Dưỡng 'điếc'
Sau sự kiện 5-8-1964 do Mỹ gây ra ở Vịnh Bắc Bộ, theo yêu cầu của trên, những quân nhân sắp hoặc đã hết nghĩa vụ quân sự còn đang tại ngũ được giữ lại quân đội. Đại đa số anh em yên tâm ở lại sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu... Tuy nhiên cũng còn một bộ phận dao động.
Sau sự kiện 5-8-1964 do Mỹ gây ra ở Vịnh Bắc Bộ, theo yêu cầu của trên, những quân nhân sắp hoặc đã hết nghĩa vụ quân sự còn đang tại ngũ được giữ lại quân đội. Đại đa số anh em yên tâm ở lại sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu... Tuy nhiên cũng còn một bộ phận dao động.
Đại đội M8, thuộc đơn vị H lúc ấy có một số quân nhân đã hết hạn nghĩa vụ quân sự, tỏ ra lo lắng, băn khoăn, có người giả ốm xin đi viện chữa bệnh... Riêng binh nhất Trần Văn Dưỡng đã giả "điếc" để xin đơn vị cho về địa phương. Trước tình hình ấy, Chi bộ đại đội đã ra nghị quyết lãnh đạo về công tác tư tưởng đối với số quân nhân này.
Chính trị viên đại đội là trung úy Lê Văn Quyến nói với Phó bí thư Liên chi đoàn đại đội, thảo những bức thư ngắn cho chỉ huy gửi tới từng gia đình quân nhân trên. Trong thư có đề nghị gia đình động viên con em tiếp tục ở lại quân đội.
Mặt khác, Chính trị viên Quyến bàn với trung úy Phạm Văn Ngọ, Đại đội trưởng xin phép cấp trên tổ chức cho bộ đội hành quân dã ngoại một tháng 2 lần, mỗi lần 5-7 ngày, vừa rèn luyện, vừa để bộ đội cảm nhận được không khí sục sôi chuẩn bị chiến đấu của quân dân ở các địa phương đơn vị hành quân qua. Trong thời gian hành quân dã ngoại, Chính trị viên chỉ đạo Liên chi đoàn tổ chức thi ca hát, thi làm thơ "nối" với chủ đề "Sẵn sàng chiến đấu" (nghĩa là một người xướng câu thơ đầu, còn lại các đoàn viên khác thi nhau làm các câu thơ sau để hoàn chỉnh bài thơ). Có buổi đại đội tổ chức cho bộ đội tham quan đền Hùng, có buổi tham quan đền thờ Hai Bà Trưng... Chính trị viên đã kể cho bộ đội nghe về tấm gương oanh liệt của Hai Bà Trưng, về truyền thống Việt Nam "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh"...
Riêng về chuyện Dưỡng "điếc", có nhiều ý kiến đề nghị đem anh ta ra trước đại đội "đấu" về tội giả điếc. Chính trị viên không đồng ý với cách làm ấy, vì Dưỡng là quân nhân đã hết hạn nghĩa vụ quân sự. Nay có lệnh ở lại quân đội, Dưỡng và một số quân nhân có dao động là chuyện tâm lý bình thường, cần có thời gian giáo dục. Nếu đem Dưỡng ra "đấu" có khi đẩy Dưỡng và một số anh em khác tiêu cực hơn.
Thay cho cách làm ấy, Chính trị viên đã gặp gỡ ân cần thăm hỏi về tình hình gia đình, sức khỏe và nguyên nhân về cái bệnh "điếc" của Dưỡng. Biết không thể dối được nữa, Dưỡng đỏ mặt và trình bày rõ lý do giả điếc của mình. Sau đó Chính trị viên thống nhất với Dưỡng về kế hoạch "chữa bệnh" điếc. Vài ngày sau đó, Dưỡng được Đại đội trưởng cho đi "chữa bệnh" tại Bệnh xá Trung đoàn. Sau 7 ngày "chữa trị", Dưỡng đã trở về đơn vị với tờ giấy ra viện ghi rõ ràng: "Trần Văn Dưỡng đã khỏi bệnh, về đơn vị công tác bình thường".
Đầu năm 1965, đại đội cùng đơn vị được lệnh hành quân về hướng nam, 100% cán bộ, chiến sĩ vui vẻ lên đường chiến đấu. Dưỡng cùng đồng đội vang khúc quân hành và những bài ca ra trận.
Hà Anh
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/duong-diec-414615