Đường lên Hòn Bà cỏ cây phủ lối
Hòn Bà là một địa danh thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa được mọi người nhắc đến bởi Bác sĩ Yersin đã lặn lội lên tận đỉnh núi cao 1.578m, cách Nha Trang 56km về phía Tây Nam để trồng cây thuốc Quiquina. Theo tài liệu thì vào năm 1905, bác sĩ Yersin đã cưỡi ngựa dạo quanh khu vực Suối Dầu, nhìn thấy ngọn núi cao vói này, mới quyết định lên núi để khảo sát và mở một con đường nhỏ chỉ cho người đi bộ và ngựa lên tận trên đó.
Thời gian bác sĩ Yersin trồng cây, đi và về trên Hòn Bà là 18 năm, đến tháng 7 năm 1923, do thất bại trong việc trồng cây Quiquina ông đã bỏ chỗ này và chuyển về Đơn Dương để trồng. Cho đến khi ông chết vào năm 1943, con đường mòn do ông thuê người mở ra lên Hòn Bà vẫn còn đi lại được.
Trong một khoảng thời gian dài, một phần do chiến tranh, khi đó không ai quan tâm đến chuyện lên Hòn Bà làm gì, nên con đường lên Hòn Bà lại bị cỏ cây mọc đan xen bít lối. Những gì Yersin để lại trên đỉnh núi cao hơn cả Đà Lạt ấy dần dần cũng bị cỏ cây che lấp và hư hại.
Việc khôi phục lại di tích xưa trên đỉnh Hòn Bà đã được tỉnh Khánh Hòa nghĩ tới, và thay vì những cuộc leo núi khó nhọc chinh phục Hòn Bà của những nhà thám hiểm, một kinh phí trên 80 tỷ đồng vào thời điểm năm 2001 đã được đầu tư để mở con đường dài 36 km Suối Tiên để lên đỉnh. Tháng 4-2004 con đường được khánh thành, mở ra một cung đường du lịch đầy hấp dẫn. Bên cạnh đó, những dự án xây dựng một khu du lịch trên đỉnh Hòn Bà cũng đã được đưa ra bàn tán.
Trong nhiều năm, mỗi lần mưa bão, công việc sửa chữa đường lên Hòn Bà gặp nhiều khó khăn do tình trạng núi lở gây tắc đường. Cho đến nay, năm 2012 con đường đã có độ ổn định. Trên đỉnh Hòn Bà đã xây dựng lại ngôi nhà làm việc của bác sĩ Yersin, một khu nghỉ dưỡng gồm 6 bungalow cũng đã đi vào hoạt động. Dẫu chỉ mới là bước đầu, nhưng sức hút của Hòn Bà đối với du khách và ngay cả người địa phương rất lớn.
Tuy nhiên, nếu đi trên con đường đã đầu tư 80 tỷ đồng để lên tới một điểm du lịch đầy hấp dẫn, đầy quyến rũ vào thời điểm này, thật bất ngờ tới việc con đường có khả năng sẽ bị lãng quên, hư hỏng trở lại và nếu tu sửa lại sẽ tốn rất nhiều kinh phí.
Chúng tôi đi từ chân núi lên trên đỉnh Hòn Bà, có thể nhìn thấy là độ cây xanh bao phủ con đường sau 8 năm đi vào hoạt động đã tạo cho con đường có nhiều bóng mát. Tuy nhiên, suốt cả mấy chục cây số đường từ chân núi lên tới đỉnh ấy cỏ dại đã phủ dạt lên lối đi. Những đoạn đất trôi xuống, cỏ cây mọc lên, có cây cao trên 2 mét. Có đoạn cỏ và lau lách bạt ngang đường, các loại dây leo cũng rối rít hồn nhiên bò lan ra con đường. Xe đi lên xuống phải lách cỏ dại, bị khuất tầm nhìn quan sát. Nhiều khu vực các barie an toàn bằng sắt cũng bị lấp trong cây cỏ, có barie bắt đầu bị rỉ sét.
Việc bỏ rơi một con đường đã phải tốn bao nhiêu tiền của như thế là điều cần phải kịp thời khắc phục. Bởi ngay thời điểm này, chỉ cần tốn một khoản tiền nhỏ để dọn sạch cỏ dại, sơn sửa lại các barie vẫn còn kịp. Chờ đến khi con đường hư hỏng hoàn toàn, có lẽ lại tốn thêm bạc tỷ để khôi phục.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/duong-len-hon-ba-co-cay-phu-loi-post291200.html