Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi 3.500 tỷ chậm tiến độ, tháo gỡ sao?
Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng hiện đang có nguy cơ chậm tiến độ trên mọi phương diện.
Ngày 7/5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ông Trần Phước Hiền đã chủ trì cuộc họp với chủ đầu tư, các sở, ngành và huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP. Quảng Ngãi để nghe và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi.
Tại cuộc họp, đại diện chủ đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ngô Văn Dụng báo cáo những khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Trong đó, khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB), mỏ vật liệu phục vụ thi công. Từ đó dẫn đến không có điều kiện thi công dự án, một số nhà thầu thi công trên công trường đã di chuyển thiết bị đi nơi khác. Việc lên khối lượng thanh toán, hoàn ứng, giải ngân vì thế cũng bị trì trệ theo.
Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi khởi công ngày 24/12/2023. Theo thiết kế, tuyến đường này dài gần 27 km, từ đường Hoàng Sa (TP.Quảng Ngãi) đến đường Thanh Niên ở Khu kinh tế Dung Quất (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương 1.300 tỉ đồng (bố trí vốn năm 2024 là 420 tỉ đồng). Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, hiện dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi chậm tiến độ mọi mặt. Cụ thể, đến nay, bàn giao mặt bằng mới chỉ đạt 15,5%; giá trị thi công đạt gần 4 tỷ đồng/2.350 tỷ đồng, tương đương 0,17%.
Thiếu cát và thêm các bất cập khác nên trên công trường dự án chỉ lác đác vài mũi thi công. Từ con số báo cáo ban đầu khi dự án khởi công các nhà thầu chỉ huy động được khoảng 70 nhân lực, 20 máy móc thiết bị. Tuy nhiên, hiện tại đã rút khỏi mặt bằng thi công hơn 50%.
Ông Ngô Văn Dụng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi cho rằng, nếu tỉnh không có chủ trương để chỉ đạo tháo gỡ bất cập về bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), nguồn vật liệu thi công và giải ngân vốn nguy cơ tiến độ dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Dụng cho biết, sau các sự cố vừa qua tình hình dự án thêm khó khăn, công tác bồi thường, GPMB rất chậm, mặt bằng toàn tuyến chủ yếu "xôi đổ". Vị trí cầu cống thuận lợi cho thi công được lại thiếu cát.
"Từ đó dẫn đến không có điều kiện thi công dự án, một số nhà thầu thi công trên công trường di chuyển thiết bị đi nơi khác. Việc lên khối lượng thanh toán, hoàn ứng, giải ngân vì thế cũng trì trệ theo", ông Dụng nói.
Liên quan đến việc các nhà thầu tự ý rút thiết bị, nhân sự khỏi công trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chỉ đạo các nhà thầu phải có trách nhiệm bám sát công trường, báo cáo kịp thời các vướng mắc cho chủ đầu tư và chính quyền địa phương để có cách tháo gỡ.
"Không thể tùy tiện ngừng thi công, rút thiết bị khỏi công trường. Nhà thầu nào cố tình vi phạm hợp đồng, gây trì trệ tiến độ dự án, tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm", ông Hiền chỉ đạo.