Đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Vân Phong: 44 tháng trình mới duyệt được chủ trương
Việc hiện chưa thể khởi công được đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Vân Phong có thể khiến EVN/EVNNPT phải bồi thường hàng chục tỷ đồng mỗi ngày cho nhà đầu tư BOT Vân Phong 1.
Ông Bùi Văn Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã trao đổi về vấn đề này.
Được đầu tư để giải tỏa điện cho một số dự án quan trọng, trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong đang được khẩn trương xây dựng. Nếu không kịp hoàn thành trong năm 2022, điều gì sẽ xảy ra, thưa ông?
Đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân là dự án cấp bách, có tầm quan trọng nhằm đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Trung tâm điện lực Vân Phong (trong đó có Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1), Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái và công suất nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia.
Sau khi hoàn thành, dự án góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam, tạo mối liên kết mạnh giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam, tối ưu hóa trong vận hành hệ thống điện quốc gia.
Dự án có quy mô xây dựng mới đường dây 500 kV mạch kép dài khoảng 172,5 km với điểm đầu là thanh cái 500 kV sân phân phối 500 kV tại Nhà máy BOT Vân Phong và điểm cuối là thanh cái trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân. Hướng tuyến đường dây đã được UBND các tỉnh thỏa thuận lần 2 vào tháng 12/2019 (Ninh Thuận) và tháng 12/2020 (Khánh Hòa).
Ông Bùi Văn Kiên, Phó tổng giám đốc EVNNPT.
Theo tiến độ cam kết với chủ đầu tư Nhà máy BOT Vân Phong 1, đường dây phải hoàn thành trong năm 2022, tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn chưa khởi công do nhiều vướng mắc mà điển hình là thủ tục chuẩn bị đầu tư của dự án. Sau tận 44 tháng kể từ khi chủ đầu tư có tờ trình lần đầu, dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2019.
Ngay sau khi chủ trương đầu tư của Dự án được phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPT đã tổ chức lập, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án (FS) theo thủ tục, trình tự quy định. Tháng 11/2019, thiết kế cơ sở của Dự án đã được Bộ Công thương thẩm định và kết luận “phù hợp với quy hoạch được duyệt, có giải pháp thiết kế hợp lý, đáp ứng cơ bản các yêu cầu kỹ thuật hiện hành”.
Tháng 2/2020, FS đã được EVN trình lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tháng 7/2020, Ủy ban đã có văn bản gửi EVN để thực hiện quyền, trách nhiệm của người phê duyệt, quyết định đầu tư. Tháng 8/2020, Hội đồng thành viên EVN đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình.
Tháng 12/2020, EVNNPT đã phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình. Hiện nay; EVNNPT đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu xây lắp, dự kiến nếu không có vấn đề phát sinh mới thì sẽ ký kết hợp đồng và khởi công Dự án trong quý II/2021.
Như vậy sẽ chỉ còn khoảng 1,5 năm để thi công một đường dây dài vậy trong khi tiềm ẩn rất nhiều khó khăn, mà đáng chú ý là giải phóng mặt bằng. Về phía EVNNPT có biện pháp gì để đẩy nhanh tiến độ thi công không, thưa ông?
Đúng là thời gian thi công Dự án này rất ngắn so với các dự án có quy mô và tính chất tương tự. Tuy nhiên, thời hạn phải hoàn thành đóng điện đã được cam kết với chủ đầu tư của Nhà máy BOT Vân Phong bởi nếu không sẽ phải chịu phạt khá lớn. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ, lãnh đạo EVN/EVNNPT sẽ trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai dự án, thậm chí trực tiếp tham gia điều hành từ công tác điều phối cung cấp vật tư thiết bị, thu xếp vốn, bồi thường giải phóng mặt bằng đến điều hành công tác thi công trên công trường.
EVNNPT đã thành lập Ban chỉ đạo các dự án do Tổng giám đốc trực tiếp làm Trưởng ban để sát sao, quyết liệt, đề ra và áp dụng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án có liên quan đến Nhà máy BOT Vân Phong.
Chủ tịch EVNNPT làm việc và tăng quà các địa phương có đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Vân Phong đi qua
Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) sẽ trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút, để huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường.
CPMB sẽ thành lập 2 ban tiền phương tại Khánh Hòa và Ninh Thuận để điều hành chi tiết công tác thi công, thường trực trên công trình nhằm kịp thời phối hợp với các đơn vị và địa phương có liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Đối với giải phóng mặt bằng, EVNNPT/CPMB đã làm việc với các cấp chính quyền địa phương để báo cáo tình dự án và đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chủ đầu tư thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngay sau khi có hồ sơ đo đạc.
Đến nay, công tác đo đạc giải thửa đã cơ bản hoàn thành và đang trình Sở TN&MT các tỉnh thẩm định. EVNNPT/CPMB đã đề xuất các tỉnh thành lập tổ công tác chuyên trách về bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án, khẩn trương hoàn thành các thủ tục theo quy định để bàn giao mặt bằng các vị trí móng và hành lang tuyến theo kế hoạch cho các nhà thầu xây lắp; thường xuyên phối hợp, rà soát tiến độ để xây dựng và điều hành công tác này phù hợp với tiến độ, kế hoạch thi công dự án.
EVNNPT/CPMB sẽ thường xuyên cập nhật, báo cáo kịp thời những vướng mắc khó khăn cho lãnh đạo UBND các tỉnh để có sự chỉ đạo giải quyết. Với những trường hợp đặc biệt, EVNNPT sẽ kiến nghị EVN báo cáo Bộ Công thương, Chính phủ để chỉ đạo UBND các tỉnh quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ chủ đầu tư trong giải phóng mặt bằng.
Dự án đi sẽ đi qua nhiều khu vực đất rừng trong khi thời gian qua thủ tục chuyển đổi đất rừng các dự án truyền tải điện thường kéo dài, mất nhiều thời gian. Vậy EVNNPT có giải pháp thế nào với vấn đề này, thưa ông?
Dự án được áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới rừng. Các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng theo quy định đang được EVNNPT/CPMB và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai. Cụ thể, tư vấn đã tập trung nhân lực ngay từ ban đầu để phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh thủ tục điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng rừng theo đúng tiến độ đề ra.
EVNNPT/CPMB đã chủ động làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của địa phương để đẩy nhanh thời gian xem xét, thẩm tra, thẩm định hồ sơ; trình Hội đồng nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi cũng sẽ làm việc trực tiếp với các cơ quan thẩm quyền để thẩm định hồ sơ, sớm trình Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo tiến độ, kế hoạch.
Nếu dự án không được như kế hoạch đặt ra thì hậu quả thế nào, thưa ông?
Theo kế hoạch, Dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân phải hoàn thành trong năm 2022 để kịp giải tỏa công suất Nhà máy BOT Vân Phong 1. Nếu không đáp ứng tiến độ giải tỏa công suất này, EVN/EVNNPT sẽ phải chi trả cho phía nhà đầu tư BOT hàng chục tỷ đồng mỗi ngày. Đồng thời, phía Việt Nam sẽ phải mua lại toàn bộ nhà máy nếu tiến độ chậm quá một năm và nếu vậy sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Thi công cảng tiếp nhận nhiên liệu của Dự án BOT Vân Phong 1.
Chính vì vậy, để Dự án hoàn thành đúng tiến độ, EVNNPT kiến nghị UBND các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, các bộ, ngành có liên quan và Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng dự án khi các địa phương trình hồ sơ.
Thủ tướng Chính phủ có văn bản hoặc công điện chỉ đạo chính quyền các địa phương hỗ trợ EVN, EVNNPT, CPMB và các đơn vị tham gia ngay từ những ngày đầu triển khai dự án trong công tác BTGPMB để đảm bảo hoàn thành dự án đưa vào vận hành trong năm 2022.
Đối với các địa phương, EVNNPT kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện sớm hoàn thành các thủ tục về bàn giao chi tiết tuyến, không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã thỏa thuận.
Chỉ đạo thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban chỉ đạo các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa và TP.Cam Ranh (Khánh Hòa), các huyện Bắc Ái, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam (Ninh Thuận); tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đáp ứng mục tiêu tiến độ đưa dự án vào vận hành trong năm 2022; cho phép thực hiện một số cơ chế để đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.