Đường đến trại giam của tài xế 'sai một ly, đi một dặm'

Chỉ vì muốn né phạt vi phạm giao thông hoặc lý do rất đơn giản, nhiều tài xế đã liều lĩnh tông xe vào CSGT để rồi trả giá đắt khi phải đối diện tội danh giết người.

Liên tiếp những vụ chống đối manh động

Dịp trước tết Nguyên đán 2024, Cục CSGT và cơ quan chức năng nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận hàng loạt vụ việc có dấu hiệu chống đối cảnh sát trong quá trình kiểm tra nồng độ cồn.

Tài xế Phạm Đình Huân làm việc với cơ quan điều tra sau khi tông hai CSGT ở Hà Nam.

Tài xế Phạm Đình Huân làm việc với cơ quan điều tra sau khi tông hai CSGT ở Hà Nam.

Điển hình, tối 7/1, đại úy Nguyễn Văn Thưởng cùng tổ công tác Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến đường 35 qua xã Hồng Kỳ. Lúc đó, Phạm Ngọc Sơn (SN 1987, trú xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) đang lái xe ô tô, khi thấy chốt kiểm tra liền quay đầu bỏ chạy, chèn qua người đại úy Thưởng khiến nam cảnh sát chấn thương sọ não.

Khi bị bắt, tài xế Sơn bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn. Công an huyện Sóc Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Sơn về hành vi giết người.

Tương tự, tối 15/12/2023, Phạm Đình Huân (SN 2003, trú huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lái xe ô tô lưu thông trên đường Khánh Hòa, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Khoảng 20h5, thấy tổ công tác Công an thị xã Duy Tiên ra tín hiệu dừng xe tại vị trí kiểm tra nồng độ cồn, Huân không chấp hành hiệu lệnh, tăng tốc rồi đánh lái đâm trực diện vào hai cảnh sát. Sau đó, Công an tỉnh Hà Nam ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Huân về hành vi giết người.

Không chỉ tài xế điều khiển xe ô tô có hành vi trốn tránh việc kiểm tra nồng độ cồn và chống đối cảnh sát, mà ngay cả nhiều tài xế xe máy cũng liều lĩnh vi phạm.

Cụ thể, tối 17/1, tổ CSGT của Công an tỉnh Hà Tĩnh làm nhiệm vụ trên đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh phát hiện Đặng Đình V (SN 2006, học sinh lớp 12 trường THPT Thành Sen) lái xe máy di chuyển tốc độ nhanh.

Khi CSGT ra hiệu lệnh, nam thiếu niên bất ngờ điều khiển xe vượt qua hai cán bộ CSGT rồi tông trúng thiếu tá Hồ Sỹ Tích, làm người này bị thương nặng, dập phổi.

V khai chưa có bằng lái xe máy, lo sợ bị xử lý nên đã cố tình vượt chốt. V đã bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ.

Hay như trường hợp của tài xế Phan Công Đoàn (SN 1982, ở Nghệ An), từng là thượng úy quân đội. Tối 21/1, Đoàn lái xe ô tô và bị tổ công tác của Đội CSGT – trật tự, Công an TP Vinh yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Đoàn liều lĩnh nhấn ga đâm thẳng vào CSGT rồi bỏ chạy. Khi bị khống chế, cảnh sát xác định Đoàn vi phạm nồng độ cồn mức 0,399 mg/khí thở.

Hãy chấp hành, thay vì chống đối

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2023, toàn quốc xảy ra 249 vụ với 327 đối tượng chống lại lực lượng công an thi hành công vụ (tăng 66,21% số vụ, 16,37% số đối tượng so với năm 2022).

Điều đáng lo ngại là đối tượng chống người thi hành công vụ gồm nhiều thành phần. Các đối tượng dùng vũ lực, hung khí, phương tiện giao thông, vũ khí tấn công hoặc kích động, lôi kéo nhiều người tham gia, xảy ra ở nhiều địa phương.

Còn theo đại diện Cục CSGT, thời gian qua xảy ra một số vụ chống đối lực lượng chức năng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều đối tượng có hành vi sử dụng chất kích thích như rượu bia, chất ma túy khi bị CSGT kiểm tra, kiểm soát đã hành động bất chấp gây nguy hiểm.

Qua nắm bắt một số vụ án và vụ việc, cơ quan chức năng nhận thấy nguyên nhân của hành vi chống đối xảy ra khi tài xế quan sát thấy lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát phương tiện, họ có tâm lý sợ bị xử phạt, bị tước giấy phép lái xe hay tạm giữ phương tiện nên gây án.

Đưa ra quan điểm về các vụ việc chống đối CSGT, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) cho rằng, nguyên nhân chính gây ra hành vi này do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, tâm lý chung của người vi phạm luật giao thông là sợ bị nộp phạt, lo bị giữ xe và giữ giấy tờ nên họ cố tình trốn tránh, tìm cách bỏ chạy.

Cũng theo luật sư, ngoài những nguyên nhân khiến tài xế không chấp hành hiệu lệnh và chống đối cảnh sát, có thể do yếu tố chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống của một số người thực thi công vụ chưa tốt. "Hãy chấp hành, thay vì chống đối. Nếu cảm thấy bị phạt sai, người dân hoàn toàn có quyền khiếu nại", luật sư nói.

Còn luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) nhìn nhận, khi gặp CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, mọi tài xế nên chấp hành để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.

"Chấp hành mức phạt sẽ theo hành vi vi phạm, nhưng nếu không chấp hành hoặc chống đối tài xế có thể đối diện mức phạt kịch khung, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư khuyến cáo và cho rằng, khi có ý định chống đối, người vi phạm nên ý thức được đường vào trại giam rất gần. Khi đó, cuộc sống, công việc của bản thân và cả gia đình có thể bị đảo lộn chỉ vì lý do rất không đáng.

Theo Án lệ số 18/2018 của TAND Tối cao, ngày 30/6/2017, tài xế Phan Thành H điều khiển xe ô tô đầu kéo lưu thông từ Nam ra Bắc. Khi đến địa phận TP Hà Tĩnh, tổ tuần tra CSGT phát hiện H chạy xe quá tốc độ nên ra tín hiệu dừng phương tiện. Sau khi dừng xe, H cho rằng mình không vi phạm nên không xuất trình giấy tờ.

Tiếp đó, H lên ô tô đóng cửa lại (xe vẫn đang nổ máy). Lúc này, hai CSGT Lê Hồ Việt A và Nguyễn Anh Đ đứng phía trước xe đầu kéo và ra hiệu cho H không được lái xe di chuyển. Tuy nhiên, H không chấp hành rồi bất ngờ lao xe thẳng vào 2 CSGT.

Anh Việt A tránh được, còn anh Đ không kịp tránh nên buộc phải bám vào gương chiếu hậu của xe. Ô tô đầu kéo chạy với tốc độ cao, tài xế H chủ động đánh lái mạnh về bên trái nhằm hất anh Đ xuống. Bị đánh lái đột ngột, anh Đ văng khỏi xe, chấn thương sọ não, gãy chân, tổn hại sức khỏe 40%. Sau đó, H bị TAND tỉnh Hà Tĩnh phạt 7 năm tù về tội giết người, với tình tiết định khung là giết người đang thi hành công vụ.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/duong-den-trai-giam-cua-tai-xe-sai-mot-ly-di-mot-dam-192240126155157498.htm