Dương Cầm - Cô gái trẻ đam mê kịch nói
Với những khán giả yêu thích kịch tại Cà Mau, ắt hẳn không còn xa lạ với cái tên Dương Cầm và những vai diễn ấn tượng của cô. Bằng tình yêu cháy bỏng dành cho bộ môn nghệ thuật kịch nói, Dương Cầm đã góp phần đưa kịch đến gần hơn với khán giả Cà Mau.
Dương Cầm tên thật là Nguyễn Ngọc Cầm (sinh năm 1991), quê xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, sinh ra trong một gia đình công chức và không có ai tham gia nghệ thuật. Những câu hát ru của mẹ, những câu chuyện kể của bà thời thơ ấu đã giúp hình thành trong cô gái nhỏ trí tưởng tượng phong phú. Lớn lên, được tiếp xúc nhiều với phim ảnh, cải lương, kịch nói, Cầm luôn ước ao mình cũng được hóa thân vào những nhân vật được xem, để có thể trải nghiệm hết những cung bậc cảm xúc của từng nhân vật.
Thế nhưng, con đường thực hiện mơ ước không hề dễ dàng. Ðam mê ngày nào dần bị cuốn đi bởi những lo toan của cuộc sống thường nhật. Ra trường, Dương Cầm có 2 tấm bằng, về quản lý thư viện và thuế, vào công tác ở bưu điện tại quê nhà xã Hồ Thị Kỷ. Tưởng rằng ước mơ thuở nhỏ sẽ không thể thực hiện, cho đến khi Cầm gặp được những người bạn cùng chí hướng.
Dương Cầm chia sẻ: “Tôi từng có thời gian tham gia diễn xuất trong các quảng cáo trên truyền hình ở TP Hồ Chí Minh và tình cờ quen Hoàng Phúc, một bạn trẻ ở Cà Mau cũng đam mê diễn xuất. Tôi từng tham gia một vài vở diễn cùng Phúc và nhóm kịch của bạn ấy ở Cà Mau. Cũng từ cơ duyên này, tôi gặp được rất nhiều người bạn yêu nghệ thuật, từ đó tiếp thêm cho tôi động lực để tiếp tục "cháy" với đam mê”.
Không qua trường lớp đào tạo bài bản về diễn xuất hay kịch nói, Dương Cầm tự trau dồi kiến thức qua YouTube, tìm tài liệu trên Internet, xem nhiều vở diễn của các cô chú diễn viên gạo cội và cả những bạn trẻ có diễn xuất tốt, sau đó chắt lọc và tự định hình nên lối diễn của chính mình.
Cầm có thể hóa thân vào nhiều nhân vật, từ trẻ cho đến già, từ cô gái chân quê, hay vai mợ cả độc ác trong xã hội phong kiến, cho đến vai Mẹ Việt Nam anh hùng kiên trung, bất khuất. Mỗi khi nhận được vai diễn, Cầm sẽ tự phân tích bằng cách đặt mình vào nhân vật, mường tượng ra diễn biến tâm lý, hành động, lời nói và nhờ góp ý thêm từ những anh chị diễn viên có kinh nghiệm để diễn tốt nhất.
“Bản thân tôi xác định theo đuổi đam mê nghiêm túc và chuyên nghiệp, tôi phải luyện tập cách giữ hơi thở làm sao để có thể đứng thoại hàng giờ mà không quá mệt, cột hơi vững thì tiếng nói mới rõ ràng, truyền cảm. Tôi cũng tập sửa cách phát âm theo phương ngữ thành phát âm chuẩn phổ thông để khán giả dễ nghe hơn. Có những ngày sau khi nhận vai, tôi đứng trước gương tập diễn. Phân cảnh đó thì ánh mắt nhân vật phải diễn thế nào, khóc cười ra sao, chuyển động tay chân, dáng thế nào cho đẹp. Thậm chí tập cả cái nhếch môi sao cho thật “đời”, để khán giả cảm nhận được nhân vật”, Cầm tâm sự.
Họa sĩ Lê Thọ, chủ quán cà phê Nhiệt Ðới (TP Cà Mau), địa chỉ quen thuộc của những người yêu nghệ thuật tại Cà Mau, cũng là địa điểm biểu diễn thường xuyên của Dương Cầm và các bạn diễn, nhận xét: “Tôi là khán giả thân thuộc theo dõi nhiều vở diễn của Cầm. Bạn ấy có niềm đam mê rất lớn đối với kịch, có cách nắm bắt tâm lý nhân vật rất tốt. Khi xem bạn ấy hóa thân vào từng nhân vật, tôi dường như cảm nhận được sự chân thật từng niềm vui, nỗi buồn của nhân vật, tưởng chừng như Cầm chính là nhân vật trong vở diễn ấy”.
Bên cạnh những vai diễn trong các vở kịch được chuyển thể từ các vở cải lương nổi tiếng như: "Ðời cô Lựu", "Trà hoa nữ", "Tấm lòng của biển", Dương Cầm tự mày mò học viết kịch bản. Từ tiểu phẩm ngắn nhận được đánh giá tốt của giới chuyên môn, giờ đây Cầm đã có thể viết những vở kịch của riêng mình: vở kịch ngắn “Cánh thiệp đầu xuân” đã diễn phục vụ tại chùa Kim Sơn (Phường 6, TP Cà Mau); vở nhạc kịch “Hòa bình anh sẽ về với em” đang được tập luyện và sẽ biểu diễn vào lễ kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, vào ngày 19/8 tới đây.
Kịch nói là bộ môn nghệ thuật không xa lạ với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, ở Cà Mau, việc tiếp xúc với kịch nói chủ yếu chỉ qua truyền hình, Internet. Cà Mau cũng chưa có sân khấu kịch chuyên nghiệp để người yêu thích bộ môn nghệ thuật này thưởng thức. Hiện tại, những đêm diễn kịch của Dương Cầm và ê kíp thường chỉ ở các quán cà phê có không gian thiên về hoài cổ, nghệ thuật phù hợp với kịch.
Dương Cầm và nhóm bạn từng ngày thực hiện mong ước tạo được sân chơi và kết nối những bạn trẻ yêu nghệ thuật nói chung, cũng như kịch nói riêng, đưa kịch đến gần hơn với khán giả Cà Mau.
Những vở kịch mà Dương Cầm cùng những người bạn đã, đang và sẽ thực hiện không chỉ tiếp cận được đối tượng lớn tuổi, tái hiện phần ký ức của họ khi chuyển thể các vở cải lương kinh điển sang kịch nói, mà còn giúp thế hệ trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về kịch nói, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Qua đó giúp các bạn trẻ định hình và theo đuổi đam mê diễn xuất.
Cô gái với dáng người nhỏ nhắn nhưng đầy tâm huyết, trong từng ánh mắt, cử chỉ đều toát lên tình yêu dành cho nghệ thuật, kịch nói. Tuy những sân khấu mà Dương Cầm tham gia diễn xuất chưa thực sự chuyên nghiệp, nhưng với cô, được thực hiện ước mơ từ nhỏ đã là hạnh phúc. Thỉnh thoảng được khán giả xem kịch nhớ đến và nhắc về vai diễn cũng đủ để cô có thêm động lực tiếp tục đam mê.
“Kịch là phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Với những diễn viên không chuyên như tôi hay những bạn trẻ đam mê nghệ thuật, không nhất thiết phải được diễn ở những sân khấu lớn, mà ở bất cứ đâu, chỉ cần được hóa thân vào nhân vật, được sống cùng đam mê, đều có thể tỏa sáng theo cách riêng của mình”, Dương Cầm chia sẻ./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/duong-cam-co-gai-tre-dam-me-kich-noi-a33974.html