Đường bay vàng, hàng không Việt Nam trượt dốc sau đợt dịch thứ tư

Đường bay TPHCM - Hà Nội đã rớt từ hạng hai xuống hạng năm trong tháng 7-2021 trong bảng xếp hạng các đường bay bận rộn nhất thế giới của hãng dữ liệu hàng không OAG. Bên cạnh đó, thị trường hàng không Việt Nam cũng lọt khỏi Top 20 các thị trường hàng không lớn nhất thế giới sau khi năng lực bị giảm hơn 30% chỉ trong tuần đầu tháng 7. Cú trượt dài của hàng không Việt Nam diễn ra quá nhanh.

 Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài trong dịp lễ 30/4. Số hành khách trung bình mỗi ngày dịp này đạt 80.000 lượt khách, tăng 40% so với dịp lễ năm 2019 trước dịch. Ảnh: Ngọc Tân

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài trong dịp lễ 30/4. Số hành khách trung bình mỗi ngày dịp này đạt 80.000 lượt khách, tăng 40% so với dịp lễ năm 2019 trước dịch. Ảnh: Ngọc Tân

Mất ánh vàng

Với năng lực tải - hay tổng số ghế - đạt 580.115 ghế do hãng OAG Aviation Worldwide Ltd thống kê, đường bay xương sống nối hai thành phố lớn nhất nước đã tụt xuống hạng năm. Điều này đồng nghĩa là thành tích giữ hạng từ tháng 11-2020 khi lần đầu tiên đường bay này tăng hạng đã bị “xô đổ”.

Đường bay Seoul – Jeju vẫn giữ được ngôi vị quán quân trong tháng 7 với hơn 1,62 triệu chỗ. Đây là đường bay giữ hạng nhất trong suốt nhiều năm liền, mặc cho mọi ảnh hưởng của dịch bệnh trong trong hơn 18 tháng qua. Đường bay Bắc Kinh – Thượng Hải vươn lên hạng hai, tiếp theo là hai đường bay từ Tokyo đến Sapporo và Fukuoka của Nhật Bản lần lượt xếp hạng ba và tư.

Báo cáo tháng 7 của OAG viết: Trong tháng này, chúng ta chứng kiến sự quay trở lại Top 10 của một tuyến bay nội địa quan trọng của Nhật Bản nối giữa thủ đô Tokyo và thành phố Okinawa ở phía Nam. Đây là lần đầu tiên tuyến bay này quay trở lại Top 10 kể từ khi dịch bùng phát.

Các thay đổi khác trong Top 10 các đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới tháng 7 bao gồm hai sự kiện khác: tuyến bay Melbourne – Sydney đã lọt khỏi Top 10 do đợt bùng phát dịch và các đợt phong tỏa mới nhất tại Úc. Và tuyến Cancun – Mexico – tuyến bay hàng đầu ở Mexico – quay lại Top 10 với thứ hạng 7. Các tuyến bay ở châu Á chiếm hết 8/10 thứ hạng trong bảng thống kê OAG.

Tuần lễ đầu tháng 7 là sự mất mát khá lớn của ngành hàng không Việt Nam – nhà phân tích cấp cao John Grant của OAG viết trên blog. Ông chỉ ra rằng số chỗ cung cấp của các hãng bay được OAG ghi nhận giảm hơn 250.000 chỗ trong tuần đầu tháng 7 so với hơn 788.000 chỗ trong tuần lễ cuối cùng, tức giảm hơn 31% chỉ sau một tuần. So với đỉnh điểm năng lực vào tháng 1-2020 – tháng cao điểm nhân Tết Nguyên đán trùng vào đợt bùng phát dịch thứ ba, tỉ lệ giảm là hơn 66%. Sự suy giảm này cũng khiến Việt Nam mất vị trí 19 trong bảng Top 20 các thị trường bay lớn nhất thế giới của OAG.

Vị chuyên gia của hãng dữ liệu Anh đã viết rằng đây là tình trạng chung của thị trường Đông Nam Á, nhưng Việt Nam chịu tổn thất lớn nhất. Ngành hàng không Malaysia chịu thiệt hại lớn thứ hai khi mất đi 72.000 chỗ trong tuần. “Thật đáng buồn, Đông Nam Á vẫn là khu vực càng ngày càng xa với đỉnh điểm tháng 1-2020: chỉ có 3,5 triệu chỗ trong một tuần so với con số bình thường 10 triệu chỗ”, Grant viết trên blog.

Việt Nam xếp hạng 19 trong Top 20 các thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Nguồn: OAG

Nguồn cơn thăng trầm

Để lý giải sự xuống hạng nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn ở trên, chúng ta cần quay lại các cột mốc quan trọng của hàng không Việt Nam và tuyến bay nội địa quan trọng nhất.

Thứ nhất, các đợt mua sắm máy bay mới của hai hãng Vietnam Airlines và Viet Jet Air đã tạo ấn tượng lớn với thế giới trong năm năm qua. Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới khai thác cả hai dòng máy bay hiện đại cùng lúc, gồm 19 chiếc Dreamliner Boeing 787 và 14 chiếc Airbus A350-900XWB được giao từ 2015-2019. Tiếp đến là đơn đặt hàng 50 máy bay thân hẹp A320/A321 hay B737 trong giai đoạn 2021-2025 trị giá hơn 4 tỉ đô la.

Hãng hàng không giá rẻ Viet Jet Air cũng không giấu tham vọng cạnh tranh vị trí số 1 tại thị trường nội địa với đơn đặt hàng lên tới 371 chiếc, bao gồm 200 chiếc Boeing 737 và 171 chiếc Airbus trong giai đoạn 2016-2019. Các máy bay này theo kế hoạch sẽ giao dần đến năm 2025.

Tất cả các đơn hàng này được dựa trên dự báo là tăng trưởng hai con số của hàng không Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2040 – theo dự báo của hãng tư vấn CAPA. Sự xuất hiện của Bamboo Airways đầu năm 2019 và hãng Vietravel Airlines cuối năm 2020 đã tăng thêm năng lực tải của ngành.

Tổng số lượng ghế mỗi tuần của hàng không Việt Nam đạt đỉnh với 1.546.476 ghế trong dịp Tết 2020, tăng hơn 2.000 chỗ so với tổng số 1.552.026 ghế/tuần vào tháng 6 năm trước – tức vào đầu cao điểm hè 2019. Tuần lễ cuối tháng 6-2021, năng lực này giảm 48,2% và tiếp đó giảm thêm 31,7% trong tuần lễ đầu tháng 7 này.

Thứ hai, tuyến Hà Nội – TPHCM còn được gọi là “đường bay vàng” hay “tuyến bay xương sống của hàng không Việt Nam” bởi tần suất và doanh thu từ các chuyến bay trên tuyến này. Sau hơn 10 năm luôn tăng, năng lực tải của đường bay này bắt đầu tụt nhanh từ giữa tháng 6-2021 do diễn biến dịch ở các tỉnh thành phía Nam.

Từ vị trí thứ 465 trên thế giới ở thập niên trước, tuyến Hà Nội – TPHCM đã có sự phát triển ngoạn mục và lọt vào Top 10 và tăng hạng dần. Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2015, đường bay TPHCM - Hà Nội từng xếp hạng bảy với tổng số ghế hơn 4,2 triệu. Đường bay này lên hạng năm với hơn 6,2 triệu lượt khách trong năm 2016. Ba năm sau, năm 2019, tuyến bay xương sống mới lên được hạng tư với tổng số chỗ hơn 10 triệu, tức trung bình hơn 800.000 chỗ mỗi tháng.

Tháng 11-2020, đường bay vàng lần đầu vươn lên hạng hai với số chỗ trong tháng là 892.280 và tháng 2-2021 số chỗ vượt trên 1 triệu. Từ tháng 3 đến tháng 6 vừa rồi, tổng số chỗ giảm khoảng 100.000 ghế so với tháng cao điểm Tết.

Nếu so với số ghế đường bay hàng đầu thế giới Seoul – Jeju vào tháng 2 vừa rồi, đường bay số 1 của Việt Nam hầu như theo sát nút, thu hẹp khoảng cách hơn 400.000 chỗ trong tháng 11 năm ngoái xuống còn khoảng 100.000 chỗ trong tháng 2 năm nay. Nhưng kể từ tháng 3 khoảng cách này càng nới rộng khi đường bay hàng đầu của Hàn Quốc luôn tăng trưởng số ghế và đạt 1,6 triệu trong tháng 7, trong khi đường bay vàng của Việt Nam tụt không phanh xuống còn hơn 580.000 chỗ trong tháng.

Chiến lược kiểm soát dịch linh động của Jeju là yếu tố quan trọng nhất giúp tuyến bay Seoul – Jeju luôn đứng đầu trong suốt 18 tháng dịch bùng phát. Hòn đảo này đã không “bế” khách đi cách ly trong dịp dịch bùng phát vào mùa đông trong tháng 11-2020 và cả trong dịp Tết 2021. Dự báo nhu cầu khách và có quyết định phân bổ đều lượng khách trong các ngày bằng các kế hoạch bay hợp lý là các yếu tố quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ trong quản lý ca bệnh mới và cảnh báo nguy cơ lây nhiễm.

Số ca nhiễm mới cao nhất trong mùa đông và Tết vừa rồi chỉ hơn 500. Đầu tháng 7 này, số ca nhiễm đã vượt 1.000 ca trong nhiều ngày liên tiếp và đạt đỉnh hơn 1.300 cuối tuần rồi. Từ ngày 12-7, Hàn Quốc thực hiện tình trạng cảnh báo cấp độ 1 – mức độ cao nhất trong phòng dịch.

Các yếu tố tích cực trong các đợt phòng chống dịch trước đây vẫn được duy trì. Trong đợt bùng phát dịch từ tháng 5, Hàn Quốc đã có thêm “vũ khí” mới là tiêm chủng. Tính đến ngày 10-7, có 5,87 triệu người đã tiêm đầy đủ hai mũi, chiếm 11,4% trong tổng dân số 55 triệu người. Ngoài ra, hơn 8 triệu người đã tiêm mũi đầu tiên.

Các đường bay của Nhật Bản lọt vào Top 10 cũng có được những điểm cộng tương tự như ở Hàn Quốc. Số ca nhiễm tăng, tình trạng khẩn cấp được ban bố lần thứ 4 ở thủ đô Tokyo và vùng phụ cận sẽ kéo dài đến ngày 22-8 tới. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở Nhật Bản đạt gần 17%.

Trong khi đó, các đường bay nội địa hàng đầu ở Trung Quốc như Bắc Kinh – Thượng Hải, Thượng Hải – Thẩm Quyến đã quay lại Top 10 sau khi bị “lọt sổ” vào dịp Tết Nguyên đán do chính sách hạn chế dòng di dân khổng lồ trong dịp Tết.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/318269/duong-bay-vang-hang-khong-viet-nam-truot-doc-sau-dot-dich-thu-tu.html