Đường đến 'ngôi vị' quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3 vừa qua), báo cáo Hạnh phúc Thế giới do Liên hợp quốc tài trợ đã xác nhận Phần Lan lần thứ 6 liên tiếp được công nhận là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. (NB&CL) Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3 vừa qua), báo cáo Hạnh phúc Thế giới do Liên hợp quốc tài trợ đã xác nhận Phần Lan lần thứ 6 liên tiếp được công nhận là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Hạnh phúc từ chính… tư duy của bạn
Phương Tây có câu: “Hạnh phúc không phải tùy thuộc bạn là ai, bạn làm được những gì mà tùy thuộc vào cách mà bạn suy nghĩ”. Với người Phần Lan - những người suốt 6 năm qua liên tiếp được xem là những công dân của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, điều này là chuẩn xác. Sẽ có thể là bất ngờ với nhiều người nếu khám phá ra được rằng hóa ra những công dân của một đất nước “quán quân về hạnh phúc” lại là những người từng miêu tả về bản thân như là “người u sầu” và “dè dặt”.
Nhận định về Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, Hãng tin CNN cho rằng: “Có lý do để lạc quan trong báo cáo mới nhất về hạnh phúc thế giới. Thứ nhất, lòng nhân từ cao hơn khoảng 25% so với trước đại dịch”. Còn John Helliwell - 1 trong số 3 biên tập viên sáng lập của báo cáo, đồng thời là giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế Vancouver, Đại học British Columbia thì cho biết: “Ngay cả trong những năm tháng khó khăn này (dịch COVID-PV), cảm xúc tích cực vẫn phổ biến gấp đôi so với cảm xúc tiêu cực”, tất nhiên, theo John Helliwell, đại dịch COVID-19 đã khiến người ta sống chậm hơn để suy ngẫm nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, điều khiến người Phần Lan hạnh phúc là bởi chính những tư duy, định nghĩa khá giản đơn về hạnh phúc, về cuộc sống. Theo Sari Poyhonen - giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học Jyvaskyla, người dân Phần Lan có xu hướng có những kỳ vọng khá thực tế cho cuộc sống của họ và đó là lý do người dân ở Phần Lan có mức độ hài lòng cao trong cuộc sống.
Một chuyên gia cũng từng cho rằng tư duy về hạnh phúc của người Phần Lan chính là sự phản ánh khá chân xác thuật ngữ Lagom về cái gọi là “vừa đủ”. “Nếu nói về hạnh phúc, trong văn hóa Phần Lan, khái niệm hạnh phúc giống như bạn luôn hài lòng với cuộc sống và những gì đang có”, một chuyên gia cho biết.
Có trong tay những thứ giúp bản thân cảm thấy hài lòng với cuộc sống, như một tách cà phê ngon hoặc một chiếc xe ít hỏng vặt - đó đều có thể là hạnh phúc - điều này hoàn toàn chân xác với người dân Phần Lan. Cảm xúc con người của người dân Phần Lan, vì thế, cũng thường được thể hiện, chia sẻ một cách trung thực, không sáo rỗng, không màu mè, và đó cũng là thêm một lý do để người Phần Lan được cho là những người hạnh phúc. Người dân Phần Lan cũng được xem là luôn sống theo “tinh thần sisu”, kiên cường, dũng cảm đương đầu với những thử thách trong cuộc sống.
Một điều khá thú vị của người Phần Lan, theo các chuyên gia là việc người Phần Lan rất giỏi trong việc giữ bí mật về hạnh phúc của mình. Eino Leino - một trong những nhà thơ lớn của Phần Lan từng viết “Kell’ onni on, se onnen kätkeköön” - “Người tìm được hạnh phúc hãy để hạnh phúc ấy ẩn mình”. Người Phần Lan đã, đang làm được điều đó khi ít bộc lộ quá công khai những cảm xúc của mình, đặc biệt rất hạn chế việc khoe khoang của cải công khai dù họ thuộc hàng dư dả.
Hai trong những tiêu chí để đánh giá về hạnh phúc trong Báo cáo hạnh phúc của LHQ là quyền tự do lựa chọn cuộc sống và sự rộng lượng, thì cả hai điều này người Phần Lan đều được xem là điều… thỏa mãn.
Theo Tiến sĩ Frank Martela, triết gia và nhà nghiên cứu tâm lý chuyên nghiên cứu các nền tảng của hạnh phúc ở Phần Lan, có ba điều mà người dân đất nước hạnh phúc nhất thế giới này không bao giờ làm. Thứ nhất, là không so sánh mình với người khác, thay vào đó, hãy tập trung vào điều làm cho bạn hạnh phúc; Thứ hai, không bỏ qua các lợi ích của thiên nhiên, thứ giúp họ có được sự yên bình trong tâm trí, cung cấp năng lượng và tạo sự thư giãn và thực tế tại Phần Lan, chính quyền cho phép người dân Phần Lan sử dụng miễn phí mọi khu rừng, hồ và khu vực ven biển.
Với tỷ lệ rừng bao phủ đến 75% diện tích, nhiều thành phố Phần Lan được xây dựng cạnh rừng, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận với thiên nhiên. Những hoạt động như cắm trại, hái quả, hái nấm, bơi lội, chạy bộ, cưỡi ngựa và trượt tuyết đều miễn phí trong không gian công cộng.
Thứ ba là không đánh mất lòng tin vào cộng đồng. Đơn cử như người Phần Lan đều tin rằng nếu bạn để quên máy tính xách tay trong thư viện và mất điện thoại trên tàu ở Phần Lan, bạn có thể tin chắc rằng sẽ được nhận lại nó.
Niềm tin giúp con người hạnh phúc
Điều này cũng thực sự chân xác tại Phần Lan. Bên cạnh tư duy, thái độ sống của mỗi cá nhân thì môi trường xung quanh, hoàn cảnh sống và những quyết định trong xã hội có ảnh hưởng đến khả năng hạnh phúc của một cá nhân và tại Phần Lan, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, những quyết định, chính sách của chính quyền, sự tin tưởng của người dân vào những quyết sách ấy là một trong những lý do căn bản khiến người Phần Lan hạnh phúc.
Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report - WHR) là một ấn phẩm của Mạng lưới Giải pháp Phát triển bền vững (Liên hợp quốc) dựa trên số liệu được thu thập từ người dân tại hơn 150 quốc gia. Chỉ số hạnh phúc quốc gia được xem xét trên 6 yếu tố chính: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự hào phóng và mức độ tham nhũng. Phần Lan đạt điểm cao trong tất cả các hạng mục này. Năm nay, sau Phần Lan, Đan Mạch và Iceland lần lượt xếp hạng 2 và 3 trong báo cáo Hạnh phúc.
Điều này được minh chứng bằng việc Phần Lan luôn là một trong những quốc gia được đánh giá cao về các chính sách an sinh xã hội như giáo dục đa phần được miễn phí, thời gian nghỉ làm kéo dài, có bảo hiểm chăm sóc sức khỏe… Quốc gia Bắc Âu này liên tục được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá là một cường quốc hàng đầu về giáo dục, nơi luôn có môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.
Mô hình giáo dục ở Phần Lan luôn tạo điều kiện tối đa cho học sinh được tự do phát triển bản thân, mục đích học tập là để học sinh hạnh phúc, tôn trọng bản thân và những người khác, trường học tập trung vào việc biến trường học thành một nơi an toàn, bình đẳng và trẻ em có thể học hỏi nhiều thứ.
Hệ thống phúc lợi cũng là một điểm cộng nữa tại Phần Lan. Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2021, nữ Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới, từng khẳng định sự bình đẳng, nền giáo dục được hỗ trợ tài chính tốt và một nhà nước vững mạnh vì phúc lợi của người dân là những trụ cột chính làm nên thành công của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Thủ tướng Marin cho biết Phần Lan cam kết duy trì trạng thái phúc lợi hào phóng trong một “môi trường bền vững” cho người dân. Thực tế những năm qua, đơn cử như chính sách “Housing First - nhà ở trên hết” của Phần Lan giúp người vô gia cư có một mái ấm lâu dài để nỗ lực thay đổi cuộc đời đã được đánh giá cao.
Được bắt đầu triển khai từ năm 2008, chính sách này đã giúp Phần Lan trở thành quốc gia châu Âu duy nhất có tỷ lệ vô gia cư giảm xuống mức thấp trong những năm gần đây. Nếu vào thập niên 1980, Phần Lan có khoảng 20.000 người vô gia cư thì đến năm 2021, con số này đã giảm xuống còn hơn 4.300 người. Một điểm cộng nữa của Phần Lan, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017, Phần Lan được mệnh danh là quốc gia an toàn nhất trên thế giới.
Hài lòng với những gì mình có, được tự do đưa ra quyết định thụ hưởng hay chia sẻ những gì mình thích, được đặt ở vị trí ưu tiên trong mọi chính sách an sinh… đó có lẽ là những điều đã, đang khiến Phần Lan nhiều năm liền được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.