Đường lớn đã mở

25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, diện mạo hạ tầng giao thông (HTGT) của Vĩnh Phúc không ngừng đổi thay từng ngày, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển KT – XH của tỉnh. Nhờ sự kết nối liên hoàn, nhiều công trình giao thông tầm cỡ, quy mô liên tục được đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ, tạo ra thế và lực mới cho Vĩnh Phúc “cất cánh”.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến phía Nam), sớm đưa dự án vào sử dụng, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển. Ảnh: Chu Kiều

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến phía Nam), sớm đưa dự án vào sử dụng, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển. Ảnh: Chu Kiều

Vĩnh Phúc có vị trí địa lý rất thuận lợi là nằm trên Quốc lộ 2, trong 3 vùng quy hoạch quan trọng: Vùng Thủ đô, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng; trên tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Quốc lộ 2 và đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam. Đây là những thuận lợi vô cùng to lớn về giao thông, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT – XH của tỉnh.

Nhớ lại thời gian đầu khi mới ra “ở riêng” (năm 1997), 99/109 km đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh là đường cấp phối đá dăm nhựa hư hỏng nặng; 50/80 km đường tỉnh là đường đất; đường từ thị xã Vĩnh Yên đến trung tâm các huyện, thị xã đều là đường cấp phối đã xuống cấp nghiêm trọng; hơn 3.000 km đường GTNT mới chỉ đạt tỷ lệ cứng hóa ở mức 2,6%.

Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên từ Km7+880 đến Km29+800 kết nối Vĩnh Phúc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Tây Bắc vốn được coi là “huyết mạch” cũng đã xuống cấp nặng nề, không đáp ứng được nhu cầu giao thông.

Xuất phát từ điều kiện đặc thù của tỉnh, phát huy thế mạnh về vị trí địa lý, sau 25 năm xây dựng và phát triển, HTGT trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, phân bố khá hợp lý, mật độ đường giao thông cao.

Trong đó có tuyến cao tốc (Hà Nội - Lào Cai) và 4 tuyến quốc lộ; hệ thống đường vành đai chủ yếu để nối liền các KCN, các cụm du lịch và dịch vụ của tỉnh, tạo thành hệ thống giao thông kết nối liên hoàn.

Vĩnh Phúc có 1 tuyến đường sắt cấp Quốc gia đi qua dài khoảng 35 km, đây là tuyến đường sắt đối ngoại quan trọng, kết nối tỉnh với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đi Vân Nam, Trung Quốc.

Toàn tỉnh có 126 cầu; 3 nút giao liên thông với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; hệ thống các sông lớn, cảng thủy, bến thủy nội địa phong phú...

Hiện nay, nhiều dự án xây dựng, nâng cấp cải tạo đường bộ đã được thực hiện, đảm bảo giao thông thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh như Dự án cải tạo, nâng cấp sửa chữa mặt đường ĐT.301 đoạn từ Đại Lải - Đèo Nhe; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C dài 48 km từ cầu Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) đến xã Quang Sơn (Lập Thạch); đường từ cầu Bì La đến trung tâm thị trấn Lập Thạch; tuyến Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên được đầu tư bằng hình thức BOT…

Một trong những dự án giao thông có sức lan tỏa, phục vụ phát triển KT - XH và đời sống nhân dân trong tỉnh phải kể đến công trình đường song song đường sắt Hà Nội – Lào Cai (tuyến phía Bắc), đoạn từ Quốc lộ 2C đến đường Hợp Thịnh – Đạo Tú.

Dự án có diện tích sử dụng đất lên tới 17ha; thu hồi, bồi thường GPMB hơn 200 nghìn m2 đất; di chuyển 500 ngôi mộ và xây dựng 1 nghĩa trang nhân dân cùng hệ thống đường ống nước, đường điện.

Công trình bắt đầu tại điểm khớp nối với dự án từ đường Nguyễn Tất Thành (Vĩnh Yên) đến Quốc lộ 2C và kết thúc nối với đường Hợp Thịnh – Đạo Tú bởi 2 nhánh lên cầu vượt đường sắt; tổng chiều dài tuyến chính hơn 4 km...

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 300 tỷ đồng, do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long và Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Long thi công.

Hiện chủ đầu tư đã bàn giao cho nhà thầu 70% mặt bằng. Trên diện tích mặt bằng đang có, đơn vị thi công đã huy động 20 đầu xe vận chuyển đất, hơn 20 máy xúc, máy ủi và lu và bố trí 3 mũi thi công với 70 lao động trên toàn tuyến để triển khai hạng mục đào đất, đắp khuôn đường với chiều dài 2km. Dự kiến đến tháng 6/2022 sẽ thông tuyến.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch được duyệt; giảm tải lưu lượng xe trên Quốc lộ 2 theo hướng từ các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô đến thành phố Vĩnh Yên và ngược lại. Từ đó, khai thác hiệu quả quỹ đất, từng bước hoàn thành quy hoạch đô thị Vĩnh Phúc.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, thời gian tới, ngành GTVT tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật Quy hoạch của ngành vào Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Rà soát các quy định, cơ chế, chính sách, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Trung ương và của tỉnh để tập trung nguồn lực vào đầu tư một số công trình giao thông quan trọng, tạo ra bước chuyển biến lớn trong thu hút đầu tư phát triển KT – XH của tỉnh, như Đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc (bao gồm cả Quốc lộ 2B, đường dẫn lên cầu Vân Phúc); các đường vành đai (hoàn thiện mặt cắt quy hoạch và khép kín); hạ tầng giao thông kết nối vùng thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (tuyến đường vành đai 5 - vùng thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên đi Quốc lộ 2C và Tuyên Quang), Bến xe khách Vĩnh Yên…

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh; kiến nghị cơ chế chính sách của Trung ương để thu hút đầu tư, xã hội hóa vào phát triển kết cấu HTGT bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phát triển Khu đô thị mới, Khu nhà ở mới để góp phần nhanh chóng hoàn thiện kết cấu HTGT.

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, giải quyết dứt điểm các nút thắt trong công tác BT- GPMB đối với một số dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Kêu gọi thu hút đầu tư xã hội hóa vào hệ thống cảng sông nhằm tăng cường, thúc đẩy hình thức vận tải giữa đường thủy và đường bộ, đường sắt...

Bảo Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/71422/duong-lon-da-mo.html