Dưới vòm cây xanh ngắt
Đây đúng là Sa của ngày đầu tiên Văn gặp cách đây mười năm. Dịu dàng ngồi đối diện, những ngón tay đan vào nhau bình thản. Nhìn vào mắt Sa chỉ thấy những đám mây mùa hạ trôi ngang và vòm cây xanh ngắt. Nhưng Văn thừa biết không phải sự bình thản nào cũng giống nhau. Mười năm trước đó là vẻ bình thản tự nhiên vốn có. Nhưng mười năm sau lại là vẻ bình thản của một người đàn bà đi qua bao biến cố.
Cuộc sống cuốn Văn miên miết tháng ngày. Thỉnh thoảng tin về Sa như vô tình lọt vào tai Văn. Sa lấy chồng rồi ly hôn sau hai lần sảy thai. Mẹ Sa mất, một năm sau bố cũng đi theo. Sa nghỉ việc đi đây đó một mình.
Lần nào nghe tin về Sa, Văn cũng thấy nhói đau nhưng chỉ trong chốc lát rồi quên. Mà không quên sao được khi vợ gọi điện giục đón con. Hai đứa con học hai trường ngược đường. Vào giữa giờ cao điểm phải luồn lách thế nào để đón được cả hai luôn là một bài toán đau đầu. Rồi sếp giục việc, bạn bè giục vài cái hẹn, chủ nhà trọ giục tiền, mấy cái hóa đơn giục trả. Đời sống tủn mủn và ngột ngạt thế làm gì có thời gian để mà đau, mà nhớ nhung một mối tình xưa cũ.
- Anh nghe nói em đã ly hôn…
- Em nghe nói anh cũng từng đôi lần ly thân với vợ?
- Tại sao vậy? Chẳng phải em từng nói đó là người đàn ông em muốn chung sống suốt đời?
- Thế còn anh? Chẳng lẽ người anh lấy làm vợ lại không phải là người anh từng nghĩ có thể chung sống được suốt đời?
Sa vẫn thế, thích trả treo với Văn như vậy. Dù Sa thừa biết nếu cô không quyết định chọn người đàn ông khác thì đời Văn cũng đã chẳng rẽ sang ngã khác. Tình yêu rốt cuộc là gì chắc hẳn Sa đã có câu trả lời. Sa là người nặng tình, hẳn cũng đã nhiều lần nắm níu hôn nhân trước khi quyết định buông tay. Văn lạ gì hôn nhân. Đó thực chất là mớ hỗn độn mà hạnh phúc thường ít hơn so với những gia vị khác. Lúc còn yêu chúng ta thường tưởng tượng đến những buổi sáng thức dậy cùng nhau. Người này kể cho người kia nghe về giấc mơ đêm qua rồi bình yên nghe chim hót ngoài cửa sổ. Nhưng những buổi sáng khi đã bước vào đời sống hôn nhân sẽ khác rất nhiều.
Đàn bà tỉnh dậy bởi mùi khai khú của đứa lớn, mùi nôn trớ của đứa nhỏ. Chăn chiếu cần giặt, nhà cần dọn dẹp, cần chuẩn bị bữa sáng cho con… Đàn ông bịt gối ngủ nướng trong tiếng quấy khóc của con, tiếng quát tháo của vợ. Ánh nhìn nhau đầu tiên buổi sáng không lấp lánh yêu thương mà có khi ngấm ngầm hằn học. Cũng ít lắm những buổi chiều hai người cùng vào bếp với nhau. Đàn bà mệt mỏi trở về nhà sau một ngày làm việc, chỉ kịp nấu vài món qua loa.
Vì áp lực đồng tiền đàn ông phải làm việc nhiều hơn. Có nhiều hôm Văn về nhà mà không nuốt nổi cơm, chỉ muốn đổ gục xuống giường ngủ một giấc đến sáng hôm sau. Đã có lúc Văn tự hỏi, nếu vợ mình là Sa thì hôn nhân có khác gì không?
- Chắc là không đâu. Anh biết đấy, tính em bướng bỉnh, hay càu nhàu và không dễ thứ tha. Mà anh thì… quá nhiều tội lỗi.
- Vậy không lấy được em có khi lại là may mắn đối với anh. Để tình yêu còn trong nhau nguyên vẹn.
- Sau khi ly hôn, chồng em nói thế này “chúng ta đã có quá nhiều ngày ác mộng”. Vợ chồng anh quay cuồng về những đứa trẻ và cho rằng chúng làm xáo trộn những mộng tưởng trong đầu. Còn cuộc hôn nhân của em nó vô vị và ngột ngạt lại chỉ vì nhà thiếu tiếng trẻ con. Sau hai lần sảy thai thì em không thể có con được nữa.
- Có phải vì thế mà em chủ động ly hôn?
- Em không chịu đựng nổi ánh mắt đau đáu của mẹ chồng trong mỗi chiều ngóng trẻ con chơi ngoài đầu ngõ. Em như cây độc không thể đơm hoa kết trái thì cũng nên biết phận của mình.
- Chồng em thì sao?
- Em tưởng như đã có thể nghe thấy tiếng thở phào của anh ấy. Tội nghiệp.
- Tội nghiệp ai?
- Thì tất cả chúng ta.
- Ừm… Tội nghiệp tình yêu.
Giờ ngồi trước mặt Sa nghe về nỗi đau đớn của những người đàn bà mất con khiến Văn thấy mình tội lỗi. Nếu ngày xưa Sa không bỏ Văn để đến với người đàn ông khác thì cũng đã chắc gì tránh được bi kịch mất con. Lấy một người chồng đớn hèn như Văn thì còn gánh trên vai thêm biết bao bi kịch nữa. Vậy mà đã mấy khi Văn thôi ơ hờ, thôi vội vã, thôi ích kỷ để quay lại nhìn thật kỹ nỗi đau của vợ.
Sa ngẩng nhìn trời, trong mắt ngập ngừng mây. Nếu không dang dở thì chắc gì Văn đã thấy được khoảnh khắc này. Có khi Sa trong mắt Văn cũng nhàu nhĩ hệt như mụ vợ. Vợ Văn đã qua cái thời càu nhàu từ những việc nhỏ nhất. Bây giờ cô ấy thường không nói gì, có thể im lặng từ ngày này qua ngày khác. Văn không đoán được cảm xúc trên khuôn mặt lạnh tanh của vợ. Mười ngày như một hệt như món trứng ốp la đều đặn vào mỗi sớm. Văn chán vợ như chán món trứng ốp la. Cô ấy hẳn cũng ngán ngẩm chồng như ngán đống quần áo bẩn, đống bát đũa dính đầy dầu mỡ.
Thỉnh thoảng cô ấy nổi điên chửi chồng, đánh con và đập phá bất cứ cái gì trong tầm mắt. Văn hiểu mọi sự chịu đựng đã quá giới hạn và rất có thể cô ấy sẽ điên dại thật. Văn chắc chắn mình không quá tệ. Chỉ đơn giản là khi vợ chồng đã chán nhau thì mọi nỗ lực chỉ giải quyết vấn đề ấm êm tạm bợ. Ly hôn như Sa có khi lại hay. Mỗi khi nghe câu: “Đời người cũng chỉ sống được một lần phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận những năm tháng đã sống hoài sống phí” là Văn thấy đời mình bỏ đi rồi. Sống mà không hạnh phúc thì đích thị là sống mòn chứ còn gì nữa…
- Mà anh nghe nói em định lên chùa ở hẳn. Ai dè… tóc vẫn dài và vẫn thèm ăn thịt nướng.
- Em có lên chùa sống một thời gian không phải để quên chuyện đời mà để được gần mẹ hơn. Mẹ em là phật tử.
- Ừm. Mãi sau này anh mới nghe tin mẹ em mất. Nhưng không rõ vì sao bà mất.
- Không bệnh tật gì. Tự nhiên một ngày đẹp trời mẹ thanh thản ra đi.
- Em chắc hẳn đã rất khó khăn để vượt qua cú sốc này.
- Mẹ đã chuẩn bị cho cái chết từ rất lâu rồi. Bà quy y không chỉ để tâm hồn và thể xác thanh thản về cõi Phật. Mà còn để chuẩn bị cho các con tâm thế trước sự ra đi mãi mãi của mẹ. Em cũng vì thế mà cố gắng sống vui để mẹ ở một nơi nào đó có thể mỉm cười. Trước đây em không dám tưởng tượng đến một ngày như thế. Một ngày mà mẹ chỉ còn hiện hữu trong ký ức và những nắm tro tàn.
- Anh xin lỗi vì những lúc em buồn đau nhất anh đã không làm gì được cho em, dù chỉ là một cuộc gọi.
- Em từng nghĩ đến chuyện tự tử, lúc cái thai thứ hai bị sảy. Anh biết đấy, em đã ước gì mình có thể đánh đổi tính mạng cho con. Anh là đàn ông chắc không thể hiểu nổi cảm giác bỗng một ngày nào đó sờ tay vào bụng mình mà không thấy con đâu. Bụng mình bỗng nhẹ bẫng đi không còn sự sống. Em giày vò bản thân mỗi ngày cho đến khi kiệt sức.
Văn không dám nhìn vào mắt Sa như ba năm trước không dám nhìn vào mắt vợ lúc cô ấy từ phòng nạo thai đi ra. Văn thấy gáy mình nóng rát bị găm chặt bởi ánh nhìn oán trách của vợ mình. Chính Văn đã ép vợ phá thai khi siêu âm biết cái thai trong bụng là con gái. Dù việc phá bỏ khi cái thai đã lớn thật sự rất khó khăn và ảnh hưởng đến tính mạng người phụ nữ. Văn là con một trong gia đình nên bố mẹ muốn anh có con trai nối dõi dòng giống. Hai đứa con đầu là gái đã khiến bố mẹ ăn không ngon ngủ không yên. Bị bố mẹ gây áp lực Văn chỉ biết đổ lên đầu vợ.
Vợ Văn mổ đẻ nên không muốn sinh đứa thứ ba vì sợ nguy hiểm. Bản thân Văn cũng thấy nuôi thêm một đứa trẻ là chồng chất khó khăn mệt mỏi. Nhưng các cụ ở quê vẫn còn trọng nam khinh nữ. “Không đẻ được đứa con trai thì bố mẹ chết không nhắm mắt”. Vợ Văn thở dài “ừ thì đẻ”. Nhưng khổ thay đâu phải cứ cố là được. Người tính không bằng trời tính. Lại là con gái, Văn buộc phải bắt vợ bỏ thai. Từ hôm đi nạo thai về, vợ Văn như người mất hồn. Nửa đêm tỉnh dậy anh thấy cô ngồi trong bóng tối khóc một mình. Văn thì nghĩ chỉ là một bào thai còn chưa rõ hình hài. Đẻ nó ra có khi lại làm khổ nó. Có gì mà bù lu bù loa...
Giờ ngồi trước mặt Sa nghe về nỗi đau đớn của những người đàn bà mất con khiến Văn thấy mình tội lỗi. Nếu ngày xưa Sa không bỏ Văn để đến với người đàn ông khác thì cũng đã chắc gì tránh được bi kịch mất con. Lấy một người chồng đớn hèn như Văn thì còn gánh trên vai thêm biết bao bi kịch nữa. Vậy mà đã mấy khi Văn thôi ơ hờ, thôi vội vã, thôi ích kỷ để quay lại nhìn thật kỹ nỗi đau của vợ. Nếu vợ Văn đủ mạnh mẽ như Sa thì có lẽ cô ấy cũng chấm dứt cuộc hôn nhân này từ lâu để giải thoát cho mình. Nhưng cô ấy đã không làm thế có phải vì những đứa con? Sa dễ buông tay có phải vì Sa chỉ có một mình? Đến bao giờ vợ Văn mới có được ánh nhìn bình thản giống như Sa? Có thể là không bao giờ cả.
Càng nghĩ, Văn càng thấy xót xa, trong lòng dâng lên sự hối hận khôn nguôi. Văn thật có lỗi với vợ con biết bao. Phải chăng, cần phải thay đổi, phải làm một điều gì đó...
Mà tại sao buổi gặp gỡ hôm nay lại trở nên ngột ngạt thế này. Chẳng nhẽ thời gian đã khiến con người nhàu nhĩ đến thế sao? Văn trút tiếng thở dài ngoảnh sang Sa đề nghị: Mình nói chuyện gì vui đi em…
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/duoi-vom-cay-xanh-ngat-090736.bbg