Đường đến mũi La Gàn
La Gàn là tên gọi theo tiếng Pháp Lagar của vùng đất Bình Thạnh xưa. Đây là nơi hội tụ của sự bình yên và giàu có 1 thời. Người ta so sánh La Gàn như một Hội An thu nhỏ. Trên bờ, ghe thuyền giao thương tấp nập, dưới biển thật lắm cá tôm. Trải qua trăm năm, đất La Gàn không còn sung túc như xưa nhưng mũi La Gàn vẫn trời xanh mây trắng, phong cảnh nên thơ hữu tình, diễm lệ bên sóng biển mênh mông.
Hành trình đến mũi La Gàn tìm lại tích xưa được chúng tôi thực hiện vào một ngày đầu tháng 4 đầy nắng gió. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là 1 vịnh nước nhỏ, nơi mà vào mùa bấc, các phương tiện đánh bắt của ngư dân ở các địa phương như Liên Hương, Phước Thể về đậu nghỉ ngơi sau những ngày dài đánh bắt. Buổi sáng khung cảnh thì đẹp vô cùng. Ghe, thuyền các loại đậu chật cả bến, những chiếc thúng đủ màu tô điểm thêm phần sinh động, nhộn nhịp. Nhìn ra xa là những trụ điện gió xoay vòng góp thêm phần lung linh, huyền ảo.
Bước về phía trước là đình Bình An, là nơi thờ thành hoàng làng và được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Với dáng hình “Phượng Hoàng ẩm thủy” lưng dựa vào động cát, mặt trông ra hướng biển, đình Bình An được xem là ngôi đình lớn và đẹp, tiêu biểu cho lối kiến trúc nghệ thuật dân gian ở Bình Thuận.
Đình có tất cả 11 nóc liên kết và tạo thành một tổng thể rộng lớn, mỗi công trình có một chức năng riêng biệt, nằm trên một diện tích 1.400 m2 được bao bọc bởi tường đá dày. Các nóc đình nối tiếp nhau: Đình chính, tòa trung đình, tòa đại bái, tả mạc, hữu mạc, cổng tam quan, nhà thờ Tiền hiền, miếu thờ binh sĩ qua các thời. Trải qua hàng trăm năm nhưng đình Bình An vẫn còn những nét đặc sắc và là địa điểm tham quan của du khách thập phương.
Qua khỏi đình Bình An, băng qua động cát nhỏ là lăng ông Nam Hải. Cũng như đình Bình An thì lăng ông Nam Hải ở Bình Thạnh cũng là quần thể kiến trúc độc đáo mà ít nơi nào có được. Hàng năm, lăng ông Nam Hải đều tổ chức biểu diễn hò bá trạo trong lễ cầu ngư rất đặc sắc và đậm nét văn hóa vùng miền. Lăng được xây dựng từ đời vua Minh Mạng trong khoảng thời gian 1820 -1840. Với ở địa thế Thủy tụ sơn triều, nghĩa là có nước chảy về hội tụ bên đồi cát chập chùng bao bọc hai bên, theo phương vị Đông Nam - Tây Bắc, đứng soi mình bên bờ biển đẹp.
Trải qua bao biến cố lịch sử, đến nay lăng vẫn còn giữ được nhiều giá trị văn hóa và người Bình Thạnh có câu ca dao nằm lòng:
Tháng sáu lịch cúng đức ông
Ai đi đâu đó nhớ mong mà về.
Cách lăng ông Nam Hải chừng hơn 300m là nơi có tên là Giếng Liệt. Đây là một gành đá nhỏ nhưng lại có giếng nước ngọt nằm ngay bên cạnh. Sở dĩ người ta gọi là Giếng Liệt vì khu vực này có rất nhiều cá liệt dầu, một đặc sản của biển Tuy Phong. Cá liệt thì nhiều loại nhưng ngon nhất vẫn là liệt dầu. Thịt cá liệt dầu ăn rất ngon vừa thơm, ngọt, béo vô cùng. Có 2 cách chế biến loại cá đặc sản này là nướng và nấu canh phớt. Bên cạnh 1 vùng cát trắng mênh mông, xen lẫn vào đó là màu xanh nhạt của đám cỏ lông chông. Vào mùa này, cỏ lông chông chuẩn bị tách ra và bay nhiều trên những đồi cát tạo nên 1 cảnh sắc thật bình yên, hiền hòa. Cỏ lông chông là cỏ của tuổi thơ và nó còn gợi lên sự lãng mạn với tình yêu đầu đời nào đó. Nhìn đám cỏ lông chông trên cát, bên dưới là sóng biển vỗ bờ, một cảm xúc thấy bâng khuâng, xao xuyến xen lẫn trong tâm hồn.
Vừa qua khỏi bãi cỏ lông chông đầy xúc cảm là bãi Thương Chánh mà người dân địa phương còn gọi là bãi ngoài. Tên bãi Thương Chánh có từ thời Pháp thuộc, vì nơi đây người Pháp lập 1 trạm kiểm soát và thu thuế những người dân giao thương, buôn bán qua nơi này, nhất là những lái buôn ghe bầu theo dọc biển Bắc - Nam. Thương Chánh là 1 bãi biển nhỏ đẹp, bao phủ bởi rừng dương xanh mát, có sóng biển êm dịu, nước trong xanh rất phù hợp cho việc tắm biển, dã ngoại. Ở đây cách xa khu du lịch Bình Thạnh và xa khu dân cư nên còn hoang sơ, lặng lẽ.
Qua khỏi bãi Thương Chánh, vượt lên những triền đá và cát lởm chởm chúng ta sẽ đến 1 địa điểm gọi là hóc Đồng Chung. Đây là 1 eo biển nhỏ có phong cảnh rất đẹp. Xưa, khu vực này nổi tiếng với cá nhồng, đặc biệt là nhồng hương có con nặng hơn cả kg. Hóc Đồng Chung có cảnh sắc khá tương đồng với gành Hang ở Phú Quý, vì nơi đây chưa khai thác du lịch nên còn rất hoang sơ.
Như những gì chúng tôi đã đi qua, đường đến mũi La Gàn hoang sơ và chưa có sự tác động nào của con người. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn như những gì vốn có của nó. Vẫn đó là những cái tên vừa lạ, vừa quen, vừa xưa cũ nhưng cũng thật quen thuộc. Nơi mũi La Gàn vẫn là hòn Ó, hòn Yến và còn đó là hòn Tai và mũi Cậy tất cả đã tạo nên 1 La Gàn quyến rũ đến lạ kỳ.
Ngoài xa, gió thổi vào mũi La Gàn ngày một lớn hơn, từng con sóng vỗ vào bờ đá tung bọt trắng xóa. Những chiếc thúng câu mực như chao nghiêng sắp đổ nhưng những ngư dân vẫn vững vàng với từng cơn gió thổi qua. Nắng lên cao, mũi La Gàn đẹp hơn trong mắt người thưởng ngoạn. Có thể một ngày không xa, đường đến mũi La Gàn sẽ đẹp không thua gì đường về Mũi Né, Hòn Rơm.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/duong-den-mui-la-gan-117937.html