'Đường đua xanh' thách thức doanh nghiệp năm 2024
Nhiều thị trường xuất khẩu đang đưa ra những tiêu chuẩn về xanh hóa sản phẩm. Nếu không tham gia vào đường đua này, doanh nghiệp Việt sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Cập nhật về các quy định mới về xanh hóa, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại tại Bỉ và EU, cho biết cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ thực hiện khai báo theo mẫu của EU từ tháng 6/2024. Các doanh nghiệp xuất khẩu thép, xi măng, phân bón cần nghiên cứu quy định của EU để tính lượng CO2 thải ra trong quá trình sản xuất.
Barie xanh hóa
Tương tự, quy định Due Diligent trong EUDR cũng sẽ có hiệu lực trong năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, đồ gỗ, cao su cần phải thực hiện thủ tục chứng nhận không phá rừng với hướng dẫn rất chi tiết của EU.
Dự kiến trong năm 2024, EU cũng đưa ra quy định Ecodesign trong ngành dệt may để hạn chế rác thải dệt may, hạn chế rác thực phẩm... Các quy định này đều đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu phải có sự chuẩn bị và chuyển đổi sản xuất tương ứng.
Cùng với đó, ông Quân cho biết EU cũng đang tăng cường Quản lý an toàn thực phẩm, giám sát thương mại nhất là các vụ việc lẩn tránh thuế từ các nước thứ 3. Đồng thời, trong tháng 1, EU cũng đã ban hành rất nhiều ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết ở mức 0.01mg/1kg, phê chuẩn chương trình kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật (Việt Nam là thủy sản, mật ong – đang xem xét trứng và sữa), và các biện pháp khẩn cấp và tạm thời kiểm soát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu.
Bước sang năm 2024, Bộ Công Thương cũng liên tục phát đi cảnh báo về những khó khăn liên quan tới phát triển xanh. Theo đó, các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... với thương mại).
Ngoài ra, Bộ Công Thương đánh giá, xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét và đang định hình lại các hình thức, loại hình dự án FDI trên toàn cầu.
Nói về tình hình kinh doanh 2024, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, cho biết đơn hàng có cải thiện so với những tháng trước, nhưng nhỏ, lẻ, giá thấp hơn nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Giá thấp, có nghĩa lợi nhuận sẽ thấp theo. Nhưng nếu không nhận đơn hàng thì sẽ không có việc cho công nhân.
Để tìm kiếm khách hàng, ông Tùng nhìn nhận xanh hóa thôi chưa đủ, vì ESG, xanh hóa chỉ là chữ E (Môi trường), tức đáp ứng yêu cầu về giảm khí thải, nước thải, đồng thời sử dụng năng lượng xanh… Bangladesh đang làm tốt điều này, doanh nghiệp của họ có nhiều chứng chỉ LEED (một giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Mỹ).
Tuy nhiên, Bangladesh chưa làm tốt chữ S (Xã hội), nhiều cuộc đình công xảy ra trong những năm qua. Khi yếu tố xã hội chưa tốt sẽ kéo theo vấn đề về quản trị.
Đối chiếu với Việt Nam, lịch sử ngành dệt may chưa xảy ra cuộc đình công nào lớn trong thời gian gần đây. Đặc biệt, người Việt có sự nhân văn, đùm bọc với người lao động. "Hiện, toàn ngành dệt may Việt Nam đều định hướng phát triển bền vững và có lộ trình rõ ràng", ông Tùng tự tin khẳng định.
Thách thức doanh nghiệp Việt
Ngược lại, với ngành xi măng, CBAM được nhận định sẽ tác động tới hoạt động của doanh nghiệp. Ông Đỗ Tiến Trình, Tổng Giám đốc công ty xi măng VICEM Bút Sơn, cho biết phải tăng thêm chi phí tín chỉ carbon từ 10 – 50 Euro trên tấn sản phẩm nếu không khai báo trung thực phát thải CO2. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với thách thức về công nghệ, cơ chế chính sách.
Sử dụng bùn thải làm nguyên liệu thay thế bớt cho đất sét; đốt lò bằng rác, để giảm bớt đốt than... thời gian qua, Công ty Xi măng VICEM Bút Sơn đã giảm được khoảng 20% lượng khí carbon thải ra môi trường. Nhưng để xuất khẩu sang EU được thuận lợi, doanh nghiệp này cho biết, còn phải giảm thêm nhiều.
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp Việt, ông Trần Ngọc Quân thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Thương vụ đang xây dựng chương trình Hội nghị người Việt tại EU với mong muốn kết nối Việt Nam và EU thông qua cộng đồng người Việt Nam. Các địa phương quan tâm, cần chủ động xây dựng kế hoạch đoàn ra và liên hệ Thương vụ, Đại sứ Quán để cùng chuẩn bị chương trình.
Bộ Công Thương sẽ tổ chức chương trình Outsourcing năm 2024 vào đầu tháng 6, trong đó các Tham tán thương mại sẽ tổ chức đoàn về mua hàng. Dự kiến khu vực châu Âu cũng sẽ tổ chức hội nghị tham tán thương mại trong khuôn khổ Outsourcing và Thương vụ Bỉ sẽ phối hợp với một số hiệp hội EU, doanh nghiệp Luật tổ chức tập huấn thực thi quy định của EU liên quan đến CBAM, Due diligent và ecodesign.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), không chỉ ở thị trường xuất khẩu, sản xuất kinh doanh xanh và bền vững cũng đang dần trở thành các tiêu chuẩn pháp lý ở Việt Nam. Với các quy định như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các tiêu chuẩn cao về môi trường đối với sản xuất và phát thải, các yêu cầu thống kê phát thải CO2 trong một số ngành.
Do đó, việc thực hiện tiêu chuẩn xanh với các doanh nghiệp xuất khẩu có thể là “một công đôi việc”, vừa để đáp ứng quy định trong nước, vừa để xuất khẩu bền vững ở thị trường nước ngoài. Do vậy, để tranh thủ tận dụng cơ hội thị trường trước mắt, cũng như để duy trì xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp cần tranh thủ tận dụng các ưu đãi thuế quan và theo dõi, cập nhật, tuân thủ các quy định mới của thị trường nhập khẩu.
Ông Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Mục tiêu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và hệ thống cung ứng lương thực thực phẩm toàn cầu cần chuyển hóa bằng những hành động cụ thể bằng trách nhiệm của người sản xuất, nông dân và doanh nghiệp. Vừa qua, khi gặp các DN, hiệp hội xuất khẩu gỗ của Việt Nam tôi đã nói rằng trong tương lai, người ta không chỉ quan tâm việc sản xuất có vi phạm phá rừng hay không mà còn quan tâm hoạt động đó có sử dụng năng lượng hóa thạch không, có gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu không, có sử dụng lao động trẻ em không?… Khách hàng không đơn thuần mua sản phẩm mà còn mua cách tạo ra sản phẩm, nguồn gốc sản xuất.
Ông Vũ Bá Phú
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)
Tăng trưởng xanh, xuất khẩu xanh đang trở thành xu hướng trên toàn cầu, để không bị loại khỏi cuộc chơi, Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới yêu cầu xanh của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế. Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xanh có giá trị cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Trước đây, hàng hóa thuộc phân khúc cao cấp mới có tiêu chuẩn xanh, bền vững nhưng hiện nay, tiêu chuẩn này gắn với nhiều phân khúc hơn, trở thành yêu cầu phổ biến ở nhiều thị trường.
Ông Cao Hữu Hiếu
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)
Thị trường EU đang có những yêu cầu về cấm tiêu hủy hàng dệt may, điều này sẽ tác động tới các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Mới đây, rất nhiều hãng sản xuất đã trình diễn các công nghệ tái chế sản phẩm từ các sản phẩm dệt may, từ quần áo. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư nghiên cứu công nghệ, nhập khẩu các thiết bị, công nghệ để sản xuất các sản phẩm tái chế từ quần áo.