biết bao câu chuyện, bao huyền thoại của một thời công tác sôi nổi và chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Đoàn 180.

Suốt gần 20 năm, Ðoàn 180 luôn vững vàng bám trụ, hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực và du kích địa phương hình thành một vành đai đánh địch. Mặc cho mưa bom, bão đạn của kẻ thù, quyết tâm đánh bại hàng trăm trận càn lớn nhỏ và mọi âm mưu, thủ đoạn của Mỹ - ngụy để bảo vệ nhân dân, bảo vệ an toàn Trung ương Cục miền Nam. Họ, những chiến sĩ an ninh T4 năm ấy đã tham gia hơn 400 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương hơn 4.200 tên địch; bắn rơi, bắn cháy 29 máy bay, phá hủy 76 xe tăng và thu nhiều súng đạn, quân trang quân dụng.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Ðoàn 180 đã bảo vệ an toàn các đồng chí Trung ương vào chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch và tham gia mở hành lang cho chiến dịch, cùng các cánh quân khác tiến về giải phóng Sài Gòn. Sau ngày đại thắng 30/4/1975, Ðoàn được chuyển phiên hiệu thành Trung đoàn 180 Công an nhân dân vũ trang, tiếp tục tham gia chiến trường biên giới Tây Nam, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Lặng trong tiếng gió, tiếng chim là tiếng súng xa mờ, là tiếng quân đi rầm rập và cả tiếng cười của tuổi xuân hiến mình cho Tổ quốc. Miền rừng một thời từng là trung tâm đầu não của cuộc chiến tranh thần thánh của quân, dân ta chống ngoại xâm, giờ đây không chỉ là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống và hun đúc lòng yêu nước cho các thế hệ người dân đất Việt, mà còn là một miền sinh thái, lá phổi xanh của vùng Đông Nam Bộ, một miền biên cương bình yên, no ấm.

Ở đó, trong khói lửa chiến tranh, có những người lính quân hàm xanh can trường quả cảm, trong hòa bình, màu quân hàm ấy vẫn lấp lánh tươi lành như lá rừng Chàng Riệc, mang lại hòa bình, no ấm và đoàn kết nơi biên cương.

Tản văn: Ngân An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/duoi-tan-rung-chang-riec-post452637.html