Dưới tán rừng đang thức giấc
Chưa đầy một năm, hàng loạt loài động vật quý hiếm từng vắng bóng lần lượt xuất hiện ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum).

Vườn quốc gia Chư Mom Ray quản lý, bảo vệ 56.249ha rừng đặc dụng và hơn 4.000ha rừng sản xuất.
Từ linh trưởng, thú móng guốc đến các loài chim đặc hữu - tất cả đang dần trở lại với đại ngàn. Phía sau niềm vui ấy là hành trình bền bỉ, lặng thầm với những bước chân tuần tra không mỏi của nhân viên Trạm bảo vệ rừng Bar Gốc.
Những bước chân giữ rừng
Chúng tôi đến Trạm bảo vệ rừng Bar Gốc (Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Kon Tum) vào một chiều tháng 5 nắng như đổ lửa. Trạm Bar Gốc vắng hoe. Cảnh báo cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm đã kéo những nhân viên ra khỏi trạm để đi tuần tra khu vực rừng được giao quản lý.
Trở về sau buổi trực cháy, khuôn mặt chị Hoàng Thị Hà đen sạm đi, những giọt mồ hôi vẫn chưa ráo hẳn vẽ một đường thẳng dọc gò má. Chị Hà là nữ nhân viên duy nhất của Trạm bảo vệ rừng Bar Gốc. Ngày ngày chị vẫn đều đặn băng rừng, vượt suối để giữ cho cánh rừng ấy được yên bình.
Với chị, rừng không chỉ là nơi làm việc, rừng là cuộc sống, là nơi chị chọn gắn bó. Đến với Vườn quốc gia Chư Mom Ray từ năm 2018, chị làm việc tại Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn sinh vật. Vì thích đi rừng, thích khám phá thiên nhiên nên 3 năm trước chị đã xin chuyển về Trạm bảo vệ rừng Bar Gốc.
“Khi mới vào nghề, tôi vừa háo hức, vừa hoang mang. Cảnh vật trong rừng đẹp đến nao lòng. Nhưng chỉ chưa đầy nửa ngày đi bộ, tôi đã mệt lả, phải cố gắng lắm mới theo kịp anh em. Giờ thì quen rồi. Không vào rừng lại thấy thiếu vắng”, chị cười nói.
Mỗi chuyến tuần tra, chị Hà thường đi từ 15 - 20km, có khi gần 40km. Công việc của chị là tuần tra nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu vi phạm lâm luật, đẩy đuổi những nhóm người xâm nhập rừng không chính đáng, phát hiện tháo gỡ các loại bẫy thú, lắp đặt bẫy ảnh để giám sát hoạt động của thú rừng…
Đến nay sau cả ngàn ngày tuần tra rừng, chị không nhớ nổi mình đã đi được bao nhiêu km. Điều khiến chị hạnh phúc nhất là đã tháo gỡ hàng trăm loại bẫy thú để giữ bình yên cho rừng già.
Thân gái, lại lặn lội trong rừng nên chị Hà thường tranh thủ đi thật sớm để không phải ngủ lại trong rừng. Những hôm cần tuần tra ở điểm xa, chị thường rời trạm trước 5 giờ sáng và trở về trước khi trời tối.
“Mùa nào có cái khổ của mùa ấy, ví như mùa khô thì lo cháy rừng, mùa mưa thì ướt át khó chịu, đường khó đi trơn trượt, chưa kể mối lo từ rắn rết. Tôi là phụ nữ nên việc ngủ lại trong rừng rất bất tiện. Dù là mùa nào, có gặp phải mưa rừng thì tôi cũng cố gắng đi thật sớm để trở về trạm trước trời tối”, chị Hà cho biết.
Chồng chị Hà là lái xe đường dài, xa nhà biền biệt, ít có thời gian chăm lo cho tổ ấm, thỉnh thoảng mới về nhà. Hai đứa con của vợ chồng chị tuy còn nhỏ nhưng đã phải tự học cách bảo ban, chăm sóc nhau.
“Mẹ bám rừng, bố lái xe hay vắng nhà nên anh lớn học lớp 9 tự học cách nấu ăn, chăm em. Có khi chồng cũng hờn trách, nhưng biết sao được, công việc đã chọn rồi”, chị Hà tâm sự.
Với anh Nguyễn Bá Nam - nhân viên Trạm bảo vệ rừng Ya Lân: “Không đi là không biết. Có đoạn rừng sâu đến mức ánh sáng cũng khó len lỏi. Vất vả vậy, nhưng là để bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống, anh em đều cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.
Anh Nam là người lập kỷ lục của Vườn quốc gia Chư Mom Ray khi trong tháng 4/2024, anh đã đi gần 600km. Những chuyến tuần tra xuyên rừng trong nhiều ngày, hành trang là gạo, cá khô, mì gói và chiếc võng mắc tạm giữa rừng già.
“Có những chuyến tuần tra kéo dài trong 2-3 ngày, quãng đường đi của chúng tôi từ 50 đến 80km. Địa hình rừng núi nguy hiểm, dốc đứng nên anh em phải dìu nhau. Bị ong, muỗi hay côn trùng cắn đối với anh em là chuyện thường ngày, việc trượt ngã trong rừng sâu cũng là điều không thể tránh khỏi”, anh Nam nói.
Giữ rừng chưa bao giờ là dễ bởi ngoài địa hình hiểm trở, thú dữ, thời tiết khắc nghiệt, họ còn phải đối mặt với cả sự liều lĩnh của lâm tặc. Nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn đi. Bởi nếu không có những bước chân bền bỉ ấy, sẽ chẳng có sự trở lại nào của các loài quý hiếm.

Hệ thống camera bẫy ảnh chụp được gà lôi lam mào đỏ, gà tiền mặt đỏ, gà lôi hồng tía lần lượt xuất hiện. Ảnh: VQG
Tín hiệu hồi sinh
Rừng đang thức giấc được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả tình yêu vô điều kiện dành cho đại ngàn. Chính những bước chân bền bỉ ấy đã gọi sự sống trở về. Từ giữa năm 2023 đến nay, hệ thống camera bẫy ảnh của Vườn quốc gia Chư Mom Ray ghi nhận sự xuất hiện trở lại của hàng loạt loài động vật quý hiếm, những loài từng vắng bóng nhiều năm.
Tháng 5/2024, đàn voọc bạc 8 cá thể - loài linh trưởng thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm - bất ngờ xuất hiện sau 6 năm biệt tích. Voọc bạc hay còn gọi là voọc Đông Dương (tên khoa học: Trachypithecus germaini caudalis) phân bố vùng Đông Nam Á.
Đây là loài động vật thuộc nhóm IB, động vật nguy cấp, quý hiếm. Ở Việt Nam, loài này được ghi nhận tại Tây Nguyên, miền Trung, vùng Đông Bắc, Trường Sơn và một số khu vực ở Nam bộ.
Kế đó là gấu ngựa, còn được biết đến với tên gọi gấu đen Tây Tạng, gấu đen Himalaya hay gấu đen châu Á... Gấu ngựa được liệt vào Sách đỏ thế giới vì tình trạng nguy cấp. Rồi cả đàn bò tót sừng sững đi qua những khung hình, những chú gà lôi lam mào đỏ, gà tiền mặt đỏ, gà lôi hồng tía… cũng lần lượt góp mặt.
Đặc biệt hơn cả, một buổi tối cuối tháng 3, trên đường tuần tra trở về, ông Đào Xuân Thủy - Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray bắt gặp một con nai cà toong đang thong dong gặm cỏ ngay trước mặt. Ông lặng người, vội giơ máy ghi lại khoảnh khắc hiếm hoi.
“Đã mấy chục năm rồi tôi mới thấy lại cảnh này. Đây là loài nai cà toong, một trong những loài động vật quý hiếm, lâu lắm rồi chúng tôi không thấy. Rừng thực sự đang hồi sinh”, ông Thủy xúc động.
Mỗi loài trở về như một mảnh ghép giúp hoàn thiện bức tranh sống động của đa dạng sinh học nơi đại ngàn Chư Mom Ray. Việc các loài hoang dã quý hiếm quay trở lại không chỉ là thành quả của công tác bảo tồn, mà còn là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của bảo vệ rừng bằng con người, với những hy sinh thầm lặng.

Chị Hoàng Thị Hà là nữ nhân viên duy nhất của Trạm bảo vệ rừng Bar Gốc.
Những khoảng lặng…
Thế nhưng, giữa những tín hiệu hồi sinh đầy hy vọng ấy, lại xuất hiện những khoảng lặng. Bắt đầu từ tháng 1/2025, Vườn quốc gia Chư Mom Ray không còn được phép giao khoán 13.000ha rừng đặc dụng cho 16 cộng đồng tại hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Theo quy định tại Thông tư 22/2024 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, rừng đặc dụng không thuộc diện giao khoán theo Chương trình mục tiêu quốc gia.
Sự thay đổi này khiến hàng trăm hộ dân từng gắn bó với rừng nay không còn tham gia tuần tra, bảo vệ. Và rừng mất đi những bàn tay đã từng ngày gắn bó, âm thầm góp sức.
Ở làng Rắc (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy), ông A Grửi vẫn chưa thôi tiếc nuối khi nhắc đến những ngày cả làng cùng đi giữ rừng: “Trước kia, 30 hộ trong làng chia thành 7 tổ, thay phiên nhau tuần tra 875ha rừng cùng cán bộ vườn quốc gia. Nay không còn giao khoán, bà con không đi nữa. Mình kêu gọi nhưng ai cũng lắc đầu. Họ bảo rằng không có ràng buộc, sao phải lên rừng?”.
Không chỉ là mất đi khoản thu nhập ít ỏi, điều quan trọng hơn là mất đi mối dây ràng buộc giữa người dân và rừng - mối quan hệ từng được nuôi dưỡng bằng niềm tin, trách nhiệm và cả tình cảm sâu sắc.
Ông Nguyễn Đức Duy - Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Ya Krei thở dài: “Chúng tôi có 4 người, quản lý hơn 3.000ha rừng. Trước có bà con hỗ trợ, giờ không còn, áp lực rất lớn. Vào mùa khô, trực 24/24 vẫn lo cháy rừng, vì nếu xảy ra cháy, lực lượng mỏng thế này thì không thể ứng cứu kịp thời”.

Mỗi cán bộ bảo vệ rừng phải đi tuần tra xuyên rừng từ 300km đến hơn 500km mỗi tháng.

Hơn 30 người của Vườn quốc gia Chư Mom Ray xin nghỉ vì áp lực quá lớn, thu nhập lại thấp. Ảnh: Dung Nguyễn
Ông Đào Xuân Thủy - Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, đơn vị quản lý, bảo vệ 56.249ha rừng đặc dụng và hơn 4.000ha rừng sản xuất. Đây là một vùng rừng rộng lớn nhưng chỉ được 71 cán bộ chuyên trách bảo vệ, lực lượng này quá mỏng. Trong đó, nhiều trạm còn chưa có điện, chưa có sóng điện thoại. Những khó khăn đó khiến nhiều người không trụ nổi với nghề.
Từ năm 2018 đến nay, đã có 32 người xin nghỉ vì áp lực quá lớn, thu nhập lại “khiêm tốn” - chỉ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, một người thường phải quản lý diện tích gấp 2 - 3 lần định mức, bám trụ 24/7, kể cả dịp lễ, Tết. Do đó, đơn vị đã kiến nghị đến các cấp, ban ngành bổ sung thêm nhân lực và áp dụng chế độ đặc thù với lực lượng bảo vệ rừng.
Từ năm 2020 đến nay, lực lượng bảo vệ rừng Chư Mom Ray đã tháo gỡ gần 35.000 bẫy thú, cứu hộ hơn 260 cá thể động vật. Công việc nay đã được quản lý bằng phần mềm SMART - ghi nhận mọi dấu chân, điểm phát hiện động vật, vi phạm lâm luật qua định vị GPS. Nhờ vậy, lực lượng tuần tra kịp thời phát hiện ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ xâm hại đến rừng. Cũng nhờ hệ thống phần mềm SMART, Vườn quốc gia Chư Mom Ray có thể quản lý chặt được cung đường đi và xử lý vi phạm của từng người trên hành trình tuần tra. Qua thống kê, mỗi cán bộ bảo vệ rừng phải đi tuần tra xuyên rừng từ 300km đến hơn 500km mỗi tháng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/duoi-tan-rung-dang-thuc-giac-post732261.html