Đường bê tông nhựa tại Gia Lai lại trám bằng xi măng, đúng hay sai?
Đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện Chư Sê xuất hiện hư hỏng, chủ đầu tư Tập đoàn Đức Long Gia Lai đổ bê tông xi-măng lên mặt đường, gây phản ứng nhiều chiều trong dư luận.
Ngày 31/8, tìm hiểu của Báo Giao thông, thời gian qua, người dân huyện Chư Sê (Gia Lai) phàn nàn về tuyến đường Hồ Chí Minh bị hư hỏng, xuất hiện các vết bong tróc mặt đường.
Đây là đoạn tuyến được Tập đoàn Đức Long Gia Lai (trụ sở đường Lê Duẩn, TP Pleiku) đầu tư bằng hình thức BOT, có thu phí.
Khi xuất hiện hư hỏng, Tập đoàn này thực hiện trám vá bằng cách đổ bê tông xi măng lên các vết nứt, lún. Hình ảnh tuyến quốc lộ thẳng tắp bị vá bằng những mảng bê tông khác màu, đã gây ra thắc mắc về chất lượng cũng như mỹ quan con đường.
Ông Nguyễn Tấn Hùng (60 tuổi, trú làng Tok Róh, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) cho biết, khi sửa đường, đơn vị thi công đổ bê tông, rải một lớp nhựa mỏng ở giữa, rồi đổ lại bê tông lên trên mặt đường. "Họ rải xong, xe chạy đè lên, 2 - 3 ngày sau là bê tông bị tróc lên, hư hỏng lại", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, đơn vị sửa chữa theo cách cho xe trộn bê tông đến hiện trường, trộn vữa rồi đổ xuống mặt đường quốc lộ.
Ông Nguyễn Viết Thiện (72 tuổi, trú thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) cho hay, đường thôn xóm, đổ bê tông xi măng là điều bình thường, đây quốc lộ của Nhà nước mà đổ bê tông thì ông thấy rất lạ. "Tuyến đường này hư hỏng liên tục. Nếu đổ bê tông xi măng thì 2 - 3 ngày là hư, không thể đảm bảo chất lượng", ông Thiện nói.
Chứng minh con đường hư hỏng, nhiều người dân chỉ vào đống bê tông xi măng bị cào lên từng đống, chất bỏ bên lề đường.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết, đang trong giai đoạn mùa mưa cao điểm tại Tây Nguyên không thể thảm bê tông nhựa. Vì vậy việc trám bằng xi măng tuy tốn kém kinh phí hơn, nhưng hoàn toàn phù hợp, không ảnh hưởng chất lượng công trình. Đây là giải pháp linh hoạt nhất đã được cơ quan quản lý chấp thuận.
Trao đổi về tuyến quốc lộ "trám vá bằng bê tông xi măng", ông Đoàn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai khẳng định: "Thực tế đơn vị thi công họ làm vậy là không hề sai. Tây Nguyên đang mùa mưa, quy trình cho phép trong lúc mưa, đơn vị thi công được quyền chọn vật liệu sao cho phù hợp.
Trời mưa thì không thể đổ bê tông nhựa bởi bê tông nhựa nóng khi đổ phải đủ nhiệt độ. Trời mưa thì không thể đổ bê tông nhựa được".
Cũng theo ông Dũng, đường BOT là tiền của nhà đầu tư bỏ tiền ra, hư hỏng thì nhà đầu tư phải làm lại.
"Đổ bê tông xi măng chỉ là giải pháp trước mắt, tạm thời để đảm bảo lưu thông, êm thuận cho các phương tiện đi lại. Tới đây, khi trời nắng lên, điều kiện cho phép, Tập đoàn Đức Long sẽ đổ bê tông nhựa cho đồng bộ với kết cấu mặt đường quốc lộ", ông Dũng phân tích.
Đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn từ Pleiku đi Cầu 110 (giáp tỉnh Đắk Lắk) có chiều dài gần 90km. Dự án thi công tuyến đường qua đây có tổng số vốn khoảng 1.800 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư.
Dự án hoàn thành tháng 6 năm 2015, trước thời hạn 6 tháng theo hợp đồng quy định. Hiện nay, Đức Long Gia Lai đang thực hiện thu phí tại 2 trạm đặt tại Km 1610+800 và Km 1667+470, thời hạn thu phí là 20 năm 4 tháng.
Tuyến đường đáp ứng yêu cầu giao thông, giao thương, góp phần vào tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.