Đường dẫn chính sách từ Nghị trường đến cuộc sống
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu, quá trình thảo luận với sự tham gia rộng rãi của truyền thông đã tạo ra dư luận đồng thuận trong quá trình triển khai các chính sách.
Đề cập đến vai trò của công tác truyền thông Quốc hội, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội) cho rằng, từ Nghị trường đến cuộc sống sẽ là hai “bán đảo” cách xa nếu không có truyền thông làm con đường kết nối.
Ông Hiếu cho biết, trong suốt quá trình hình thành và hoạt động của Quốc hội, hoạt động truyền thông luôn được chú trọng. Những bài báo phản ánh hoạt động của Quốc hội trong những kỳ họp và nhiệm kỳ đầu tiên đến nay vẫn là những tư liệu quý giá.
Thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, truyền thông chính sách về hoạt động của Quốc hội ngày càng được chú trọng, có sự thay đổi cả về lượng và chất. Hiện nay, trong mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có rất nhiều phóng viên tham dự, đưa tin, bảo đảm thông tin về các hoạt động tại đây được chuyển tải kịp thời, đầy đủ đến với cử tri. Các hình thức đưa tin cũng phong phú, đa dạng trên nhiều nền tảng khác nhau, từ truyền thống cho đến hiện đại.
“Tôi thấy rằng chất lượng của các nội dung truyền thông ngày càng được tăng lên; rất nhiều bài báo có chất lượng rất tốt, được dư luận đánh giá cao. Điều này được thể hiện qua kết quả của Giải báo chí Diên Hồng vừa được tổng kết và trao giải vào ngày 09/6/2023 vừa qua”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận định.
Cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm của đại biểu
Theo ông Hiếu, công tác truyền thông Quốc hội được thực hiện tốt sẽ tạo thuận lợi cho cả việc hoạch định, xây dựng chính sách lẫn triển khai, thực hiện. Ông dẫn chứng việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 30 về chính sách phòng chống dịch Covid-19 ngay tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV chính là kết quả của quá trình thảo luận, phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri cũng như những đòi hỏi, bức xúc của thực tiễn của công tác phòng, chống dịch.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông, các chính sách được đề ra trong Nghị quyết 30 đã được triển khai thực hiện rất hiệu quả, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Với vai trò là đại biểu Quốc hội, ông Hiếu cho rằng việc các đại biểu liên hệ, kết nối với cử tri thông qua các phương tiện truyền thông cũng là một phương thức rất hiệu quả. Hàng ngày, các đại biểu nhận được rất nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri được phản ánh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như qua các nền tảng truyền thông xã hội. Đây là những nguồn thông tin quý báu để họ phân tích, sử dụng, phản ánh trong quá trình tham gia thảo luận xây dựng các chính sách, pháp luật tại Nghị trường.
“Ở chiều ngược lại, việc tham gia cung cấp thông tin chính sách cho người dân, cho cử tri thông qua báo chí cũng là trách nhiệm lớn lao của người đại biểu, và tôi cho rằng các đại biểu Quốc hội khóa XV đang làm rất tốt trách nhiệm này”, ông Hiếu chia sẻ.