'Đuổi và vượt' ở vùng biên Kon Tum

Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 78, Binh đoàn 15 đóng quân trên địa bàn xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và xã Ia Dom, huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum), nơi mà hạ tầng kinh tế-xã hội còn lạc hậu. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 78 đã tổ chức Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) một cách sáng tạo, hiệu quả.

Thi đua vượt kế hoạch sản xuất

Chị Vũ Thị Bắc, công nhân Đội sản xuất số 5, Đoàn KT-QP 78 nhận chăm sóc, khai thác 3ha cao su, cho sản lượng bình quân mỗi năm hơn 17.500kg mủ nước tiêu chuẩn, vượt mức kế hoạch đơn vị giao từ 16% đến 50%. Với thành tích này, chị Bắc luôn là một trong những người dẫn đầu Phong trào TĐQT của Đoàn KT-QP 78, nhiều năm liền được đơn vị tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và hàng chục danh hiệu Lao động tiên tiến, giấy khen. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn hơn cả mà Đoàn KT-QP 78 trao tặng chị Bắc chính là cuộc sống ổn định, hạnh phúc. "Năm 2000, khi rời quê hương Thanh Hóa vào đây làm công nhân, tôi không dám mơ có cuộc sống như bây giờ đâu. Trong suy nghĩ của tôi và đồng nghiệp đều cho rằng, mình đến vùng biên giới hẻo lánh của Tây Nguyên thì chỉ mong đủ ăn là tốt rồi", chị Bắc tâm sự. Đó là suy nghĩ của 20 năm trước, còn bây giờ, chồng chị Bắc cũng làm ở xí nghiệp chế biến mủ cao su của đơn vị, gia đình có vườn cây cao su riêng. Ở giai đoạn giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay vẫn cho thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Nhà cửa khang trang, hai con của anh chị được chăm sóc và đi học đàng hoàng.

Chúng tôi gặp anh Đoàn Văn Giáp, công nhân Đội sản xuất số 4 khi anh đang làm trợ giảng cho lớp đào tạo thợ khai thác mủ cao su khóa 37 do đơn vị tổ chức. "Một công nhân được tin tưởng giao nhiệm vụ làm trợ giảng chắc tay nghề phải rất cao?", tôi hỏi Đại úy Nguyễn Quang Tiến, Trưởng phòng Kỹ thuật (Đoàn KT-QP 78). "Đúng rồi, Giáp là thợ giỏi của đơn vị và từng được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tặng danh hiệu Kiện tướng trong "Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2018", anh Tiến trả lời rồi tế nhị đi kiểm tra học viên để tôi thoải mái nói chuyện với Đoàn Văn Giáp.

Chị Vũ Thị Bắc và cán bộ Đoàn KT-QP 78 luyện tay nghề khai thác mủ cao su.

Chị Vũ Thị Bắc và cán bộ Đoàn KT-QP 78 luyện tay nghề khai thác mủ cao su.

Bảng thành tích của anh Giáp không chỉ có "Kiện tướng khai thác mủ cao su" mà còn hàng loạt danh hiệu Bàn tay vàng; danh hiệu Chiến sĩ thi đua 5 năm liên tục (2015-2019). Đặc biệt, anh là một trong những điển hình về nhận khoán chăm sóc, khai thác mủ cao su. Vườn cây cao su anh nhận chăm sóc, khai thác lên đến 6,7ha, nhưng luôn phát triển tốt, cho sản lượng cao, bình quân mỗi năm thu được hơn 23.270kg mủ nước tiêu chuẩn, vượt kế hoạch 20-35%.

Học tập, đuổi kịp các điển hình

Trao đổi với chị Bắc, anh Giáp và công nhân, người lao động Đoàn KT-QP 78, chúng tôi đều nhận được lời khẳng định: Gia đình họ có cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ Đảng ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức hiệu quả phong trào thi đua, đã khích lệ, động viên mọi người ra sức học tập, lao động sản xuất (LĐSX). Tuyệt đại đa số đều hài lòng với công việc, cuộc sống hiện tại và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, điều hành của đảng ủy, chỉ huy đơn vị.

Trung tá Nguyễn Chí Kiên, Chính ủy Đoàn KT-QP 78, cho biết: "Bài học thành công được Đoàn KT-QP 78 rút ra là chọn chủ đề, nội dung, mục tiêu thi đua phù hợp với từng giai đoạn, thời điểm để đột phá vào những việc khó và nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Kết hợp tốt giữa thi đua thường xuyên với thi đua cao điểm, thi đua đột kích và phong trào thi đua của các ngành, các cuộc vận động, nhằm phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh tổng hợp trong thi đua. Thường xuyên làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT), tạo thành phong trào học tập, đuổi kịp và đuổi vượt các ĐHTT trong đơn vị".

Theo Đại úy QNCN Lê Việt Hán, Đội trưởng Đội sản xuất số 5 thì chị Vũ Thị Bắc là một trong những ĐHTT được chi bộ, chỉ huy đội và Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 78 bồi dưỡng, xây dựng, làm chuẩn mực cho công nhân, người lao động học tập, làm theo. Chị Bắc và các ĐHTT thường xuyên đến từng nhóm, hộ gia đình, nhất là công nhân mới, công nhân người dân tộc thiểu số để nói chuyện, truyền cảm hứng, hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm trong LĐSX. Nhờ đó mà trong 5 năm qua, đơn vị đã xây dựng được một đội ngũ thợ khai thác mủ cao su lành nghề, năng suất lao động hằng năm đều tăng cao, thu nhập ổn định.

Từ năm 2015 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của giá mủ cao su xuống thấp, biến đổi khí hậu và vừa qua là dịch Covid-19, Đoàn KT-QP 78 vẫn có tổng giá trị sản xuất đạt 1.016 tỷ đồng; doanh thu 847,7 tỷ đồng; lợi nhuận 102,8 tỷ đồng; nộp ngân sách 192,1 tỷ đồng; bảo đảm lương bình quân 6.366.571 đồng/người/tháng, thu nhập bình quân 7.675.171 đồng/người/tháng; thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng được xây dựng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu và trách nhiệm nêu gương trong công tác. Đơn vị tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biên giới tỉnh Kon Tum.

SƠN TÙNG - LẠI HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/duoi-va-vuot-o-vung-bien-kon-tum-623109