Đường 'biên giới'

Chỉ vì mâu thuẫn giữa hai nhà mà cả khu phố phải chịu xấu. Những chậu cây cảnh từ trên sân thượng được ông Hách hì hục bưng xuống, giăng ra vỉa hè kéo dài từ mép nhà ông đến tận mép đường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chưa thỏa mãn, ông còn bóc gạch blog trên phố lên để đào hố trồng thêm hai cây hoa giấy, xây bồn chắc chắn, bắc giàn cho hoa leo. Xong, ông thông báo với cả khu phố đó là “đường biên giới” phân định khu vực vỉa hè nhà ông với nhà hàng xóm.

Nhiều người trong khu phố tỏ ra ái ngại vì việc làm trái khoáy ấy, trong khi ông Hách thỏa thuê, phủi tay chỉ sang nhà hàng xóm liền kề nói rằng: “Từ nay nước sông không phạm nước giếng nữa nhé”.

Đó là tự ông nghĩ ra chứ đã nhà ai phạm vào nhà ông bao giờ.

Ông Hách sinh ra ở nông thôn, phần lớn cuộc đời ông gắn bó với ruộng đồng, nên dường như ông yêu nông nghiệp. Ông chuyển xuống thành phố ở theo cách mà ông nói là cho gần bệnh viện phòng khi ốm đau cũng như để an hưởng các dịch vụ của đô thị những năm cuối đời.

Xác định là vậy nhưng ông vẫn không bỏ được lối sống ở quê. Thích gì thì ông làm nấy. Hôm nào ngẫu hứng thì ông bắc ba ông đầu rau trước nhà đốt củi, rải trấu nấu nước, nấu cơm. Có hôm ông còn vun rác, lá cây trước nhà châm lửa đốt, tàn lửa bay tóe tung dọc phố. Thích nữa thì ông đem quần áo ra trước nhà giăng dây để phơi. Chưa hết, ông còn tha đủ những thứ mà mình thích về tập kết trước nhà lấy những tấm bao tải đắp lên chờ khi nào đầy thì gọi đồng nát đến bán.

Khu phố vốn dĩ phong quang, trẻ nhỏ đạp xe trên vỉa hè, người lớn đi bộ thoải mái, nhưng sau khi nhà ông Hách về ở, mọi việc bị xáo trộn.

Nhà hàng xóm vì thấy bức bí nên góp ý, và ông cho rằng như thế là thiếu tôn trọng ông - một người đã có tuổi. Có lần ông nói với người trong khu phố rằng ông đáng tuổi bố anh hàng xóm, thế mà anh này lại dám góp ý, coi ông chẳng ra gì.

Thực ra thì anh hàng xóm nhà ông Hách đâu có hỗn hào gì. Chỉ bởi nhiều lần góp ý với ông điều chỉnh lại việc sinh hoạt trước nhà sao cho phù hợp với lối sống đô thị nhưng không được, nên anh nhặt những khúc củi, vài thứ đồng nát mà ông Hách khuân về trả lại đúng phần đất lưu không trước nhà ông, để tiện cho việc đậu đỗ xe, nên ông mới cho rằng việc làm ấy như là “nước sông phạm vào nước giếng”.

Sau khi “đường biên giới” được ông Hách thiết lập, việc đi lại của người lớn, đạp xe của trẻ nhỏ bị ngăn lại, khi đến trước nhà ông lại phải nhao xuống đường. Việc ấy có thể nguy hiểm cho những đứa trẻ, nhưng ông Hách thì vẫn khăng khăng cho rằng chả có vấn đề gì cả. Một số hộ dân không hài lòng với cái gọi là “đường biên giới” do ông tạo ra, nhưng không muốn lằng nhằng vì biết ông Hách là người hay để bụng, nên thôi.

Mới đây thì chính ông Hách đã gặp phiền phức với “đường biên giới” của mình. Chả là hôm ấy ông đi uống rượu rồi quá chén, khi về nhà đúng lúc mất điện, đường tối om. Chiếc xe đạp của ông lao thẳng vào bồn cây hoa giấy trước nhà khiến ông ngã vật xuống đường làm mắt cá chân sưng tướng lên mấy hôm. Mấy người trong khu phố biết chuyện đến nhà, nhưng tuyệt nhiên không hỏi thăm chân ông thế nào mà cứ hỏi rằng cây hoa giấy ông trồng ở vỉa hè có bị sao không.

Ông Hách biết là mình bị nói xỏ, nhưng vẫn cố cười. Từ hôm đó mỗi khi ra tưới cho những chậu cây trên vỉa hè không ai còn nghe ông nói rằng đó là “đường biên giới”, là “nước sông không phạm nước giếng nữa”.

Trong một khu dân cư đành rằng có nhiều cá nhân với những lối sống khác nhau, nhưng đều phải tôn trọng một nguyên tắc chung. Không thể đem cách sống của riêng mình để áp đặt cho số đông được. Càng không nên đem theo lối sống của cư dân nông nghiệp để ứng xử với các quy định của đô thị, lối sống có kỷ luật được thống nhất bằng những quy ước. Ai cũng đề cao cái tôi, sự cố chấp và ích kỷ, thì thành phố sao văn minh được. Chả biết sau vụ ngã xe ông Hách có nghĩ lại không? Nếu cứ tiếp tục cách sống ấy thì ông khó để mà an hưởng sự nhàn tản cuối đời đúng nghĩa như mong muốn của ông khi quyết định bán nhà ở nông thôn để xuống thành phố ở.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-lang-chuyen-pho/duong-bien-gioi/28604.htm