Đường biến thành ao, mất ATGT ở Đắk Lắk: Bố trí 28 tỷ để nâng cấp, sửa chữa
Huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) được bố trí 28 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa đường DH07.15 xuống cấp, mất ATGT sau phản ánh của Báo Giao thông.
Ngày 28/6, ông Trần Duy Trường, Phó trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trước năm 2018, con đường Báo Giao thông phản ánh trong bài viết "Đường biến thành ao, mất ATGT... vì đói vốn" có tên là tỉnh lộ 11, nhưng từ năm 2018 UBND tỉnh đã bàn giao tuyến đường trên về cho huyện Ea Kar quản lý thì đổi tên thành đường ĐH07.15.
Từ ngày giao về huyện, chỉ bàn giao con đường còn nguồn kinh phí duy tu sửa chữa chưa được quan tâm nên đường càng xuống cấp. Hàng năm, huyện có bố trí kinh phí để sửa chữa nhưng với nguồn kính phí còn hạn hẹp nên chỉ "như muối bỏ bể".
“Đường DH07.15 có chiều dài dưới 15km, nên Sở GTVT không quản lý nên chuyển về cho huyện quản lý. Bàn giao là bàn giao con đường, còn mọi chi phí duy tu, sửa chữa là do huyện, nhưng về nguồn lực còn hạn chế.
Trong năm nay có chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sau khi có phân bổ vốn, huyện đề xuất với Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng kí con đường trên để nâng cấp, sửa chữa.
Hiện đã có phân bổ vốn, bố trí 28 tỷ làm con đường trên để tạo điều cho người dân đi lại thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”, ông Trường phấn khởi cho biết.
Như Báo Giao thông phản ánh, nhiều năm qua, tuyến đường từ tỉnh lộ 11 (nay là đường ĐH07.15), nối Quốc lộ 29 (QL29) và QL26, đoạn qua địa bàn xã Ea Sal, Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
>>> Video: Đường biến thành ao, mất ATGT... vì "đói" vốn ở Đắk Lắk
Mặt đường bong tróc nhô những lớp đá lởm chởm, chằng chịt “ổ voi, ổ gà”. Nhiều vị trí trơ đất, tạo thành những hố sâu, sình lầy, trơn trượt vào mùa mưa và bụi bặm vào mùa nắng.
Đặc biệt, đoạn qua đại bàn thôn 5 xã Ea Sal kéo dài ra hướng QL29, mặt đường dày đặc “ổ voi, ổ gà”. Nước mưa ngập lênh láng, sình lầy với những chiếc ao sâu trải khắp mặt đường khiến các phương tiện lưu thông phải “bò” và tránh né khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.