Đường kết nối cảng Liên Chiểu sẽ có 6 làn xe, lường trước việc ùn tắc
Trước mắt, đường kết nối đến cảng Liên Chiểu sẽ được thiết kế với quy mô 6 làn xe, việc tổ chức giao thông cũng đã được tính toán kỹ.
Sáng 27/6, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án cảng Liên Chiểu) cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa kiểm tra thực tế và có những chỉ đạo cụ thể trong việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.
"Ban quản lý sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng bám sát chỉ đạo của Thủ tướng trong việc triển khai dự án", ông Hưng nói.
Cụ thể về việc đầu tư xây dựng, ông Hưng cho biết, trước mắt, đường kết nối đến cảng Liên Chiểu làm theo quy mô 6 làn xe.
Khi lập quy hoạch phân khu sẽ tiếp tục tính toán 1 tuyến đường khác và tổ chức giao thông theo hướng 1 chiều vào cảng và 1 chiều ra cảng, đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi.
“Ban đang lập Quy hoạch phân khu cảng biển, đang tính toán theo hướng kết nối đường Tạ Quang Bửu thông qua đường Nguyễn Phước Chu kết nối đến cảng Liên Chiểu.
Theo đó, khi cảng Liên Chiểu đưa vào khai thác sẽ rất thuận lợi, phân luồng giao thông theo các tuyến đường 1 chiều ra vào cảng, tránh trường hợp dồn vào 1 đường sẽ gây ách tắc giao thông”, ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, hiện tiến độ dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu đang triển khai thuận lợi, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để khởi công trong năm 2022, hoàn thành vào năm 2025.
Trước đó, ngày 26/6, trong chuyến công tác, làm việc tại Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát quy hoạch tổng thể cảng Liên Chiểu và kết nối giao thông liên vùng giữa Đà Nẵng và khu vực.
Đây là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Dự án gồm 2 hợp phần.
Hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, dự kiến khởi công tháng 9/2022 với các hạng mục gồm đê, kè chắn sóng (1.170m); luồng tàu, vũng quay tàu, hệ thống báo hiệu cho tàu đến 100.000DWT (6.000-8.000 Teu); giao thông đường bộ kết nối đến cảng; hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng cảng.
Hợp phần B (giai đoạn khởi động) với tổng diện tích 44ha, quy mô 2 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.
Tại buổi kiểm tra, Thủ tướng lưu ý cần dự báo, "tính toán số liệu tương lai để làm công trình hiện tại", không phải "đếm số liệu hiện tại để làm công trình tương lai".
Thủ tướng yêu cầu quy hoạch hoàn chỉnh, hoàn thiện hạ tầng kết nối, kêu gọi hợp tác công tư trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng cảng...; hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.