Đường cao tốc tự sạc pin cho ô tô điện đang chạy sắp thành hiện thực
Thụy Điển hiện đang biến 1 đường cao tốc thành một con đường 'điện hóa' vĩnh viễn đầu tiên trên thế giới, cho phép ô tô và xe tải có thể sạc điện trong khi đang chạy.
Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua một đạo luật mang tính bước ngoặt yêu cầu tất cả ô tô mới bán ra phải không thải khí CO2 từ năm 2035, các nước châu Âu đang gấp rút chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết cho phương tiện di chuyển không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thụy Điển hiện đang biến 1 đường cao tốc thành một con đường “điện hóa” vĩnh viễn đầu tiên trên thế giới cho phép ô tô và xe tải có thể sạc điện trong khi xe đang chạy.
Tuyến đường cao tốc được chọn làm "sạc di động" cho xe chạy điện là tuyến châu Âu E20, kết nối các trung tâm hậu cần giữa Hallsberg và Örebro, nằm ở giữa 3 thành phố lớn của đất nước là Stockholm, Gothenburg và Malmö.
Phương thức sạc cho phương tiện trên tuyến này hiện vẫn chưa được quyết định, nhưng có 3 phương án được đưa ra gồm sạc qua hệ thống đường dây chạy dọc tuyến (như hệ thống tàu điện); qua hệ thống dẫn điện trên mặt đất và qua hệ thống cảm ứng trên mặt đường. Phương án 1 dùng hệ thống dây điện trên cao để cung cấp cho 1loại xe buýt hoặc xe điện đặc biệt, vì vậy chỉ có thể sử dụng cho các phương tiện hạng nặng.
Phương án khả thi hơn là sạc dẫn điện hoạt động cho cả phương tiện hạng nặng và ô tô cá nhân, miễn là có hệ thống dẫn điện như đường ray. Các phương tiện được sạc thông qua 1 thanh chạm vào đường ray. Một phương án nữa là sử dụng hệ thống sạc cảm ứng chôn bên dưới mặt đường để truyền điện đến 1 cuộn dây trong xe điện. Cuộn dây trong xe sau đó sử dụng điện đó để sạc pin.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, không cần thiết phải chuyển đổi tất cả các tuyến đường cao tốc sang phục vụ xe điện. Cho dù lựa chọn công nghệ nào cũng chỉ cần 25% tuyến đường có chức năng sạc di động là đủ.
Tiến sĩ Washim Shoman, nhà nghiên cứu tại bộ phận Lý thuyết Tài nguyên Vật lý tại Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển cho biết, việc kết hợp sạc tại nhà (sạc tĩnh) và sạc khi đang di chuyển (động) có thể giảm tới 70% kích thước pin của xe điện. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu về nguyên liệu thô cho pin và ô tô điện cũng có thể trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư và bảo trì cao cho cơ sở hạ tầng non trẻ. Về lâu dài có thể trở nên lỗi thời khi quá trình phát triển pin tăng tốc.
Với kế hoạch mở rộng thêm 3.000 km đường điện vào năm 2045, Thụy Điển đã hợp tác với Đức và Pháp để trao đổi kinh nghiệm thông qua hợp tác nghiên cứu về đường điện. Ngoài Thụy Điển, Đức, Pháp và Italy cũng đang chuẩn bị những phương án đầy tham vọng cho phát triển hạ tầng dành cho xe chạy điện./.