Đường 140 tỷ có nguy cơ chậm tiến độ, người dân chịu khổ
Dự án cải tạo và nâng cấp đường, vỉa hè đường Lê Hồng Phong (TP Vinh, Nghệ An) có tổng mức đầu tư trên 140 tỷ đồng. Việc thi công kéo dài đã và đang ảnh hưởng tới cuộc sống, kinh doanh của người dân.
Dở khóc dở cười vì đường
Những ngày cuối tháng 5/2024, có mặt trên tuyến đường Lê Hồng Phong (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), PV Báo Giao thông ghi nhận tình trạng ngổn ngang vật liệu thi công.
Cả đoạn vỉa hè kéo dài từ đoạn giao với đường Nguyễn Văn Cừ đến giao đường Nguyễn Thị Minh Khai được đào xới lên nhưng không khí thi công khá trầm lắng.
Nhiều vị trí nhà thầu đã đào hệ thống ngầm phía dưới lên, nhưng không có công nhân, máy móc thi công.
Trong khi đó, nhiều cống thoát nước kích thước lớn đặt chặn ngay sát lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Không những vậy, có vị trí cống nước đặt sát nhau, che kín hoàn toàn lối vào nhà dân.
Cùng với đó là rác xây dựng được tập kết thành từng đống không được di dời. Tất cả tạo nên một khung cảnh hỗn độn, nhếch nhác giữa trung tâm TP Vinh.
Đang dọn dẹp mấy đồ vật trong căn nhà nhỏ, ông Nguyễn Văn Hải (ở số 77 Lê Hồng Phong) cho biết: "Gia đình chúng tôi thuộc diện hộ nghèo nên được phường cho mượn căn ki ốt này để buôn bán đồ ăn sáng mà không lấy tiền thuê.
Từ trước Tết Nguyên đán 2024, nhà thầu bắt đầu đào cây hai bên đường để thi công vỉa hè đường Lê Hồng Phong. Kể từ đó, đến bây giờ người ta xới tung cả vỉa hè lên, rồi đổ đất đá trên vỉa hè, ngày mưa thì lầy lội, còn ngày nắng thì bụi mù mịt.
Họ còn đổ từng đống đá to chắn hết trước cửa nhà. Dù gia đình có lót bạt dưới vỉa hè cho đỡ bẩn nhưng cũng không có mấy khách vào ăn. Sáng nay, vợ chồng tôi có vài cân nếp mà bán cũng không hết”.
Cách đó không xa, ông Hoàng Ngọc Lương (ở số 109 Lê Hồng Phong) đang tưới nước để đầm lại nền đất phía trước nhà.
"Tính đến nay là đã khoảng 10 ngày họ xới vỉa hè rồi để thế. Việc thi công làm nứt nền sân nhà tôi, tôi hỏi mấy công nhân thi công thì họ nói không biết.
Ngay giữa thành phố, đáng ra thi công đến đâu, phải xong đến đó, nhà thầu đào lên hết rồi để đó, thi công chậm chạp, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và việc kinh doanh của người dân", ông Lương bức xúc.
Chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ
Qua tìm hiểu được biết, Đường Lê Hồng Phong có chiều dài 2,73km, điểm đầu là nút giao với bùng binh đường Lê Nin - Trường Thi (gọi là vòng xuyến Hải Quan) đến điểm cuối là giao với đường Lê Lợi - Quang Trung (ngã ba tam giác quỷ)
Dự án cải tạo và nâng cấp đường, vỉa hè đường Lê Hồng Phong có tổng mức đầu tư trên 140 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục chính: Mở rộng lòng đường từ 14m hiện tại lên 18m bằng cách xén bớt vỉa hè hai bên, mỗi bên 2m; đầu tư hạ ngầm các loại cáp điện lực, viễn thông; thay thế toàn bộ cây xanh hiện tại bằng cây bằng lăng và thay thế, lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư TP Vinh chia sẻ, đến nay, đoạn từ vòng xuyến Hải Quan lên nút giao đường Nguyễn Văn Cừ đã cơ bản hoàn thành. Chỉ còn chờ hạ ngầm đường điện để di dời các cột điện cũ ra khỏi lòng đường.
Với đoạn còn lại, từ nút giao với đường Nguyễn Văn Cừ lên nút giao đường Nguyễn Thị Minh Khai, các nhà thầu đang khẩn trương thi công, hoàn thiện.
Theo ông Thiện, theo hợp đồng thì dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8/2024. Còn theo kế hoạch đề ra thì dự án phải hoàn thành vào cuối tháng 6/2024, vượt tiến độ 2 tháng.
Tuy nhiên, đến nay tiến độ một số hạng mục khả năng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Lý do là thi công cải tạo đường cũ, hệ thống ngầm phía dưới rất nhiều, phức tạp và đã thi công qua nhiều thời kỳ khác nhau nên rất khó xử lý.
Cạnh đó, thi công trong thành phố, nhà thầu không thể huy động 1 lúc nhiều máy móc, thiết bị vì sẽ gây ách tắc giao thông, nhiều xe tải trọng lớn không thể đi vào giờ cấm.
Chưa hết, hiện vẫn còn khoảng hơn 100m ở phía nam đường, đoạn từ khách sạn Mường Thanh thanh niên đến nút giao Nguyễn Văn Cừ chưa có mặt bằng. Trong khi việc xác định nguồn gốc đất và định giá đất gặp không ít khó khăn.
“Vừa qua, Ban đã đôn đốc các nhà thầu huy động thêm nhân lực, tăng cường thi công ban đêm để đẩy nhanh tiến độ, cố gắng lát xong vỉa hè những đoạn đã có mặt bằng vào cuối tháng 8. Sau đó sẽ trồng cây xanh và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng”, ông Thiện nói.
Về tình trạng nhà thầu để cống nước kích thước lớn trước nhà dân, ông Thiện nói đã chỉ đạo di dời ngay đến vị trí an toàn, khi nào thi công thì cẩu đến.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại trên tuyến: